Chính phủ Mỹ bơm thêm 1,5 tỷ USD để cứu Chrysler

Admin
Ngày 16/1, Bộ Tài chính Mỹ công bố sẽ cho bộ phận tài chính thuộc hãng xe Chrysler đang gặp khó của nước này vay thêm 1,5 tỷ USD, kỳ hạn 5 năm.
Đáp lại, Chrysler cũng tuyên bố sẽ ngay lập tức dùng số tiền này để cho vay khách hàng mua xe với lãi suất 0% đối với nhiều mẫu xe, đồng thời mở rộng đối tượng cho vay sang những khách hàng có điểm tín dụng không cao.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, số tiền 1,5 tỷ USD nói trên năm ngoài khoản tiền 17,4 tỷ USD mà Chính phủ nước này đã cam kết cho hai hãng xe General Motors (GM) và Chrysler vay trước đó để thoát khỏi nguy cơ phá sản. Trong đó, 13,4 tỷ USD là dành cho GM và 4 tỷ USD còn lại thuộc về Chrysler, đều rút ra từ số tiền của kế hoạch giải trừ nợ xấu 700 tỷ USD (TARP). Khoản vay 1,5 tỷ USD mới này cũng được rút ra từ TARP.

Điều kiện cấp vốn mà Bộ Tài chính đưa ra cho Chrysler là hãng này phải tiếp tục hạn chế lương thưởng cho lãnh đạo doanh nghiệp.

Đương nhiên, hãng xe đang trong cơn khốn khó rất hoan nghênh sự hỗ trợ mới này từ phía Chính phủ Mỹ. “Việc cấp vốn này sẽ giúp chúng tôi đứng vững hơn trong môi trường kinh tế đầy thử thách hiện nay trước khi những nguồn vốn khác, truyền thống hơn, được khơi thông trở lại”, ông Thomas F. Gilman, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc bộ phận tài chính Chrysler Financial, cho biết.

Phó chủ tịch Jim Press của Chrysler thì khẳng định, khoản vay này sẽ cho phép Chrysler Financial có khả năng cung cấp tín dụng xe hơi cho nhiều khách hàng hơn với mức lãi suất ưu đãi, bao gồm cả những khách hàng có điểm tín dụng không cao. “Chúng tôi có những khách hàng muốn mua xe, các nhà phân phối muốn đặt hàng, và những công nhân muốn sản xuất xe. Với tình hình tài chính được cải thiện, chúng tôi có thể giúp khách hàng vay tiền và góp phần vào việc vực dậy kinh tế Mỹ”, ông Press nói.

Tháng 12 năm ngoái, doanh số của Chrysler sụt giảm tới 53% so với cùng kỳ, một mức giảm mạnh hơn các đối thủ đồng hương như GM hay Ford. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Chrysler khó mà có thể tồn tại qua năm nay với tư cách một hãng xe độc lập, cho dù hãng đã nhận được khoản vay 4 tỷ USD từ phía Chính phủ.

Khoản vay 1,5 tỷ USD dành cho Chrysler Financial được Chính phủ Mỹ quyết định cấp sau khi tham vấn với bộ phận này trong những tuần gần đây và đánh giá về tình hình tài chính của công ty. Trên thực tế, số tiền mà Chrysler kỳ vọng Chính phủ Mỹ sẽ cho Chrysler Financial vay phải là 3 tỷ USD.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã hứa chi 6 tỷ USD, cũng từ TARP, cho bộ phận tài chính mang tên GMAC của hãng GM. Tuy nhiên, khác với khoản vay mà Bộ này dành cho Chrysler Financial, số tiền bơm vào GMAC được đổi lấy cổ phần ưu đãi trong bộ phận này và nhằm giúp GMAC trong quá trình cải tổ thành một ngân hàng để có tư cách vay tiền từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Hiện bộ phận dịch vụ tài chính của hãng Ford là Ford Motor Credit cũng đang thảo luận với các quan chức Bộ Tài chính để xin vay tiền. Ngoài ra, các bộ phận tài chính của Ford và Chrysler đều đang đợi quyết định của Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) xem liệu họ có thể trở thành một công ty cho vay công nghiệp. Nếu được phê chuẩn, các bộ phận này sẽ được FDIC bảo lãnh nợ, và như thế sẽ được các nhà đầu tư rót vốn nhiều hơn.

Theo nhận định của các hãng xe hơi, tình hình tín dụng thắt chặt là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh số toàn ngành công nghiệp ôtô của nước này sụt giảm mất 18% trong năm 2008. Giới quan sát cho rằng, năm nay, tình hình thị trường xe hơi Mỹ nói riêng và thế giới nói chung sẽ tiếp tục u ám.

Về phần mình, chỉ riêng trong 6 tháng cuối năm 2008, Chrysler đã “đốt” 9 tỷ USD tiền mặt và kết thúc năm 2008, hãng xe này chỉ còn trong tay có 2 tỷ USD tiền mặt. Doanh số của hãng sụt giảm 30% trong năm 2008, buộc hãng phải ngừng hoạt động trong tháng 1/2009.

Mới đây, hãng GM đã tuyên bố, với hỗ trợ tài chính từ phía Chính phủ Mỹ, hãng có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, theo nhận định mới nhất, sự phục hồi của GM và Chrysler có thể bị đe dọa bởi sự đổ vỡ trong hệ thống các nhà cung cấp của các hãng xe này.

Theo chuyên gia tư vấn các nhà cung cấp Craig Fitzgerald của công ty tư vấn Plante & Moran ở Michigan, Mỹ, tới giữa năm nay sẽ có khoảng 1.600 công ty sản xuất phụ tùng xe hơi ở Bắc Mỹ kẹt vốn. Trong số này, sẽ có khoảng 100 công ty có khả năng phải đóng  cửa, gây tình trạng hỗn loạn trong ngành công nghiệp ôtô Mỹ.
autovina