Cuối năm, bên bán ôtô lại “cò quay” thượng đế

Admin
Cuối năm, để mua được xe ôtô “nội” trong thời buổi “cháy hàng” này, khách hàng mua xe thường bị làm giá.

Mất thêm 2.000USD/xe

Tại thời điểm này, nhiều hãng xe ôtô trong nước đều thông báo ngừng ký đơn hàng giao xe trong năm 2009. Các đại lý bán ôtô đều khẳng định, nếu ký hợp đồng mua xe ở thời điểm này thì chắc chắn, khách sẽ phải chờ sang năm 2010 mới được giao xe.

Tuy nhiên, trên thực tế, “vẫn có cách giải quyết được”, anh Duy T, chuyên gia bán hàng cao cấp ở một đại lý của hãng Toyota tiết lộ.

 

Mô tả ảnh.
Nhiều người có nhu cầu mua xe đã phải chuyển sang xe ngoại nhập. (ảnh: Phạm Huyền)

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, anh T cho hay, mỗi đại lý có một “chính sách” khác nhau. Có nơi thu thêm 2.000 USD/xe thì có thể nhận xe ngay trong 2 tuần.

Chính sách thứ hai là “mua bia thì phải kèm lạc”, anh nói. Một số đại lý đề nghị khách phải mua thêm phụ kiện cho xe, trị giá tương đương 40-50 triệu đồng. Cách này có vẻ hợp lý hơn vì khách bỏ thêm tiền nhưng vẫn không bị mất trắng, mà thực chất vẫn là  mua vào cho chiếc xe của mình.

Các chuyên viên bán hàng phân tích, tâm lý của nhiều khách là chỉ miễn mua được xe đúng sở thích. Khi họ đã bỏ cả tỷ đồng mua xe thì thêm vài ba chục triệu  đồng cũng … không khó khăn gì. Nắm bắt được tâm lý này nên các nhân viên đại lý mới có “cơ hội” để làm giá, đòi thêm tiền.

Dĩ nhiên, những chính sách này là không công khai vì không đúng nguyên tắc của hãng, đặc biệt là việc thu thêm tiền so với giá xe, anh T lưu ý.

Với tư cách là khách hàng, chúng tôi liên lạc với V, một nhân viên đại lý khác của hãng Toyota để đặt vấn đề muốn mua được xe Corrolla Atils trong năm nay. 

Anh V hiểu ý, nói ngay: nếu lấy xe Corrola Atils 2.0 thì… chịu, giờ chỉ còn xe Corrola Atils 1.8, nếu ký hợp đồng bây giờ thì tháng 12 là có xe. Giá tiền chi thêm là khoảng 2.000USD. Khi nào ký hợp đồng,  sẽ có thể giảm thêm một chút.

Than thở về việc đã đi xem xe ở đại lý Toyota L.H, anh nhân viên này rất kinh nghiệm, “nhắc”: “Đại lý đó đòi khách mua đồ phụ kiện cho xe nhưng chắc gì đã là đồ chính hãng, có khi lại là đồ ngoài. Giá họ bảo tương đương 40-50 triệu đồng cho bộ phụ kiện nhưng thực tế, họ chỉ lắp cho khách đồ 16-17 triệu đồng thôi.”

Trên thực tế, tình trạng khách hàng mua ôtô bị “cò quay” thêm tiền đã diễn ra phổ biến từ lâu. 

Anh  Đỗ C, một chuyên viên làm việc tại Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam bức xúc nói với VietNamNet: Đi mua xe ôtô vào dịp cao điểm như cuối năm, khách hàng luôn bị đòi hỏi nhiều khoản vô lý.

Cách đây không lâu, khi tìm hiểu mua xe ôtô mới, anh cũng bị nhân viên của đại lý Toyota bắt phải mua kèm phụ kiện tương đương 30-40 triệu đồng thì mới được mua xe.

Còn ở hãng Honda, một nhân viên bán hàng đề nghị, anh phải đặt thêm 10 triệu đồng thì mới mua được xe. Số tiền này được giải thích là khoản mua lại suất đặt xe của người khác.

Ngán ngẩm vì kiểu đòi hỏi đó, rốt cục, anh Đỗ C chuyển sang mua xe đã qua sử dụng.

Đại lý đầu cơ?

Tình trạng trên quả là một nghịch lý trong bối cảnh, các đại lý bán xe ôtô của nhiều hãng đều một mực kêu “hết xe cho năm 2009”. 

 

Mô tả ảnh.
Mua xe ngoại hay xe nội cũng thiệt về giá? (ảnh minh hoạ: Phạm Huyền)

Ông Phan Hồng Hải, Phó Tổng trưởng phòng Marketing, phụ trách chi nhánh Hà Nội của hãng Toyota Việt Nam thừa nhận là có tình trạng một số nhân viên đại lý bán hàng “làm giá” với khách như vậy. Thông thường, hãng chỉ nhắc nhở các đại lý cần thực hiện nghiêm chính sách bán hàng.

Ông Hải cho biết, hình thức kỷ luật cao nhất là sa thải nhân viên vi phạm. Cách đây 2 tháng, hãng đã sa thải một trường hợp nhân viên bán hàng của đại lý Toyota Mỹ Đình vì đòi thêm tiền của khách.

Trường hợp vi phạm thứ 2 được phát hiện trong năm nay là nhân viên bán hàng của đại lý Toyota Thăng Long. Khi hãng phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì nhân viên này cũng đã bị đại lý đuổi việc.

Các trường hợp này đều do khách hàng phản ánh qua đường dây nóng. Ông Hải phân trần: Chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn để kiểm soát kỷ luật bán hàng của các nhân viên. Nhiều khách hàng, mặc dù bị làm giá nhưng lại không muốn tiết lộ thông tin về cá nhân vi phạm cho hãng.

Không khẳng định tình trạng đại lý chính hãng đầu cơ hay không, ông Hải cho biết, số lượng hợp đồng giao xe trong năm nay của hãng là 10.000 xe.

Nếu đại lý nào có kế hoạch bán hàng lớn, đặt nhiều xe trong năm nay thì sẽ có lợi thế hơn. Do đó, việc giao xe cho khách trong năm nay, hay năm sau là do khả năng của từng đại lý bán xe.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp các đối tượng đầu cơ, là những cơ sở có chức năng mua bán xe, có móc nối với những nhân viên bán hàng biến chất tại các đại lý chính hãng. Những đối tượng này đăng ký mua xe từ trước và sau đó, bán lại cho người mua gián tiếp.

Ngay cả trên mạng internet, có những lời quảng cáo bán xe ôtô, tự nhận là người của đại lý nhưng thực chất, là đầu mối bán xe đầu cơ đó, ông Hải phân tích.

Chuyên gia bán hàng Duy T bật mí, các đại lý bao giờ cũng có một  lượng xe ôtô dự trữ nhất định để dành cho các khách quan hệ đối ngoại. Thông thường, trung bình mỗi loại xe sẽ có 3 chiếc “dự trữ”.

Do đó, nếu sử dụng cho mục đích quan hệ ngoại giao không hết thì đại lý sẽ tung ra để bán. Đó là lý do mà khách hàng đơn lẻ vẫn có “cơ hội” nhận được xe sớm.

Nếu không bị làm giá, khách mua xe ôtô cuối năm còn bị thiệt thòi vì bị nhận xe chậm so với hợp đồng.

Anh Phạm Hữu D, một nhân viên bán xe ôtô Honda tâm sự, thời gian này, mỗi ngày, anh phải gửi ít nhất  5 công văn xin lỗi khách hàng vì đại lý giao chậm xe. Lý do đơn giản là nhà máy không đáp ứng được theo kế hoạch.

Trong khi đó, theo hợp đồng mua xe thì không có điều khoản phạt khi hãng giao chậm xe, khách mua hàng đa số cũng không quan tâm, để ý tới chi tiết này. 

 


 

  • Phạm Huyền
autovina