Xe ô tô thể thao chạy bằng nước muối - Tại sao không ?

(Autovina) - Nhiều người sẽ ngạc nhiên trước chiếc Quant e-Sportlimousine, mẫu xe không chỉ ấn tượng bởi hình thù quái lạ mà còn sử dụng dung dịch muối để chạy xe

Sau khi ra mắt tại triển lãm Geneva Motor Show 2014, siêu xe thể thao chạy bằng...nước muối Quant e-Sportlimousine đã chính thức được cấp phép tại Châu Âu, khi nhận được sự phê duyệt của tổ chức chứng nhận TÜV Süd của Đức.

mẫu xe Quant e-Sportlimousine

 

Vậy là giờ đây, công chúng có thể bắt gặp chiếc xe này trên các đường phố của Đức và Châu Âu. Quant e-Sportlimousine là chiếc xe đặc biệt với động cơ hoạt động bằng công nghệ ắc quy ngâm...nước muối.

Chiếc xe này từng gây sốt khi xuất hiện tại buổi họp báo của triển lãm quốc tế Geneva Motor Show hồi tháng 3/2014. Kiểu dáng “kỳ dị” với những nét uốn cong đậm chất concept của chiếc xe khiến nhiều người không thể rời mắt ngắm nhìn. Từ dòng chữ tên xe được thiết kế ấn tượng, bể chứa nhiên liệu chính là dung dịch muối đặc biệt, những đường nét phá cách...tất cả đều khiến người ta liên tưởng chiếc xe trông giống như một phòng thư giãn thảnh thơi sau giờ làm.

mẫu xe Quant e-Sportlimousine mẫu xe Quant e-Sportlimousine 

Nunzio La Vecchia, giám đốc kỹ thuật của NanoFlowcell, nhà sản xuất mẫu xe đặc biệt này, cũng bày tỏ niềm tự hào trước tác phẩm độc nhất vô nhị này, đồng thời khẳng định Quant e-Sportlimousine là mẫu xe thể thao với công suất siêu “khủng”: 912 mã lực và được “tạo hình” theo kiểu cửa lật cánh chim 2x2. Điểm nổi bật nhất nằm ở công nghệ pin nhiên liệu điện phân từ nước muối.

Và cũng chính bởi những tính năng có phần “lập dị” này, nhiều người hoài nghi về khả năng...có thực của Quant e-Sportlimousine. Được hứa hẹn sẽ giống như một viên đạn thần kỳ trong xu thế năng lượng “sạch” hiện nay, nhất lại là khi NanoFlowcell là nhà sản xuất với tuổi đời còn quá non trẻ, dễ hiểu tại sao chiếc xe này thu hút quá nhiều chú ý. Không chỉ sử dụng nhiên liệu có một không hai, siêu xe đến từ vương quốc Lichtenstein còn cho khả năng tăng tốc lên 100 km/h chỉ với 2,8 giây và đạt vận tốc tối đa 380 km/h.

mẫu xe Quant e-Sportlimousine mẫu xe Quant e-Sportlimousine

Chỉ vài tháng sau khi ra mắt tại Geneva Motor Show 2014, Quant e-Sportlimousine đã xuất hiện trở lại, mới mẻ và ấn tượng hơn. Sau khi nghiên cứu và kiểm tra kỹ lưỡng chiếc xe, tổ chức chứng nhận TÜV Süd tại Munich (Đức) đã quyết định cấp phép đăng ký chính thức cho chiếc xe. Và dĩ nhiên, siêu xe thể thao chạy nước muối của NanoFlowcell đã có thể...mang biển số. Đó là một tín hiệu đáng mừng bởi giờ đây, chiếc xe này có thể xuất hiện tự tin trên các đường phố tại Đức và Châu Âu, khi nhà sản xuất đang lên kế hoạch bắt tay sản xuất hàng loạt mẫu xe siêu “sạch” này.

mẫu xe Quant e-Sportlimousine

Giám đốc kỹ thuật La Vecchia tự hào phát biểu: “Chúng tôi vui mừng được là người dẫn đầu công nghệ sản xuất ôtô chạy bằng nước muối trên các đường phố công cộng, và là người tiên phong khi tạo ra những cỗ máy đạt công suất thần kỳ và đặc biệt nói không với khí thải. Quant e-Sportlimousine là mẫu xe hướng tới vận tốc cực đại 350 km/h, cho khả năng tăng tốc lên 100 km/h chỉ trong 2,8 giây, mô men xoắn gấp 4 lần con số 2.900 Nm, và quãng đường chạy tối đa có thể lên tới 600 km”.

Về cơ chế hoạt động, Quant e-Sportlimousine hoạt động nhờ hệ thống pin nhiên liệu điện phân từ nước muối, truyền công suất tới 4 môtơ điện, sản sinh dòng điện từ phản ứng điện hóa - tạo ra bởi hai dung dịch điện giải. Dòng điện này được chuyển tiếp tới hệ thống “siêu tụ điện” – nơi lưu trữ và phân phối điện năng.

Bên cạnh các mẫu siêu xe, NanoFlowcell còn sử dụng công nghệ này trên một loạt ứng dụng. Hãng cũng dự kiến sẽ triển khai công nghệ hiện đại này trên các dòng xe giá cả phải chăng hơn. Giáo sư Jens-Peter Ellermann, chủ tịch hội đồng của NanoFlowcell AG cho biết: “Chúng tôi có rất nhiều kế hoạch lớn và không chỉ trong ngành công nghiệp ôtô. Tiềm năng của NanoFlowcell còn rất nhiều, đặc biệt trong các hoạt động cung cấp năng lượng quốc gia cũng như công nghiệp hàng hải, đường sắt và hàng không. NanoFlowcell mang tới một loạt ứng dụng rộng rãi nhờ nguồn năng lượng bền vững, giá thành thấp và thân thiện với môi trường”.