“Độ” xe phân khối lớn, ai quản?

Admin
Cưỡi một chiếc xe được sản xuất đại trà theo kiểu “nhà nhà đều mua, người người đều đi” đã là quá khứ. Để một chiếc xe cùng đời, nhưng vẫn có khác biệt độc đáo riêng, dân chơi xe đưa xế cưng của mình đi “độ” lại theo phong cách và sở thích, cá tính riêng, tạo thành một trào lưu “độ” xe lan rộng trong giới chơi phân khối lớn. Tuy nhiên, không ít chủ xe vì trót đi theo thú “độ” xe nên đi ra đường cứ phải ngó trước, ngắm sau vì sợ bị cảnh sát giao thông “hỏi thăm” vì phạm luật…

Khoảng ba năm trở về trước, chuyện nhập xe phân khối lớn về Việt Nam khá khó khăn, nên để sở hữu được một chiếc xe phân khối lớn đời mới là chuyện không đơn giản, có xe lưu hành đã được xem là hàng độc rồi thì dân chơi ít chú tâm đến chuyện “độ” xe. Nhưng gần đây, dân chơi đã được phép nhập khẩu những chiếc xe máy phân khối lớn về. Người chơi xe nhiều hơn, kinh tế cũng khá hơn nên ở Việt Nam có người chơi dòng xe đỉnh cao như Agusta F4, Ducati 1098... Nhiều người mong muốn chiếc xe của mình thật độc đáo, khác lạ nên quyết định đem xe đi “độ”. Chưa kể những chiếc đời cũ, đời thấp hơn cũng muốn được “độ” lên đời.


Với những người biết về xe cộ, động cơ thì việc tự tay “độ” xe cho mình là việc không mấy khó khăn. Thậm chí việc được tự tay thiết kế chiếc xe cho mình khiến dân chơi càng thêm tự hào. Tuy nhiên, những người không có nhiều hiểu biết hoặc không biết cách “độ” thì thường mang xe ra hàng và yêu cầu thợ “độ” lại theo ý muốn của mình. Giới “độ” xe không còn lạ gì những địa chỉ như Láng, Đại Cồ Việt… bởi đó là địa chỉ mà dân “độ” xe hay lui tới.

Thay đổi màu sắc xe là cách “độ” đơn giản nhất, chủ xe có thể đem chiếc xe phân khối lớn của mình ra phố Huế, Cao Bá Quát, Láng… để dán lại màu khác cho xe. Nhưng nếu chỉ thay màu sắc thì không khiến người khác chú ý đến chiếc xe của mình. Xe có kiểu dáng càng lạ thì càng được chú ý, thế nên chủ xe thường yêu cầu thợ chế riêng những thành phần để xe trông khác biệt đi. 

Ở những dòng xe phân khối lớn đời mới, tính năng kỹ thuật hiện đại, do được sản xuất theo những quy chuẩn rất khắt khe như tiêu chuẩn khí thải, siết chặt độ ồn theo các tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật... tiếng pô xe được ém hơi nén tiếng cho thật êm khiến cho “con xế” hùng mạnh nhiều khi trở nên quá “nữ tính”, trong khi đó công suất máy do pô nén nên cũng bị hạn chế.

Tại Nghị định 152/2005/NĐ-CP của Chính phủ (thay thế Nghị định 15/2003/NĐ-CP), Điều 38 có quy định xử phạt chủ xe ôtô vi phạm các quy định liên quan đến giao thông đường bộ, cụ thể như sau: Phạt tiền từ 200.000 -  300.000 đồng đối với chủ xe ôtô có các vi phạm: Tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong giấy đăng ký xe; không thực hiện đúng quy định về biển số và kẻ chữ trên thành xe và cửa xe.

 Phạt tiền từ 1.000.000 -2.000.000 đồng đối với chủ xe ôtô có vi phạm: Vẽ quảng cáo trên xe không đúng quy định hoặc vượt quá 50% diện tích thành xe. Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với chủ xe ôtô có các vi phạm: Tự ý thay đổi tổng thành khung tổng thành máy, hệ thống phanh; hệ thống truyền động; hệ thống chuyển động; tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà chế tạo; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe.

Nhiều người quan niệm đã là xe phân khối lớn thì phải thật hùng dũng, oai phong để cho mọi người thấy được cái uy. Thậm chí, xe chưa đến nơi đã phải nghe tiếng “gào thét” của động cơ. Và để khai thông, dân “độ” xe phân khối lớn bao giờ cũng nhắm đến việc “độ” đầu tiên phải là chiếc pô.

Pô xe được thay đổi cho thoáng hơn, ấm mạnh hơn, tạo lên vẻ oai hùng mỗi khi siết tay ga của xế cưng trên đường phố. Tiếp theo là “độ” kiểu dáng, các mẫu xe được nhập về  thường không khiến dân “độ” thỏa mãn, và nhiều khi cũng không phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Xe “độ” lại thường chỉ giữ được phần động cơ, còn lại tất cả đều có thể được đem ra “độ”.

Tuy nhiên giới “độ” xe cũng gặp phải rất nhiều rắc rối mà nhiều người không lường trước được. Không ít chủ xe vì trót đi theo thú “độ” xe nên đi ra đường cứ phải ngó trước, ngắm sau vì sợ bị cảnh sát giao thông “hỏi thăm” vì phạm luật. Tại khoản 2, Điều 50 của Luật Giao thông đường bộ quy định: Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Điều 48 của luật này cũng quy định cụ thể điều kiện để xe cơ giới có thể tham gia giao thông. Theo đó, tất cả những bộ phận, chi tiết cấu thành xe đều phải đảm bảo như thiết kế ban đầu của nhà sản xuất đã được kiểm định.

Có thể khẳng định, việc “độ” xe là vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam và sẽ bị xử phạt hành chính. Trong nhiều trường hợp “độ” xe  không chỉ phạm luật, còn gây nguy hiểm của người lái nếu “độ” xe quá mức dẫn đến tình trạng không đảm bảo các hạng mục an toàn cho xe.

Tuy nhiên, giới “độ” xe lại cho rằng, Nhà nước cần có sự điều chỉnh về luật để “độ” xe có thể trở thành một ngành đặc biệt. Rất nhiều nước trên thế giới đã cho phép việc “độ” xe. Nhiều nước, hàng năm còn có những cuộc thi xe “độ”, là nơi dành cho những người “độ” xe được thoải mái thể hiện niềm đam mê sáng tạo của mình.

Đã có những sáng kiến như của anh Trần Hoàng - người rất nổi tiếng trong giới “độ” xe về việc phối hợp với các hãng xe lớn xin phép Nhà nước cho lưu hành những chiếc xe “độ” tuy nhiên đến nay vẫn không khả thi. Dân “độ” vẫn mong ngóng cho đến ngày được hiên ngang cưỡi xế yêu ra đường.

Đỗ Nguyễn Đệ

autovina