Văn hóa... còi xe

Admin
Buổi trưa im ắng, đứa cháu phải ru mãi mới chịu ngủ bỗng giật mình khóc thét lên chỉ bởi tiếng còi của một “anh” ô tô đi ngang qua phố. Phố vắng, nào có mấy xe, chắc là do anh lái xe quen tay ...

“Ở nước các bạn, sao người ta bấm còi nhiều thế khi tham gia giao thông?” Câu hỏi của anh bạn nước ngoài khiến tôi giật mình... Có một cảm giác “gờn gợn” vì nhận ra trong giọng nói ấy, có một chút gì đó gần như chê trách và thiếu sự thiện cảm.

1. Tôi cố tìm cách đưa ra hàng đống lý do để biện minh cho cái sự ầm ĩ ấy của phố phường nhưng chẳng lý do nào có đủ sức thuyết phục. Thấy được sự bối rối của tôi, anh bạn đành xuề xòa, tạm chấp nhận và tự coi đó là một “nét văn hóa” không giống với phương Tây của người Việt. Mà quả thật, từ lúc anh bạn đưa ra câu hỏi ấy, tôi mới để ý đến những tiếng còi ầm ĩ ở ngoài phố, điều mà trước đây tôi và hàng triệu người Việt Namđã quá quen và không cảm thấy có gì là... bất ổn.

Tiếng còi xuất hiện ở khắp mọi nơi, trong ngõ, ngoài phố, và ở cả những con đường quốc lộ. Các loại xe gắn động cơ, không xe nào là không có còi, mà còi xe thời nay lại đa dạng về chủng loại. Những tiếng “pim pim” giờ đã xưa rồi, mấy cậu ấm sành điệu còn gắn còi với những âm thanh giống xe cứu hỏa, tiếng chó sủa, lợn kêu, gà gáy, rồi cả nhạc nhẽo ầm ĩ khắp phố, đi đến đâu, âm thanh phát ra đến đấy. Lúc này, còi không còn là phương tiện để báo động khi tham gia giao thông mà còn để khoe mẽ, để chứng tỏ bản thân, để thể hiện được sự tồn tại của một con người đang nghễu nghện giữa phố. Theo một số người, còi thể hiện sự sành điệu, phong cách và cả đẳng cấp một một số “bộ phận” trong xã hội. Tiếng còi giờ đã đi quá xa trong phạm vi của mình từ lúc nào chẳng hay.

Dân ta có thói quen bấm còi ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả lúc cần và chưa cần. Hãy thử giỏng tai lắng nghe mà xem, chỉ một phút đứng ở giữa phố đông cũng đủ để nhận ra rằng âm thanh của tiếng còi xe luôn bao trùm và làm mờ nhạt những thứ âm thanh khác. Nó liên tục, liên tục, rền rĩ và inh ỏi. Trong một đoạn phố ngắn, hầu như chẳng có xe nào không bấm còi ít nhất một lần. Việc bấm còi trở thành thói quen của những người cầm lái. Ít ai có đủ sự kiên nhẫn để ngưng sử dụng nó trong một thời gian dài. Hay tại người Việt quen quá với tiếng ồn, chỉ thiếu một chút là không chịu nổi?

Ngay cả lúc xe không chuyển động, tiếng còi vẫn ầm ĩ, thúc giục, như để... thách thức những “thằng” xe ở phía trước, như để quát lác, hối thúc, dọa nạt, kiểu như là “mày có chịu đi nhanh không hả, ông đâm cho bây giờ” hoặc “Đi cái kiểu gì thế, mắt không nhìn đường mà để trên đầu làm cảnh à”...

Ở chỗ ách tách giao thông, ở chỗ đèn xanh đèn đỏ, khi xe dưới thừa biết xe trên không thể tiến thêm, vậy mà vẫn bấm còi ầm ĩ, cứ như xe trên đang cố tình chặn xe của họ ở giữa đường. “Pim” mãi, “Pim” mãi mà chẳng giải quyết được vấn đề gì, lái xe hằn học, thay cho những tiếng còi là bộ mặt cộc cằn, thô lỗ. Rồi lại “pim”, “pim”... Tiếng vang khắp phố. Nhưng đường vẫn tắc, xe vẫn dừng, còn âm thanh phát ra từ tiếng còi xe vẫn chẳng lúc nào ngớt.

Bóp còi ầm ĩ, hỗn loạn là "nét văn hóa" giao thông đặc trưng của người Việt Nam

Trên đường cao tốc, mấy anh xe tải bấm còi cũng khiếp. Cứ vượt là còi, cứ lượn là còi. Còi to, còi nhỏ thi nhau hú. Anh nọ thấy anh kia bấm còi cũng cay cú và tìm cách trả đũa. Vậy là lại có cuộc cạnh tranh xem còi anh nào rú to hơn, hoành tráng hơn, đĩnh đạc hơn. Chỉ khổ cho thiên hạ đi đường, cho lũ trâu, bò, lợn gà rong ruổi từng đàn trên đường cao tốc, nghe thấy tiếng còi xe ầm ĩ là bán sống bán chết bỏ đàn chạy loạn khắp nơi. Ôi tiếng còi xe, ôi cái “nét văn hóa” giao thông rất... đặc trưng của người Việt.

2. Buổi trưa im ắng, đứa cháu phải ru mãi mới chịu ngủ bỗng giật mình khóc thét lên chỉ bởi tiếng còi của một “anh” ô tô đi ngang qua phố. Phố vắng, nào có mấy xe, chắc là do anh lái xe quen tay nên cố tình bấm vì không chịu đựng được cái cảnh chỉ lái xe suông? Rồi chiếc xe vụt đi, chỉ còn lại tiếng đứa cháu khóc vì bị tỉnh giấc giữa chừng.

Không biết đến khi nào, ở Việt Nammới bớt đi tiếng ồn do những tiếng còi xe cộ gây nên. Nhiều nước trên thế giới, người ta có luật phạt nghiêm ngặt đối với những trường hợp bóp còi vô lý trong khi đang tham gia giao thông. Còn ở nước mình, luật ấy vẫn chưa áp dụng, thế nên những thứ âm thanh ồn ã như thế này vẫn ngang nhiên “đại náo” ở khắp mọi nơi, thành một hành động khó bỏ đối với mỗi người cầm lái.

Tiếng còi, nói to chuyện ra lại đại diện cho ý thức của cả cộng đồng. Để hạn chế nó, ngoài luật pháp nghiêm minh còn cần cả trách nhiệm và ý thức của mỗi người dân nữa. Mà ý thức thì cần phải bắt đầu từ đâu? Đó là sự giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Có ý thức con người sẽ thành thực với bản thân để không “phạm luật” ngay cả khi không có cảnh sát, kiên nhẫn trước con đường mù mịt khói bụi và kẹt cứng người. Tất nhiên muốn có nhận thức tốt thì cần có thời gian chứ không phải là chuyện của một sớm, một chiều.

Tiếng còi xe, hóa ra lại rắc rối và phức tạp đến thế. Nhưng phức tạp không có nghĩa là không khắc phục được. Và lại phải quyết tâm.

Autovina


autovina