Dân Bắc Kinh quay lại với xe đạp

Admin
Ngày càng có nhiều người dân ở thủ đô của Trung Quốc mua xe đạp điện để đối phó với tình trạng tắc nghẽn giao thông hàng ngày.

Nhân viên văn phòng David Dai là một trong những cư dân Bắc Kinh quay trở về với phương tiện giao thông hai bánh truyền thống. Nhưng chàng trai 28 tuổi không dựa vào sức của đôi chân. Giống như hàng trăm nghìn người khác, anh vừa mua một xe đạp điện.

Những chiếc xe đạp chạy bằng pin và hầu như không phát ra tiếng động, ngày càng trở nên phổ biến trên các đường phố Bắc Kinh.

BBC cho biết, hiện tại có khoảng 4 triệu xe ô tô đang lưu thông tại thủ đô của Trung Quốc. Theo tờ Wall Street Journal, mỗi ngày dân Bắc Kinh mua thêm 2.000 xe hơi mới. Trong bối cảnh các đường phố ngày càng tắc nghẽn bởi sự gia tăng của ô tô, xe đạp giúp người dân di chuyển nhanh hơn.

Trung Quốc từng được mệnh danh là “vương quốc xe đạp”. Trong thập niên 80, tỷ lệ người đạp xe tới chỗ làm tại Bắc Kinh là 4/5. Khi người dân thủ đô ngày càng trở nên giàu hơn nhờ sự phát triển của nền kinh tế, xe đạp dần bị thay thế bởi những phương tiện giao thông bốn bánh. Nhiều thống kê gần đây cho thấy chỉ còn một phần năm dân số Bắc Kinh sử dụng xe đạp truyền thống để di chuyển.

Nhiều người Trung Quốc đi lại bằng xe đạp để đối phó với 
nạn tắc đường kinh niên. Ảnh:
Nhiều người Trung Quốc đi lại bằng xe đạp để đối phó với nạn tắc đường kinh niên. Ảnh: thecityfix.com.

Chỉ trong vòng vài năm, từ một thành phố chỉ có vài xe hơi của cá nhân, Bắc Kinh trở thành một đô thị mà xe hơi tràn ngập mọi nơi và tắc nghẽn giao thông trở thành hiện tượng phổ biến. Trong giai đoạn 1995-2005, số lượng người sử dụng xe đạp tại Trung Quốc giảm 35%, còn số người có ô tô tăng gấp đôi. Vào năm ngoái Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường phương tiện giao thông lớn nhất thế giới, với số lượng xe bán ra đạt 13,6 triệu chiếc. Ngày nay nhiều người dân Bắc Kinh đã mua xe đạp điện để tránh tình cảnh lãng phí thời gian cho việc chờ đợi trên những tuyến đường thường xuyên tắc nghẽn.

“Tôi chỉ mất 10 phút để phóng xe đạp từ nhà tới chỗ làm việc. Nếu tôi bắt xe buýt, tôi sẽ phải chờ xe ở bến, rồi sau đó tôi có thể bị kẹt vì tắc đường. Tôi có thể mất nửa giờ để tới cơ quan nếu đi xe buýt”, anh Dai nói.

Xe đạp điện được bày bán ở mọi nơi. Nhiều cửa hàng tập trung ở một chỗ. Những chiếc xe của họ được xếp thành những hàng san sát trên vỉa hè.

Zhang Zhiyong, người quản lý của một cửa hàng bán xe đạp mang nhãn hiệu “Capital Wind”, nói rằng rất dễ nhìn ra nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều người mua xe đạp điện.

“Bắc Kinh không giống những thành phố nhỏ khác. Nó rất lớn. Nếu người dân cưỡi xe đạp truyền thống đi làm, họ sẽ mệt. Nếu họ lái xe hơi, họ sẽ mất nhiều thời gian vì đường hay bị tắc”, Zhang nói.

Ngoài ra xe đạp điện còn rẻ hơn xe hơi rất nhiều. Mẫu xe đạp đắt nhất trong cửa hàng của Zhang chỉ có giá 2.680 tệ (390 USD).

Một quân nhân Trung Quốc phóng xe đạp điện trên đường phố Bắc Kinh. Ảnh: orlandosentinel.com.

Nhưng không phải ai cũng đồng tình với lập luận của Zhang. Nhiều người sở hữu xe đạp truyền thống phàn nàn rằng những chiếc xe đạp điện trong thành phố là một mối hiểm họa đối với những người tham gia giao thông vì chúng chạy nhanh mà lại không phát ra tiếng động.

Năm ngoái chính phủ thông báo họ sẽ ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn của xe đạp điện. Ban đầu giới chức muốn quy định rằng xe đạp điện là phương tiện có khối lượng nhỏ hơn 40 kg và di chuyển với tốc độ dưới 20 km/h. Những chiếc xe đạp nặng hơn 40 kg và chạy nhanh hơn 20 km/h sẽ được coi là xe máy điện.

Thế rồi chính phủ quyết định hủy bỏ việc ban hành hướng dẫn sau khi vấp phải sự phản đối của dư luận.

“Người dân Trung Quốc đang tranh cãi sôi nổi về xe đạp điện”, Vance Wagner, làm việc cho một trung tâm nghiên cứu giao thông thuộc Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc, phát biểu.

Nhưng trong bối cảnh số lượng xe đạp điện tăng không ngừng, chính phủ có thể sẽ lúng túng trong việc phân loại chúng.

“Nhiều người không nhận thấy một thực tế là số lượng dân đi xe đạp điện đang tăng nhanh hơn số lượng người sử dụng xe hơi”, Wagner nói.

Số lượng xe đạp điện được bán ra giảm nhẹ trong thời gian gần đây do người dân chờ xem chính phủ sẽ phân loại chúng thế nào.

Xinhua cho hay chính quyền Bắc Kinh đề ra mục tiêu tăng tỷ lệ người đi xe đạp từ 19,7% hiện nay lên 23% vào năm 2015. Giới chức hy vọng tới năm 2015 sẽ có khoảng 45% người dân thành phố sử dụng phương tiện giao thông công cộng, 22% dùng xe hơi và 8% đi lại bằng taxi.

Bắc Kinh sẽ khôi phục những làn đường dành cho xe đạp – từng bị dẹp bỏ để nhường chỗ cho xe buýt và xe hơi. Thành phố cũng sẽ xây dựng thêm những bãi đỗ dành cho xe đạp, đặc biệt là những bãi đỗ gần trạm xe buýt và xe điện ngầm. Liu Xiaoming, giám đốc Ủy ban Truyền thông thành phố Bắc Kinh, nói chính quyền cũng sẽ ban hành các quy định chặt chẽ hơn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới.

Chủ trương tăng tỷ lệ người đi lại bằng xe đạp của thành phố Bắc Kinh là điều dễ hiểu, bởi họ muốn giải quyết tình trạng tắc đường triền miên và giảm mức độ ô nhiễm môi trường. Song chỉ có thời gian mới có thể trả lời liệu những biện pháp của chính quyền có khiến số lượng người muốn sử dụng xe đạp tăng lên hay không. Trong bối cảnh những mối hiểm họa với sức khỏe người dân – như bầu không khí ô nhiễm, tiếng ồn – ngày càng trở nên đáng sợ và đời sống của người dân ngày càng trở nên khấm khá hơn, chẳng ai dám chắc những người có thu nhập cao muốn hướng tới xe đạp thay vì một phương tiện bốn bánh.

Thái Dương

autovina