Giá ôtô từ 1/4: Hy vọng vào… sự đã rồi

Admin
"Sự đã rồi” về thời điểm áp thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn chưa dập tắt hết hy vọng của nhiều người về giá ôtô.
Rối loạn trước “giờ G”

Việc Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4/2009 không phải đến bây giờ mới được biết. Tuy nhiên, do những tác động đến giá bán lẻ của luật thuế này khá mạnh mẽ, nhất là đối với mặt hàng ôtô, nên các nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng đã nhiều lần đề nghị đồng thời hy vọng “giờ G” sẽ được lùi lại.

Và đến tận những ngày đầu tháng 3, khi thông tin thời điểm áp dụng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt chắc chắn không được lùi lại, người dân mới bắt đầu đổ xô đi mua xe nhằm tránh bị tăng giá.

Đặc biệt, kể từ khi Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, lượng người đăng ký mua xe càng dồn dập hơn.

Tâm lý này đã gây nên hiện tượng rối loạn tại thị trường ôtô và tình trạng đút lót nhân viên bán hàng để mua xe chạy giá lại có lý do để tái diễn.

Theo khảo sát của phóng viên, tại thời điểm viết bài, nhiều loại xe 6-9 chỗ ngồi đã rơi vào tình trạng "cháy hàng". Thậm chí theo một nhân viên bán các loại xe do GM-Daewoo Việt Nam lắp ráp, mẫu xe đa dụng khó bán nhất thời gian qua là Chevrlolet Vivant cũng đã có lúc cạn kiệt.

Và tâm điểm của thị trường những ngày vừa qua đã được tạo nên bởi mẫu xe đa dụng Fortuner vừa được Toyota Việt Nam tung ra cách đây hơn một tháng.

Khi giới thiệu Fortuner ra thị trường, Toyota Việt Nam cho biết dự kiến doanh số trung bình của mẫu xe này chỉ khoảng 150 chiếc/tháng. Vậy mà ngày 22/3, tức một tháng sau khi được tung ra thị trường, đại diện Toyota Việt Nam cho biết lượng người mua Fortuner đã cao hơn dự kiến gấp gần… 11 lần.

Cụ thể, đã có 700 chiếc được giao cho khách hàng và 900 chiếc khác đã được khách hàng đặt cọc để chờ nhận xe.

Điều đáng chú ý là chính các đại diện từ Toyota Việt Nam đã thừa nhận có một số trường hợp nhân viên bán hàng “vòi” tiền khách hàng để giao xe trước 1/4 và cũng đã phối hợp với đại lý để xử lý nghiêm khắc. Bản thân người viết bài khi gọi điện hỏi mua một chiếc Fortuner bản động cơ xăng 2,7 lít đã được một nhân viên bán hàng đề nghị "trả" thêm 2.000 USD.

Trao đổi với báo giới, một đại diện Toyota Việt Nam đã tỏ ra đau đầu trước hiện tượng này và mong muốn các khách hàng thông tin chi tiết đến nhà sản xuất về những trường hợp nhân viên bán hàng “vòi” tiền.

Trên thực tế, theo khảo sát của phóng viên, hiện tượng nhân viên bán hàng “vòi” tiền khách hàng không chỉ diễn ra ở các đại lý và nhà phân phối xe Toyota mà còn ở nhiều thương hiệu xe khác. Trong đó đáng chú ý nhất là đối với các loại xe như Ford Everest, Chevrolet Captiva diesel…

Chưa hết hy vọng

Sở dĩ tình trạng cháy hàng và “lót tay” diễn ra mạnh mẽ tại phân khúc xe đa dụng (6-9 chỗ ngồi) là bởi mức tăng giá của các loại xe này sau khi thuế tiêu thụ đặc biệt chính thức có hiệu lực được dự báo là rất lớn.

Theo biểu thuế mới, mức tăng giá ước tính sẽ chia thành 3 nhóm ở 3 loại xe được phân biệt bởi dung tích xi-lanh động cơ.

Trong đó mức tăng giá cao nhất thuộc về nhóm xe có dung tích xi-lanh động cơ trên 3.000 cm3 do phải chịu mức tăng thuế đến 30% (từ 30% lên 60%), tiếp theo là nhóm xe có dung tích xi-lanh động cơ trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 do phải chịu mức tăng thuế 20% (từ 30% lên 50%) và nhóm thứ ba là xe có dung tích xi-lanh động cơ từ 2.000 cm3 trở xuống do phải chịu mức tăng thuế 15% (từ 30% lên 45%).

Ngoài các loại xe thuộc phân khúc đa dụng bị tăng giá, một nhóm xe khác cũng sẽ bị tăng giá là các loại xe từ 5 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi-lanh động cơ trên 3.000 cm3.

Tuy nhiên, mức tăng giá của các loại xe này có phần “dễ chịu” hơn khi chỉ phải chịu mức tăng thuế 10% (từ 50% lên 60%).

Từ những tác động cụ thể của thuế suất mới, việc ước tính mức tăng giá đối với từng loại xe từ thời điểm 1/4 không hề khó khăn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao cho đến thời điểm này các hãng xe đều “lắc đầu” trước những thắc mắc về giá mới.

Theo tìm hiểu, sở dĩ đến thời điểm này vẫn chưa có hãng xe nào đưa ra mức tăng giá dự kiến là bởi các hãng xe còn đang “trông chừng” nhau, đặc biệt là những hãng xe có các dòng sản phẩm tương đương và được coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Thực tế không khó nhận ra nguyên nhân này. Không ít lần đại diện một số hãng xe thừa nhận câu chuyện giá bán là rất “nhạy cảm” tại thị trường ôtô Việt Nam. Do vậy, chỉ cần hãng xe nào đó đưa ra mức giá sản phẩm của mình chênh lệch thậm chí chỉ vài ba phần trăm cũng đủ để đối thủ cạnh trang trực tiếp “hạ đo ván”.

Không phải ngẫu nhiên mà trước đây, khi tung ra thị trường mẫu xe Chevrolet Captiva phiên bản động cơ diesel, nhà sản xuất là GM-Daewoo Việt Nam vẫn “treo” giá suốt hai tuần sau đó để chờ mẫu xe cạnh tranh trực tiếp là Fortuner của Toyota Việt Nam xuất hiện.

Từ hiện tượng này, người tiêu dùng hoàn toàn có thể hy vọng mức tăng giá thực tế đối với từng mẫu xe từ 1/4 có thể sẽ thấp hơn khá nhiều so với tác động trực tiếp của mức thuế suất mới lên giá bán.

Hy vọng thứ hai mà cả người tiêu dùng lẫn các hãng xe vẫn trông chờ là giá xe sẽ không tăng nếu mức thuế suất mới được lùi thời hạn áp dụng.

Trên thực tế, mặc dù đã có thông tư hướng dẫn thực hiện đồng nghĩa với việc thuế mới chắc chắn có hiệu lực theo kế hoạch nhưng các nhà sản xuất ôtô, mà đại diện là Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) vẫn tiếp tục đề nghị hoãn thực hiện.

Khi hy vọng lùi thực hiện hầu như không còn do thời gian để Quốc hội đồng ý là quá ngắn ngủi, người tiêu dùng và các hãng xe lại “chuyển” hy vọng sang một hướng khác là mức thuế mới sẽ được tạm ngừng hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định sau thời điểm 1/4.
autovina