Nhiều tỷ đồng bay theo…"dải phân cách ngã tư"

Admin
Khi được hỏi việc dỡ bỏ các hàng rào inox có trị giá hàng tỷ đồng có gây lãng phí, ông Chánh Thanh tra Sở GTVT cho rằng "không hề có sự lãng phí", vì số hàng rào inox sẽ được tái sử dụng vào mục đích phân luồng ở nơi khác(!?). Đã đến lúc cần quy trách nhiệm cho những đề án gây lãng phí trong việc "thí điểm" về giao thông trên địa bàn Hà Nội?

Sau khi ''trả lại'' ngã tư Giảng Võ - Đê La Thành, nếp giao thông cũ đã trở lại. Ảnh: Đình Quý.
 
Cuối cùng thì dải phân cách mềm bịt các ngã tư bên cạnh mặt được, thì nay đã bộc lộ rõ những mặt trái của nó. Bằng chứng là ngã tư Giảng Võ - Đê La Thành sau đó đến hàng rào inox ở nút giao thông Láng - Nguyễn Chí Thanh đã được dỡ bỏ là điều mà Báo CAND cũng như không ít người dân đã phản ánh, vì sự thiếu khoa học, nảy sinh nhiều điểm ùn tắc mới từ khi bịt ngã tư và tới nay là xoá bỏ, đồng nghĩa với một thử nghiệm đã ngốn nhiều tỷ đồng đang lãng phí…
 
Quá nhiều thay đổi
 
Ghi nhận đầu tiên là sau khi dỡ bỏ dải phân cách mềm tại ngã tư này, giao thông thông thoáng, đèn tín hiệu hoạt động trở lại nhịp nhàng. Trước đó, khi ngã tư bị bịt bởi dải phân cách mềm thì hai đầu phía Giảng Võ và Láng Hạ (nơi quay đầu xe) thường xuyên xảy ra quá tải và ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
 
Ở nhiều ngã tư, trong đó có ngã tư lớn giao giữa đường Phạm Hùng với đường qua khu đô thị Sông Đà cũng xảy ra tình trạng tương tự. Lý do được đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra, là sau thời gian dùng dải phân cách mềm đóng ngã tư để mở ra những điểm quay đầu mới, đã nảy sinh nhiều vướng mắc như chỗ quay đầu xe không hợp lý...
Sự thực thì tính thiếu khoa học, thể hiện yếu tố không bền vững của giải pháp bịt ngã tư đã không ít lần được cảnh báo từ các chuyên gia, kể cả những lái xe có kinh nghiệm nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Có một điều không cần bàn cãi: Ngã tư giao thông là bước tiến của con người về giao thông. Nó đã tồn tại cả trăm năm thì nghiễm nhiên có đủ cơ sở khoa học. Khi dùng dải phân cách mềm bịt lại, nghĩa là chúng ta can thiệp trái với chức năng vốn có của nó, lập tức nảy sinh nhiều vấn đề, như: Làm tăng hành trình xe chạy, tiêu tốn thêm nhiên liệu và tăng khí thải ra môi trường; phần lớn đường Hà Nội hẹp nên khi bịt lối sẽ không đủ diện tích cần thiết cho quay đầu xe theo đúng yêu cầu kỹ thuật; vì hành trình đi dài lại không dễ chuyển hướng, nên người dân mất dần thói quen đi bộ và dĩ nhiên là thay vào đó bằng phương tiện xe máy cá nhân; tình trạng ùn tắc có nguyên nhân chủ yếu là phương tiện, con người tham gia giao thông quá đông trong khi hạ tầng giao thông, tỷ lệ đường thấp không đáp ứng nhu cầu… Nếu đổ lỗi vì ngã tư dẫn tới nhiều luồng phương tiện đan xen dẫn tới ùn tắc là không thỏa đáng…
 

Ngã tư Giảng Võ - Đê La Thành đã hoạt động thông thoáng trở lại.

 Chúng ta đã có bài học "nóng vội" khi triển khai dự án tăng cường năng lực giao thông Hà Nội tiêu tốn hàng triệu USD mà không mang lại hiệu quả. Việc áp dụng dải phân cách mềm không phải không có tác dụng, nhưng nó chỉ hữu ích ở một số điểm giao cắt có liên quan đến quỹ đường, khu vực dân cư, các công trình phúc lợi liên quan…

Xin lấy ví dụ, trước khi ngăn ngã tư phía trước Bến xe Mỹ Đình trên đường Phạm Hùng, khu vực này liên tục ùn tắc bởi nhiều phương tiện và người ra vào thành phố. Nhưng khi dùng dải phân cách ngăn lại, đưa vị trí giao cắt tiến gần về phía cầu vượt Mai Dịch thì tình hình ùn tắc đã cơ bản chấm dứt, giảm cả số cán bộ CSGT và dân phòng can thiệp hằng ngày.
Đối với nhiều ngã tư của Hà Nội như đã nói là rất hẹp, không thể máy móc dùng dải phân cách mềm tách biệt các luồng phương tiện, mà cần thiết phải làm cầu vượt bằng sắt cho phương tiện nhỏ như xe đạp, xe máy, người đi bộ qua; việc xây dựng từng nút giao thông lập thể phải nằm trong quy hoạch lâu dài, tránh lãng phí. Những cầu vượt bằng sắt sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở ngã tư này có thể dùng ở nhiều vị trí khác không hề lãng phí, lại đảm bảo an toàn giao thông, thậm chí còn làm đẹp cho thành phố.
 
Cần làm rõ trách nhiệm
 
Đây không phải là lần đầu tiên ngành Giao thông vận tải Hà Nội thử nghiệm các "sáng kiến" tổ chức lại các nút giao thông. Hẳn người dân Hà Nội còn nhớ, cách đây ít năm, người ta rất chú trọng đến các "vòng xuyến" ở các nút giao thông.
Mới đầu là vòng xuyến to quá cỡ, ở giữa được đặt vô số các chậu cây ở các nút giao thông như Bạch Mai - Phố Huế - Đại Cồ Việt; Đại Cồ Việt - Lê Duẩn - Kim Liên - Giải Phóng. Những vòng xuyến quá khổ này khiến các ngã ba, ngã tư trở nên chật chội. Sau đó, "sáng kiến" vòng xuyến to được thay bằng vòng xuyến nhỏ và cuối cùng là sự biến mất của các vòng xuyến.
 

Nút ngã tư Giảng Võ - Đê La Thành lúc nào cũng ùn tắc khi bị bịt.

Qua vụ "vòng xuyến", ngành Giao thông lại "tổ chức giao thông" bằng các dải phân cách. Dải phân cách bê tông, dải phân cách bằng nhựa và sau đó là những con chạch nhằng nhịt gây phản cảm và phản đối trong dư luận. Bây giờ, những dải phân cách cứng và những con chạch kiểu này đã được bỏ ở hầu hết các nút giao thông...

Mặc dù chưa hoàn toàn thừa nhận sự phá sản của đề án bịt các nút giao thông, nhưng có thể nói, đề án này dần dần sẽ được bỏ ở nhiều nút giao thông, nhất là những nơi có tuyến phố hẹp.
 
Khi được hỏi việc dỡ bỏ các hàng rào inox có trị giá hàng tỷ đồng có gây lãng phí, ông Chánh Thanh tra Sở GTVT cho rằng "không hề có sự lãng phí", vì số hàng rào inox sẽ được tái sử dụng vào mục đích phân luồng ở nơi khác; ngành GTVT TP Hà Nội còn cần rất nhiều loại hàng rào này. Đã đến lúc cần quy trách nhiệm cho những đề án gây lãng phí mà không đem lại hiệu quả ở các dự án "thí điểm" về giao thông trên địa bàn Hà Nội?
 
Autovina
tổng hợp Cand

vanquy