10 hệ thống an toàn tiêu chuẩn cho xe hơi

Admin
Vào thời kỳ ngành công nghiệp xe hơi vừa mới được khai sinh người ta háo hức muốn được thử cảm giác ngồi trên những chiếc xe bốn bánh chạy bằng máy nổ đầu tiên nhưng cũng nơm nớp lo lắng về tính an toàn của những cỗ máy lúc nắng lúc mưa này.

Khó mà tin được trong suốt một thời kỳ dài những chiếc xe ôtô không hề được trang bị bất kỳ một hệ thống an toàn nào, và cách duy nhất để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra là dồn hết mọi sự tập trung vào việc điều khiển. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Quốc hội Mỹ thông qua bộ luật về dây an toàn áp dụng cho mọi loại xe bốn bánh vào những năm 1960, và đây thực sự là một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của công nghệ an toàn xe hơi thế giới. Kể từ đó đến nay các công nghệ an toàn liên tiếp thay nhau ra đời. Mới đây nhất người ta bàn nhiều về những hệ thống cân bằng điện tử, hệ thống chống khóa phanh, hệ thống túi khí thông minh…

Vậy công nghệ an toàn sẽ phát triển tới đâu, và những thiết bị mới nào sẽ ra đời? Dựa trên xu hướng phát triển của các hệ thống an toàn cũng như các bản công bố kế hoạch sản xuất cho tương lai của các nhà sản xuất xe hơi, chúng tôi đưa ra dự đoán về mười hệ thống an toàn sẽ được sử dụng nhiều nhất trong tương lai gần.

1. Cân bằng điện tử

Hệ thống cân bằng điện tử (ESC) là một trong những hệ thống hoạt động hiệu quả và tin cậy nhất từ trước đến nay và chắc chắn rằng nó sẽ còn tiếp tục được sử dụng và phát triển trong tương lai. Kích thước nhỏ hơn, cấu trúc đơn giản hơn và được số hóa nhiều hơn rất có thể sẽ là hướng phát triển của hệ thống tuyệt vời này. Đến năm 2003, mới có 7,1 % số xe được trang bị hệ thống ESC, hiện nay con số này là 40 % và người ta tin rằng 100 % số xe sẽ có hệ thống này trong tương lai không xa.

2. Hệ thống chống va đập

Hệ thống này còn được gọi là hệ thống hỗ trợ trước phanh. Nguyên tắc cơ bản của hệ thống là sử dụng rađa để đoán nhận tai nạn và khởi động phanh trước tai nạn. Thời gian gần đây hệ thống này đã được phát triển rộng rãi với sự tiên phong của các tên tuổi như Lexus, DaimlerChrysler, BMW…Các hãng này cho biết tỷ lệ tai nạn do các mẫu xe có trang bị hệ thống chống va đập gây ra thấp hơn đáng kể so với các mẫu xe không được trang bị hệ thống. Rõ ràng là hệ thống này sẽ tiếp tục giành được sự ưu tiên trong kế hoạch của các nhà sản xuất ôtô trong tương lai.

3. Hệ thống cảnh báo điểm khuất / hệ thống cảnh báo đi sai vạch đường

Hệ thống cảnh báo điểm khuất có vai trò ngăn chặn các vụ va đập từ hai bên thân xe thông qua các thiết bị cảm biến và cảnh báo các chướng ngại vật và các phương tiện nằm ngoài tầm quan sát của người lái. Hệ thống này được Volvo trang bị cho hai mẫu xe mới S80 và BLIS Concept. Một hệ thống khác có cùng nguyên tắc hoạt động là hệ thống cảnh báo đi sai vạch đường. Hệ thống an toàn này bao gồm một hoặc nhiều camera, bộ cảm biến, bộ vi xử lý và bộ phát tín hiệu cảnh báo. Camera và bộ cảm biến có nhiệm vụ ghi lại hành trình của xe còn bộ vi xử lý có chức năng phân tích dữ liệu và xác định những thay đổi bất thường về hành trình của chiếc xe so với hệ thống vạch phân luồng trên đường gây ra bởi sự mất tập trung của người lái. Bộ cảnh báo có nhiệm vụ phát ra tín hiệu âm thanh và hình ảnh cảnh báo trong trường hợp có sự thay đổi bất thường về hành trình của xe mà người lái không bật tín hiệu xynhan. Lexus LS 460, Infinity FX SUV là hai trong số những chiếc xe đầu tiên áp dụng hệ thống này. Dù còn nhiều hạn chế như phụ thuộc vào sự liên tục của hệ thống vạch sơn đường, điều kiện thời tiết…nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ vi xử lý hệ thống này sẽ hoàn thiện hơn trong tương lai không xa.

4. Hệ thống điều khiển hành trình thông minh

Hệ thống điều khiển hành trình thông minh cho phép xe tự duy trì khoảng cách với xe chạy phía trước mà không cần sự can thiệp của người lái. Với khả năng như vậy hệ thống điều khiển hành trình thông minh có thể làm giảm đáng kể khả năng xảy ra tai nạn đồng thời giúp người lái có thể thư giãn trên những hành trình dài. Hệ thống này được các nhà chuyên môn đánh giá là hệ thống “thông minh” nhất và cũng là hệ thống có nhiều triển vọng nhất trong số các hệ thống an toàn. Hiện tại do nhiều hạn chế về kỹ thuật hệ thống này chưa được sử dụng phổ biến. Tuy vậy các phiên bản basic của hệ thống này đã bắt đầu được áp dụng trong một số mẫu xe mới của Mercedes, Audi, Lexus và Jaguar.

5. Hệ thống camera và rada quét sau

Camera và rada hậu được trang bị khá phổ biến cho các mẫu xe mới của các hãng lớn, nhất là cho dòng xe SUV. Hệ thống này cho phép người lái có thể quan sát các phương tiện và chướng ngại vật ở phía sau xe mà gương chiếu hậu không quan sát được. Trong trường hợp xe phía sau ở quá gần hoặc tiến lại gần với một gia tốc lớn có thể gây nguy hiểm hệ thống sẽ phát tín hiệu cảnh báo. Không những vậy hệ thống camera và rada quét sau còn giúp việc đỗ xe trở nên dễ dàng hơn. Không quá phức tạp nhưng chắc chắn đây sẽ là một hệ thống an toàn không thể thiếu được trong các mẫu xe của tương lai.

6. Hệ thống chỉ báo áp suất lốp

Áp suất lốp thấp không chỉ là nguyên nhân tiềm ẩn của các vụ tai nạn mà còn làm giảm hiệu suất sử dụng nhiên liệu của xe. Từ năm 2000 hệ thống chỉ bảo áp suất lốp đã bắt đầu được phát triển, tuy vậy phải đến gần đây hệ thống này mới nhận được sự quan tâm đúng mức. Trái tim của hệ thống này là thiết bị cảm biến áp suất được trang bị bên trong van của các bánh. Các thiết bị này theo dõi áp suất bên trong lốp và truyền tín hiệu vô tuyến lên màn mình hiển thị. Màn hình của các xe có hệ thống chỉ báo đơn giản chỉ hiển thị thông tin khi áp suất lốp lên cao hơn hoặc xuống thấp hơn mức cho phép, trong khi ở các xe có hệ thống phức tạp hơn màn hình liên tục hiển thị thông số áp suất lốp.

7. Túi khí thông minh

Hệ thống túi khí là hệ thống không thể thiếu được trong các mẫu xe hiện đại. Gần đây các nhà sản xuất ôtô đã không ngừng cải tiến hệ thống này và biến chúng thành một hệ thống thực sự thông minh. Các bộ cảm biến gắn bên trong các tấm vỏ thân xe giờ đây hoạt động kết hợp với các bộ cảm biến dưới lớp đệm ghế, nhờ đó áp suất và kích thước của các túi khí sẽ thay đổi tùy theo cường độ va đập của xe cũng như cân nặng của người ngồi trên xe. Hai phiên bản mới nhất của hệ thống này là dual-depth của GM và dual-stage của Volvo. Hệ thống túi khí dual-depth mở ra ở hai kích thước và hai mức áp suất khác nhau, trong khi hệ thống dual-stage chỉ có một kích thước cố định mặc dù cũng mở ở hai mức áp suất khác nhau.

8. Hệ thống chống lật xe

Hệ thống chống lật sẽ là một tiêu chí an toàn quan trọng đối với các thế hệ xe của tương lai bởi thực tế cho thấy một tỷ lệ khá lớn các vụ tai nạn xảy ra là do lật xe. Trong những năm gần đây hệ thống này đã bắt đầu được sử dụng tương đối rộng rãi và có xu hướng ngày càng được hoàn thiện. Nguyên tắc hoạt động của hệ thống này là sử dụng bộ cảm biến hồi tiếp để đoán nhận khả năng lật xe do cua gấp. Nếu bộ cảm biến phát hiện được tình huống nguy hiểm, hệ thống trợ lực hoặc hệ thống cân bằng lái sẽ tự động cắt ga và liên tục đóng nhả phanh nhằm điều chỉnh pha cua của xe. Một số xe còn trang bị hệ thống túi khí hai bên cửa và trên mui nhằm bảo vệ người ngồi trên xe trong trường hợp xe lật. Các mẫu xe sử dụng hệ thống này có thể kể đến là Ford Five Hundred, Mercury Mongtego và Volvo C70.

9. Hệ thống bảo vệ đầu chủ động

Trong hầu hết các vụ tai nạn đầu là bộ phận dễ bị tổn tương nhất. Dựa trên thực tế này các nhà thiết kế đã phát triển nhiều hệ thống bảo vệ phần đầu của người ngồi trên xe, tiêu biểu là hệ thống WHIPS (Whiplash Protection System) trang bị trên chiếc S80 của Volvo. WHIPS sử dụng một thanh kim loại gắn bên trong lưng ghế, thanh kim loại này sẽ uốn cong khi tai nạn  xảy ra nhằm hấp thụ lực va đập trong khi gối đầu vẫn được giữ ổn định. Hệ thống SAHR của Saab lại sử dụng cơ cấu gối đầu chủ động. Một cách vắn tắt, cơ cấu này sẽ đẩy về phía trước để đỡ lấy phần đầu khi tai nạn xảy ra nhằm  giảm thiểu chấn thương đốt sống cổ.

10. Hệ thống hỗ trợ sau tai nạn

Các hệ thống an toàn trên xe dù có hiệu quả đến mấy cũng không thể ngăn chặn được tất cả các vụ tai nạn, chính vì vậy hệ thống hỗ trợ sau tai nạn là một phần mà các nhà thiết kế không thể bỏ qua được. Nhiều nhà sản xuất (như GM và BMW) đã tích hợp các thiết bị có khả năng kết nối với hệ thống Định vị toàn cầu GPS. Trong trường hợp tai nạn xảy ra hệ thống sẽ tự động phát tín hiệu khẩn cấp tới các trung tâm cứu hộ, và nhờ có GPS, địa điểm xảy ra tai nạn có thể được xác định một cách dễ dàng, kết quả là công tác cứu hộ sẽ trở nên hiệu quả và nhanh chóng hơn nhiều. Các nhà thiết kế của các hãng xe này cũng đang phát triển một thiết bị có khả năng ghi lại và lưu trữ thông tin tai nạn giống như chiếc hộp đen của máy bay. Nhờ có thiết bị này nguyên nhân của các vụ tai nạn sẽ được xác định một cách chính xác và dễ dàng hơn.

Sự phát triển muôn hình muôn vẻ của các hệ thống an toàn ngày càng làm cho hình ảnh của những chiếc ôtô trở thân thiện hơn với con người. Giờ đây chúng không chỉ đơn giản là phương tiện đi lại mà còn là phương tiện giải trí thực sự an toàn và tin cậy. Trong tương lai các hệ thống này sẽ tiếp tục được hoàn thiện, và chắc chắn sẽ có nhiều hệ thống mới ra đời. Dẫu vậy, như đã nói ở trên, một chiếc xe dù có được trang bị các hệ thống an toàn hiệu quả đến mấy cũng không thể ngăn chặn được tất cả các vụ tai nạn có thể xảy ra, điều quan trọng vẫn là ý thức trách nhiệm của người lái, và thực sự đây mới là hệ thống an toàn hữu hiệu nhất của cả hiện tại lẫn tương lai.

Dương Vũ