Các đội đua F1 bất đồng về sử dụng hệ thống KERS

Admin
Các đội đua F1 vẫn đang tranh luận về sự trở lại của KERS - hệ thống phục hồi động năng được các đội McLaren, Ferrari, Renault và BMW sử dụng trong mùa giải 2009.

 

 
KERS đã góp phần đem lại 3 ngôi nhất chặng cho Ferrari và McLaren mùa trước.
 
Hiện tại Ferrari và Renault là hai đội dẫn đầu nhóm vận động sử dụng công nghệ thu hồi và tích trữ năng lượng tương tự như hệ thống KERS (Energy Recovery Systems - hệ thống phục hồi động năng)đã được thử nghiệm trong mùa giải 2009, nhằm tận dụng phần năng lượng hao phí để giúp rút ngắn thời gian chạy một vòng đua. Tuy nhiên vẫn còn một số bất đồng trong vài vấn đề như lựa chọn thời điểm tái sử dụng hệ thống và liệu có nên để nhiều hay chỉ một nhà cung cấp thiết bị KERS.
 
Marc Whitmarsh, Giám đốc điều hành của McLaren đồng thời là chủ tịch Hiệp hội các đội đua F1 (FOTA) cho rằng mọi sự thay đổi về mặt công nghệ phải đảm bảo yêu cầu các đội đua đều có đủ khả năng để theo đuổi. “Tôi không muốn nói công nghệ đó sẽ gây chia rẽ các đội đua. Tuy nhiên đa số các đội đua không đủ khả năng ứng dụng KERS trong năm sau. Chúng ta cần tìm cách để biến công nghệ này được ứng dụng rộng rãi và thiết thực hơn”.
 
FOTA dự định sẽ quay lại thảo luận về vấn đề này trong hội nghị tại Grand Prix Tây Ban Nha từ ngày 7 đến 9 tháng 5 tới đây.
Năm 2009, KERS là nội dung chính của cuộc cách mạng công nghệ trong đua F1, tuy nhiên năm nay nó đã bị bỏ rơi do ảnh hưởng của điều lệ khống chế mức kinh phí sử dụng cho mỗi đội đua. Hệ thống KERS bị phê phán là quá đắt đỏ. Theo ước lượng sơ bộ trong năm 2009 các đội đua sử dụng KERS gồm McLaren, Ferrari, Renault và BMW Sauber tiêu tốn mỗi đội gần 40 triệu bảng cho riêng hệ thống này.
 
Nhiều chuyên gia kỹ thuật phàn nàn rằng hệ thống KERS phiên bản 2009 không cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho chiếc xe, trong mỗi vòng đua chiếc xe chỉ có thể sử dụng tối đa 400 kJ năng lượng. Tuy nhiên vẫn có vài chuyên gia hàng đầu cho rằng KERS xứng đáng được ứng dụng trên những chiếc xe F1 bởi vì môn thể thao này cần theo đuổi việc thử nghiệm các công nghệ tiên tiến nhằm rút kinh nghiệm và ứng dụng rộng rãi trên các mẫu xe thương mại trong việc giảm mức tiêu hao nhiên liệu, đặc biệt khi các nguồn năng lượng hóa thạch đang suy giảm. Ngoài ra công nghệ này còn có thể nâng cao tính cạnh tranh trong đua xe.
 
Whitmarsh hào hứng: “McLaren ủng hộ việc sử dụng KERS trên những chiếc xe F1, chúng tôi luôn yêu thích việc ứng dụng công nghệ mới. Điều mà chúng ta phải làm bây giờ là cùng nhau nhìn vào những vấn đề tổng thể như cần ít nhất 10 đội đua sử dụng KERS và nếu quyết định tái ứng dụng công nghệ này thì chúng ta cần đặt ra tiến độ cụ thể cho quá trình tái ứng dụng, cũng như chắc chắn rằng chi phí dành cho công nghệ này rất phải chăng”.
 
Ross Brawn, Giám đốc kỹ thuật của đội đua Mercedes GP, cho rằng sự việc đang ngày càng rắc rối thêm bởi kế hoạch ra mắt phiên bản động cơ F1 mới vào năm 2013 nhằm thay thế cho phiên bản động cơ V8 -2,4l đang thịnh hành hiện nay. “Chúng tôi thừa nhận KERS là một thành phần của cuộc đua ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên tôi nghĩ trong năm ngoái giá trị năng lượng tận dụng được từ KERS là chưa đủ, trong tương lai cần phải cải thiện vấn đề này. Khi bắt tay vào việc chúng ta phải có kế hoạch rõ ràng và có thể tính đến việc tích hợp KERS luôn vào mẫu động cơ phiên bản 2013. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chờ đến 2013 mới thấy sự quay lại của KERS, điều này có thể lường trước được nếu ngay từ bây giờ chúng ta sử dụng hệ thống KERS và đến thời điểm 2013 chúng ta chỉ cần tích hợp thiết bị có nguyên lý tương tự mà thôi.
 
Với hệ thống KERS hiện nay, hiệu quả mà nó đem lại là chưa đủ. Chúng ta cần cải tiến để hệ thống hỗ trợ tối đa về mặt thể thao. Nếu chúng ta hạn chế số lần sử dụng nút tăng tốc trong mỗi vòng đua thì điều đó sẽ làm cho F1 trở nên hấp dẫn hơn nhiều. Vì thế tôi nghĩ KERS có một tương lai rất tươi sáng, nhưng chúng ta không cần vội vàng trở lại với hệ thống năm 2009 khi chưa tạo được những hiệu quả rõ ràng”.
Giám đốc điều hành của Renault, ngài Eric Boullier cho biết Renault ủng hộ việc đưa KERS quay trở lại: “Renault mong đợi KERS được sử dụng lại vào mùa giải 2011 bởi vì chúng ta sẽ có được rất nhiều lợi ích từ việc này.
 
Đầu tiên, mùa giải 2009 chúng tôi đã sử dụng và tiêu tốn nhiều chi phí để thử nghiệm KERS do đó không sử dụng hệ thống này nữa sẽ là một sự lãng phí tiền bạc. Thứ hai là chúng tôi tin chắc nhà sản xuất xe hơi Renault đang quan tâm mạnh mẽ đến việc ứng dụng công nghệ này trong việc phát triển công nghệ hybrid trong mẫu xe hơi bình dân. Việc sử dụng KERS cũng gửi đi thông điệp giới kỹ thuật F1 luôn quan tâm đến vấn đề tiết kiệm năng lượng cũng như tạo ra một môi trường trong sạch hơn. Mặt khác, chúng tôi luôn yêu cầu công nghệ này phải thu hồi được nhiều năng lượng hơn thế hệ công nghệ trước. Bởi vì có thể coi nó là một phần của màn trình diễn cũng được. Chiếc xe sử dụng công nghệ này phải tạo được lợi thế rõ rệt giúp nhanh chóng vượt đối thủ trên đường đua”.
 
McLaren, Ferrari, Renault và BMW bắt đầu sử dụng hệ thống KERS trong mùa giải 2009. Nhưng các đội đua này đều gặp những khó khăn khi cố gắng gói gọn hệ thống này vào chiếc xe của mình trong lúc vẫn phải duy trì được khả năng cạnh tranh trên đường đua. Sau đó chỉ có McLaren và Ferrari sử dụng KERS hết mùa giải trong khi Renault và BMW phải bỏ dở quá trình thử nghiệm bởi vì họ thấy chiếc xe của mình nhanh hơn khi không sử dụng KERS. Đến giai đoạn cuối mùa giải, McLaren đã phát triển KERS trở thành một công cụ hữu ích để đưa Lewis Hamilton giành ngôi nhất chặng tại GP Hungary và GP Singapore. Hệ thống này cũng góp phần to lớn đem lại ngôi nhất tại Spa-Francorchamps cho Kimi Raikkonen của Ferrari.
 
KERS tương tự công nghệ đang được ứng dụng rộng rãi trên thực tế trong các chiếc xe thương mại của Toyota, Honda và BMW với tên gọi phổ thông là xe hybird. Hệ thống này bao gồm động cơ điện, máy phát điện, ắc quy và phần mềm điều khiển. Khi phanh , hệ thống này sẽ biến nhiệt năng thành điện năng để dự trữ trong ắc quy và khi vượt hoặc tăng tốc, người lái chỉ việc bấm nút khởi động động cơ điện nhằm gia tốc cho chiếc xe, giúp thu hồi phần nhiệt năng hao phí.
 
Đối với xe F1, vận tốc có thể thay đổi từ hơn 300 km/h xuống 70 km/h khi phanh, quá trình giảm vận tốc đột ngột như vậy sinh ra một lượng nhiệt rất lớn. Trong khi tại một cuộc đua, mỗi tay đua phanh khoảng 800 lần như thế. Theo một số phân tích, về mặt lý thuyết, KERS có thể thu hồi lượng nhiệt tương đương 300 kilowatts, áp dụng KERS giúp xe có thể chạy nhanh hơn từ 0,1 đến 0,3 giây mỗi vòng đua và giúp xe tăng tốc để có các pha vượt đối thủ dễ hơn. Hệ thống này cũng có tiềm năng trong việc ứng dụng vào các mẫu xe hơi thông thường. Về mặt này, F1 được ví như “phòng thí nghiệm” cho ra đời cũng như thử nghiệm các công nghệ xe tiên tiến nhất, đem lại những giải pháp hiệu quả nhất chuyển giao cho các mẫu xe thương mại.
 
Renault vÉn ñng hé KERS dï tõng bÞ thÊt b¹i khi sö dông hÖ
            thèng nµy
Renault vẫn ủng hộ KERS dù từng thất bại khi sử dụng hệ thống này.
Autovina ( tổng hợp theo VNE)