[Quan điểm] Đừng để định kiến về "biker" thêm tồi tệ

Admin
Niềm đam mê xe phân khối lớn dù lớn đến đâu cũng không thể xếp trên ý thức tôn trọng pháp luật và cách hành xử văn minh giữa người với người.

Niềm đam mê xe phân khối lớn dù nhiều đến mấy cũng không thể xếp trên ý thức tôn trọng pháp luật và cách hành xử văn minh giữa người với người.

Ở một đất nước mà GDP bình quân đầu người năm 2014 chỉ đạt 2.028 USD, việc sở hữu một chiếc xe phân khối lớn (PKL) 20.000 USD đủ để bạn được xếp vào nhóm giàu có, phần thiểu số của xã hội. Tuy nhiên, giàu về vật chất chưa chắc đã là yếu tố đảm bảo rằng trình độ văn hóa cũng tương xứng. Vụ tai nạn xảy ra ở Đồng Nai ngày 1/3 vừa qua đã lột tả hết những gì xấu xí nhất mà các "biker" có thể phô diễn: vô kỷ luật, liều lĩnh, thiếu tôn trọng và vô cảm.

Trên một đoạn đường hẹp đông đúc dân cư, các thành viên nhóm Baby Speed (ngụ An Giang) điều khiển những chiếc xe phân khối lớn của họ cứ như đang ở đường đua MotoGP. Tốc độ ghi nhận có thể lên đến 150 km/h - vượt xa mức giới hạn 60 km/h dành cho xe 2 bánh trên xa lộ. Họ mặc kệ đoàn mô tô dẫn đường cho giải đua xe đạp đang làm nhiệm vụ. Họ thản nhiên vượt qua theo cách nhanh nhất có thể và đã khiến một thành viên trong đội dẫn đường thiệt mạng, một số khác thì bị thương.

Đoạn clip từ camera GoPro của một thành viên Baby Speed đã tố cáo chính bản thân họ. Những tay lái trẻ tuổi này di chuyển không theo một hàng lối cụ thể nào, gần như là mạnh ai nấy chạy. Đây là điều tối kỵ với một nhóm mô tô đi đường dài.

Khi gặp đoàn mô tô làm nhiệm vụ cho giải đua xe đạp, điều hợp lý nên làm là phải giảm tốc độ, muốn vượt phải xin phép và khi đã được cho phép thì lần lượt vượt qua với tốc độ phù hợp. Nhóm Baby Speed hoàn toàn không làm vậy. Họ chưa được phép vượt nhưng vẫn tăng tốc, lấn sang làn đường ngược chiều và phóng đi.

Ngay cả khi tai nạn đã xảy ra và có người xác định bị thương nặng nguy hiểm đến tính mạng, một số nhân chứng cho biết nhóm Baby Speed chỉ chăm chăm lo cho xe và thành viên đội mình, không hề để ý đến những nạn nhân xấu số - trong đó có người đáng bậc cha chú của họ.

ảnh minh họa
Có tiền tậu xe khủng nhưng vô ý thức thì cũng chẳng đáng được coi trọng

Và như thế, mọi tôn ti trật tự đối với các chàng trai trẻ này như thể không tồn tại trên đời. Họ vi phạm pháp luật đã đành, cả những quy tắc đạo đức tối thiểu cũng bị họ đạp lên, phớt lờ. Dù ở nước ta tai nạn giao thông đang là chuyện như cơm bữa, nó vẫn là điều không ai mong muốn. Vụ tai nạn nhiều khả năng sẽ không xảy ra nếu như nhóm Baby Speed hành xử có ý thức.

Đáng buồn thay, đây chỉ là một trong số vô vàn trường hợp đang khiến hình ảnh giới "biker" Việt Nam xấu đi từng ngày. Trên các trang mạng xã hội, không khó để tìm ra những ý kiến cho rằng người đi mô tô PKL thích thể hiện, ham nẹt pô ồn ào trên đường phố, gây mất trật tự...

Tôi đã từng chứng kiến những cuộc xung đột giữa các "biker" từ những lý do hết sức đơn giản, thậm chí ngô nghê như thách thức xem xe ai nhanh hơn, xe ai vọt hơn, pô xe nào lớn hơn... Đúng kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy", bồng bột và thiển cận.

Không phải ngẫu nhiên mà giới chơi xe mô tô PKL tại Việt Nam đang bị dư luận nhìn với ánh mắt thiếu thiện cảm. Một thực trạng rất đáng báo động.

Bản thân những chiếc xe PKL không có lỗi. Đặc trưng của chúng là pô to, máy khỏe. Khi vận hành, gần như bắt buộc người điều khiển phải có lúc nẹt pô để giữ tua máy ở mức cao - chứ không phải cố ý khoe mẽ. Động cơ 600cc, 800cc, 1000cc... đương nhiên phải gầm gừ mạnh mẽ hoặc rền vang trầm hùng, không thể khác được.

Quan trọng là ở những người cầm lái. Một phần có thể thông cảm cho họ khi đường sá Việt Nam không được rộng thoáng như ở nước ngoài, tốc độ bị hạn chế nên khó có thể phát huy hết khả năng xe. Cảm giác bí bách là có thật. Tuy nhiên, những ai đủ chín chắn sẽ biết khi nào cần phải kiềm chế, đợi đến những cung đường thực sự vắng vẻ và không gây ảnh hưởng đến người khác mới thể hiện kỹ năng. Vô tội vạ như nhóm Baby Speed mới thực sự đáng lên án.

Để là một "biker" thực thụ đòi hỏi rất nhiều thứ, chứ không chỉ đơn thuần là có một chiếc mô tô hoành tráng rồi khoác lên mình bộ đồ bảo hộ là xong. Hơn lúc nào hết, cộng đồng chơi xe PKL cần tự nhìn lại bản thân, điều chỉnh hành vi, cư xử đúng mực và tránh gây ra những sự vụ rắc rối không đáng có.

Đam mê phải được thể hiện đúng cách và có văn hóa, nếu không muốn bị xã hội quay lưng kỳ thị, còn chính quyền thì siết chặt quản lý.

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.