TP.HCM: Đầu tư xe buýt còn lúng túng

TP.HCM đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng hệ thống xe buýt nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và giảm lượng phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, sau gần 8 năm triển khai, bài toán hiệu quả vẫn chưa giải được.

Từ năm 2003 đến nay, ngân sách TP.HCM đã chi 3.700 tỷ đồng để bù lỗ cho xe buýt. Ảnh: Q.D

Không đạt mục tiêu

 

Ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải công nghiệp (Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM) cho biết, trong 8 năm qua (từ năm 2003 đến nay), ngân sách TP.HCM đã chi 3.700 tỷ đồng để bù lỗ cho xe buýt. Đó là chưa kể cả ngàn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phương tiện, cũng như các chi phí quản lý, điều hành, đầu tư hệ thống trạm dừng, nhà chờ và các cơ sở hạ tầng khác. Nếu như năm 2002, trợ giá cho xe buýt chỉ khoảng 39 tỷ đồng, thì đến năm 2010, con số này đã tăng gấp 18 lần, lên hơn 700 tỷ đồng.
 
“Năm 2010, khối lượng vận chuyển của hệ thống xe buýt TP.HCM đạt hơn 529,758 triệu lượt khách, tương đương 1,4 triệu lượt khách/ngày, đáp ứng 6% nhu cầu đi lại của người dân Thành phố”, ông Lê Trung Tính cho biết. Như vậy, xe buýt TP.HCM đã không hoàn thành mục tiêu đưa ra tại Đề án Phát triển hệ thống vận tải công cộng TP.HCM năm 2004 (đến năm 2010, vận tải công cộng, trong đó xe buýt đóng vai trò chính, phải đáp ứng 35% nhu cầu đi lại của người dân).
 
Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, nguyên nhân là mạng lưới tuyến xe buýt ở TP.HCM còn trùng lắp do thiếu hệ thống bến bãi trung chuyển, kích cỡ xe không phù hợp với tình hình kẹt xe như hiện nay và chất lượng phục vụ hành khách chưa tốt. Ngoài ra, mặc dù có đến 26 đơn vị đầu mối cung cấp xe buýt cho Thành phố, nhưng quy mô lại nhỏ và yếu, năng suất khai thác chỉ ở mức trung bình và phương tiện đã bắt đầu xuống cấp.
 
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM cho biết, xe buýt chạy khoảng 3 - 4 năm (tương đương 240.000 km) phải đại tu, tốn khoảng 380 triệu đồng/xe. Tuy nhiên, do không có kinh phí, đa số xe buýt ở TP.HCM hiện nay hoạt động liên tục cho đến khi hư hỏng mới đưa đi sửa chữa tạm để chạy tiếp.
 
Doanh nghiệp gặp khó
 
Theo ông Phùng Đăng Hải, trong năm 2010, TP.HCM có 108 xe buýt nghỉ chạy vì lỗ và cuối năm 2010, Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM đã phải tăng giá vé của 111 tuyến xe buýt thêm 1.000 đồng để bù lỗ cho doanh nghiệp. “Chỉ cần nâng thêm 1.000 đồng/vé thì mỗi tháng, Thành phố có thêm 30 tỷ đồng để trả đúng, trả đủ và nhanh gọn cho các doanh nghiệp, HTX xe buýt”, ông Hải nói.
Để nâng cao chất lượng, việc đấu thầu các tuyến xe buýt đã được UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện thử nghiệm từ năm 2006, nhưng đến nay, mới có 8 tuyến được đấu thầu. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Nguyễn Ngọc Dương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Phương Trang, là do đầu tư vào lĩnh vực này khó mang lại lợi nhuận trong bối cảnh giá nhiên liệu biến động, việc đào đường, dựng “lô cốt” ngày càng tăng, khiến lộ trình các tuyến xe buýt liên tục bị thay đổi, dẫn đến lộ trình tuyến dài hơn, nhiên liệu tiêu hao nhiều hơn.
 
“Bộ Giao thông - Vận tải cần sớm ban hành những quy định riêng về việc đấu thầu các tuyến xe buýt cũng như quy định các định mức về chi phí, giá thành, nhiên liệu để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải trong việc đấu thầu và tính toán giá thành các tuyến xe buýt”, ông Nguyễn Ngọc Dương đề nghị.
 
Theo ông Lê Trung Tính, muốn doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào xe buýt, thì ngoài các biện pháp trợ giá mua xe, ưu tiên làn đường..., về dài hạn, ngành giao thông còn phải có giải pháp hạn chế các phương tiện cá nhân, gồm cả xe hai bánh và ô tô cá nhân, thông qua các biện pháp như hạn chế bãi giữ xe hoặc quy định vùng hạn chế phương tiện cá nhân... “Tuy nhiên, trước mắt, TP.HCM cần áp dụng mức phí phù hợp với thu nhập bình quân đầu người của từng thành phố, để tạo kinh phí trợ giá xe buýt và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông”, ông Tính đề xuất.

 

Theo KH&ĐT

 

lien