Chuyên gia giao thông: Hà Nội đang "cố đấm ăn xôi" chứng minh BRT là tốt

Auto Vina
(Autovina) - Hà Nội đang "cố đấm ăn xôi" chứng minh BRT là tốt, đó là khẳng định của chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy xung quanh câu chuyện ùn tắc giao thông ở Hà Nội.

“Với tư cách 40 năm nghiên cứu giao thông đô thị, tôi có thể khẳng định không có ai có thể làm được bài toán đó và không có ai có thể nhận thưởng được. Tôi cũng đã đọc được một số hiến kế trên mạng nhưng theo tôi cũng chỉ như muối bỏ biển".

TS Nguyễn Xuân Thủy

 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - người có nhiều năm nghiên cứu giao thông tại các đô thị (ảnh: Infonet)

Đây là khẳng định của chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy xung quanh câu chuyện ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Theo chuyên gia này, xe buýt nhanh phải có tuyến đường riêng nhưng do tuyến đường của mình chỉ có 3 làn xe thôi, mà chúng ta lại giành toàn bộ một làn cho buýt nhanh trong giai đoạn ít người đi như thế này rất lãng phí.

Thứ nữa, tuyến đường này đang ùn tắc và dễ xảy ra tai nạn mà Hà Nội lại quyết định lắp dải phân cách cứng thì tạo ra sự áp đặt.

“Trong khi đó người đi vẫn có thể  đi theo đường cũ cho nên  khả năng va chạm tăng lên, ùn tắc trầm trọng hơn”- TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Theo TS Thủy thì Hà Nội đang “cố đấm ăn xôi” cố gắng làm để chứng minh xe buýt nhanh là tốt. Thế nhưng trong thời gian chạy miễn phí cho hành khách mà người đi ít (hệ số gama – số ghế ngồi chỉ khoảng 30- 40%, tức là chỉ chưa đến một nửa ghế được sử dụng), trong khi chúng ta lại giành một không gian quá lớn cho xe  buýt nhanh mà lại làm tăng thêm khả năng ùn tắc và mất an toàn thì chưa nên lắp dải phân cách cứng.

“Quan điểm của cá nhân tôi là Hà Nội cứ cho chạy thí điểm buýt nhanh đến khi nào ổn định, các xe này phát huy được năng lực của nó - chở ít nhất 30.000- 40.000 hành khách một ngày, đúng ra giờ cao điểm chở 40 – 50.000 người thì lúc đó mới tương ứng với không gian mà nó sử dụng. Đến lúc đó  ta mới sử dụng dải phân cách cứng thì theo tôi hợp lý hơn”- TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

xe buýt BRT

Không có ai có thể giành giải thưởng của Hà Nội

Nói về các giải pháp chống ùn tắc cho Hà Nội và việc Hà Nội treo thưởng 2.000 USD để tìm giải pháp cho giao thông, TS Nguyễn Văn Thuỷ cho rằn, giải pháp đồng bộ, tổng hợp là bài toán cực kỳ phức tạp và cần có lộ trình. Bài toán đó kèm theo hàng chục bài toán khác cũng hết sức phức tạp chứ không phải là tìm ra lời giải đơn giản thế được.

“Với tư cách 40 năm nghiên cứu giao thông đô thị, tôi có thể khẳng định không có ai có thể làm được bài toán đó và không có ai có thể nhận thưởng được. Tôi cũng đã đọc được một số hiến kế của các cá nhân trên mạng nhưng theo tôi những hiến kế đó cũng chỉ như muối bỏ biển, không có tác dụng bao nhiêu” – TS Thủy nhấn mạnh.

Theo đó, để giải được bài toán ùn tắc này, TS Thủy cho rằng cần đồng bộ và có lộ trình. Cụ thể, giải pháp đầu tiên mà Hà Nội cần triển khai đó là nâng cấp hệ thống hạ tầng (trong đó có phát triển hệ thống giao thông thông minh), cầu đường thoáng, các ngã tư, cửa ngõ thành phố mở rộng ra, trục đường chính, đường vành đai phát triển mạnh. Đáng lưu ý, theo TS Thủy là “tốc độ phải nhanh hơn chứ không nên để những lô cốt tạo điểm đen giao thông do làm đường gây nên”.

Giải pháp thứ hai là phải phát triển giao thông công cộng, từ 10- 15 năm tới phải có ít nhất 3- 4 tuyến tàu điện ngầm. Mạng lưới tàu điện ngầm hiện nay theo TS Thủy “làm là không hợp lý. Vì chúng ta xây những đường tàu điện quá dài trong khi ở những tuyến khác rất cần thì lại không có.

“Ở các nước khác họ xây dựng hệ thống tàu điện  theo kiểu nở hoa – đô thị đến đâu thì làm tàu điện ngầm vươn ra đến  đó – vừa hợp lý, vừa đỡ tốn kém, vừa kịp thời gian giải quyết những tuyến đang ùn tắc. Ví dụ tại Hà Nội những tuyến cần làm như Yên Viên – Ngọc Hồi (có thể chúng ta làm đến cầu Chương Dương mà chưa cần làm đến Yên Viên) hoặc là tuyển Nhổn ga Hà Nội thì phải cho nó xuyên tâm đi tiếp đến Bác Cổ hoặc sang đến cầu Chương Dương hoặc những tuyến đi trong phố cổ, đến những trung tâm thương mại. Tuy nhiên, hiện nay, Hà Nội đang làm một tuyến dài hơn mười km vươn ra tận Như Quỳnh (Hưng Yên)… điều đó là không tưởng.

Việc xây dựng hệ thống "tàu điện nở hoa" theo tôi  nghĩ có tác dụng hơn là việc chúng ta xây dựng những tuyến quá dài, thời gian xây dựng hàng chục năm mới xong trong khi những tuyến khác lại không có, gây ùn tắc”- TS Thủy nhấn mạnh.

Giải pháp thứ 3, theo TS Thủy là phải có những chuyến tàu điện với công suất lớn gấp 4- 5 lần xe buýt, rồi những chuyến tàu điện ngoại thành nối các thành phố vệ tinh.

“Đó là những giải pháp phải tiến hành khoa học, đồng bộ làm tốc độ rất cao chứ không phải như tốc độ rùa bò hiện nay đâu. Chẳng hạn như  tuyến đường sắt trên cao Nhổn ga Hà Nội không thể chậm như thế được, cố gắng đến 2019 phải xong chứ tôi không cho rằng kéo dài đến 2021 như là chính quyền Hà Nội tuyên bố. Tôi xin nói là, nếu không có những giải pháp triệt để, quyết liệt thì vài năm nữa ra đường không đi đâu nổi”- TS Thủy cảnh báo.

Giải pháp tiếp theo, TS Thủy cho rằng cần phải đẩy mạnh nâng cao quản lý chất lượng, điều hành, xử lý, tổ chức giao thông phải hiệu quả hơn. Nâng cao quy hoạch kiến trúc tăng thêm thành phố vệ tinh, giảm bớt nhà chung cư cao tầng trong nội đô nếu hạ tầng còn chưa đáp ứng. Và cần nâng cao ý thức về văn hóa giao thông cho người dân.

Theo Infonet