Đầu tư thêm 60 tỷ đồng tránh ùn tắc tại Hà Nội

Admin
Sở GTVT đã mạnh dạn đề xuất xin thêm kinh phí 60 tỷ đồng để đầu tư tiếp cho công cuộc chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội.
Giao thông Hà Nội vẫn đang ngày một phức tạp. Cứ năm sau số điểm ùn tắc lại nhiều hơn năm trước. Mới đây Sở GTVT Hà Nội đã thí điểm tổ chức lại giao thông trên 7 tuyến phố là điểm nóng về ùn tắc, bằng cách dùng dải phân cách cứng bịt các giao cắt, đồng thời gửi công văn kiến nghị UBND thành phố bố trí bổ sung thêm 60 tỷ để tiến hành đảm bảo ATGT và chống ùn tắc.
Song, không ít người tỏ ra lo ngại, sau khi bổ sung số tiền không nhỏ này, mục tiêu giải quyết cơ bản nạn ùn tắc giao thông nội đô Hà Nội xong trước Ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long liệu có thành hiện thực?
Tổ chức lại giao thông - vừa làm, vừa rút kinh nghiệm
Nhìn vào thực tế, không ai có thể phủ nhận, hiện mạng lưới GTVT của Thủ đô Hà Nội đang tồn tại không ít bất cập. Hiện tại chưa có tuyến đường vành đai nào được hoàn chỉnh theo quy hoạch, kéo theo các nút giao thông lập thể quá ít, giao cắt giữa đường sắt và đường bộ đô thị hầu hết là giao cắt đồng mức, là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, số lượng phương tiện giao thông cá nhân cũng gia tăng quá nhanh (khoảng 10-15%), làm tăng sức ép về tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu hành trên đường. Nếu như năm 2008 Hà Nội có chưa tới 80 điểm ùn tắc giao thông thì tính đến nay trên địa bàn thành phố đã có 124 điểm, luôn đứng trước nguy cơ xảy ra ùn tắc, trong đó có tới 68 điểm được coi là "rất nóng".
Đi cùng với ùn tắc, TNGT cũng bắt đầu phức tạp. Tính từ đầu năm 2009 đến nay, trên các tuyến đường bộ trực thuộc Hà Nội, đã xảy ra tới 297 vụ, làm 256 người chết và 92 người bị thương. 
Trước những bức bách trên, từ đầu tháng 6, Sở GTVT Hà Nội đã mạnh dạn thực hiện tổ chức lại giao thông trên 7 tuyến phố được coi là điểm "nóng" về ùn tắc. Phương án được Sở GTVT đưa ra là dùng dải phân cách cứng bịt các giao cắt tại ngã ba, ngã t ư, sau đó mở ngã rẽ mới, cách nút giao cắt cũ chừng 100 - 200 mét.
Có mặt tại tuyến Nguyễn Chí Thanh vào giờ cao điểm buổi sáng, chúng tôi nhận thấy việc phân luồng tỏ ra khá hiệu quả. Bởi trước đây, vào giờ cao điểm, tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng - Láng luôn có 4-5 Cảnh sát giao thông túc trực phân luồng, nhưng vẫn xảy ra ùn tắc do xung đột nhiều luồng phương tiện. Nay, dải phân cách đã chắn ngang giữa đường Láng, các xe muốn đi thẳng qua ngã tư phải quay vòng sang đường Nguyễn Chí Thanh hoặc Trần Duy Hưng sau đó vòng lại. Bù lại, những xe có hướng rẽ phải sẽ không bị dồn ứ tại ngã tư như trước.
Còn tại nút Nghi Tàm - An Dương, với cách tổ chức như trên, cũng đã tránh được tình trạng ùn ứ và nguy cơ tai nạn. Tuy nhiên, phương án tổ chức giao thông mới cũng lộ rõ bất cập tại nhiều tuyến đường.
Làm nhiều cầu vượt
Sau khi thực hiện một loạt giải pháp phân luồng mới, kết quả thành công hay không còn đang ở phía trước, nhưng Sở GTVT đã mạnh dạn đề xuất xin thêm kinh phí 60 tỷ đồng để đầu tư tiếp cho công cuộc chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội. ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT lý giải rằng, sau một thời gian thực hiện tổ chức lại giao thông, tình hình ùn tắc đang có dấu hiệu giảm?! Cùng với việc rút kinh nghiệm, Sở sẽ mở rộng tổ chức lại giao thông ra nhiều tuyến phố mới. Đó là lý do Sở đã đề xuất UBND thành phố chi 60 tỷ đồng. 
"Nếu được thông qua, khoản kinh phí này sẽ được ưu tiên cho xây cầu đi bộ, chỉnh trang lại các nút giao thông", ông Hùng nói. Theo đó, dự kiến tuyến quốc lộ 6 (từ Hà Đông vào Ngã Tư Sở) sẽ có 5 cây cầu đi bộ tại các nút: Kim Giang, Đại học Khoa học Tự nhiên, Nguyễn Quý Đức, Đại học Hà Nội và Đại học Kiến trúc. Theo ông Hùng, việc tổ chức lại giao thông tại các nút mới chỉ là thí điểm nên cần hoàn thiện, chỉnh sửa để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Song, không ít người lo ngại bởi lẽ đây cũng chỉ là một giải pháp, trong điều kiện giao thông bình thường, chứ trong trường hợp cường độ giao thông lớn quá, hoặc gặp những trận mưa to chẳng hạn, giao thông Hà Nội sẽ lại tê liệt, vì chưa thấy cơ quan chức năng đưa ra thêm một kế hoạch chiến lược nào.
Trên tuyến Kim Mã, sau khi dùng barie chắn ngang giao cắt ngã tư Kim Mã - Ngọc Khánh - Vạn Bảo, các phương tiện muốn rẽ sang phố Ngọc Khánh, Vạn Bảo sẽ phải đi qua ngã tư 100 mét sau đó quay đầu xe. Dải phân cách giữa đường Kim Mã khá hẹp nên khi phương tiện quay đầu tại điểm rẽ mới đã gây cản trở cho các xe đi tuyến thẳng. Tình trạng ùn tắc được chuyển từ ngã tư sang điểm quay đầu xe cách đó 100 mét. Một bất cập nữa là hệ thống đèn giao thông vẫn hoạt động ở những nơi đã không còn là điểm giao cắt.

Tại tuyến đường Nguyễn Trãi, nhiều người đi đường dừng lại khi đèn đỏ, sau đó phát hiện thấy sự vô lý lại rồ ga phóng đi. Tại những điểm sang đường mới, cơ quan chức năng đã lắp đặt hệ thống biển báo, nhưng vẫn thiếu gờ sơn giảm tốc để đảm bảo an toàn…

Theo Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng, một điều mấu chốt để Sở GTVT quyết tâm lựa chọn giải pháp tổ chức lại giao thông theo cách nói trên là vì kinh phí rất rẻ, lại phù hợp với mạng lưới cơ sở hạ tầng hiện có của Hà Nội.

autovina