Áp lực của những 'hung thần' bất đắc dĩ

Admin
Xe buýt về bến trễ 1 phút thì tài xế bị phạt 30.000 đồng; doanh thu kém là cắt tiền thưởng; lô cốt khiến tắc đường triền miên... đó là những lý do khiến các tài xế xe buýt đôi khi trở thành những "hung thần bất đắc dĩ".

Giới tài xế xe buýt cho rằng, mô hình quản lý hợp tác xã (HTX) áp dụng cho xe buýt đang bộc lộ sự thiếu khoa học. Chủ xe tham gia HTX với tư cách là xã viên, nhưng trực tiếp điều hành hành trình chứ không phải cơ quan quản lý, thành phố áp khoán sản lượng kiểu “đánh bài tiến lên” (tức là lượng khách năm này phải cao hơn năm trước)... Tài xế xe buýt đang gánh trên hai vai nỗi lo: kẹt đường - lô cốt và áp lực từ trên đánh xuống.

Không chỉ lâu lâu nhắc nhở tài xế, những chủ buýt luôn có mặt trên xe để đốc thúc khiến nhiều bác tài không chạy như đua, không bắt khách kiểu “nhanh nhanh” cũng không được.

“Hôm nay chạy kiểu đó, lấy gì mà ăn đây”, giọng nói quen thuộc của “sếp” (chủ xe) vang lên ngay bên tai khi anh tài xế xe tuyến Bến xe miền Tây - Gò Vấp đang rà xe chậm lại vì người lưu thông trên đường Nguyễn Thị Minh Khai quá đông vào sáng 1/4. Chừng như giật mình, bác tài vội tăng tốc, chạy thật nhanh để bù lại khoản thời gian đã mất để làm vừa lòng sếp khiến nhiều người ngồi trên buýt lẫn khách đi đường một phen tá hỏa.

“Họ trả lương cho mình mà, nhiều khi mình kiếm được nhiều khách cuối tháng còn thưởng thêm, nếu không thì bị cạch mặt”, một lái xe buýt đang đậu chờ tài tại bến chợ Bến Thành nói thẳng.

Tài xế xe buýt luôn phải chịu nhiều áp lực đến từ hệ thống quản lý và tình hình đường sá TP HCM. Ảnh: An Nhơn

Bên cạnh việc bị trực tiếp điều hành, các bác tài còn bị áp lực từ xa vì những quy định thời gian khá ngặt nghèo. Hẳn người dân Sài Gòn vẫn còn nhớ rất rõ xe buýt của HTX Quyết Tâm cướp đi sinh mạng 3 người trong một gia đình tại cầu Nhị Thiên Đường, quận 8. HTX này có quy định cứ về trễ 1 phút, tài xế bị phạt 30.000 đồng. Quy định trên khiến nhiều lái xe nhiều khi bất chấp nguy hiểm vì mưu sinh.

Ví dụ như tuyến bến xe miền Đông - Hóc Môn dài gần 30 km, nếu canh theo quy định của HTX, tài xế phải chạy hoàn tất một chuyến trong vòng 75 phút. Tính trung bình lái xe chạy 1 km trong hơn 2 phút. Nhiều bác tài lâu năm tính toán ra con số này cũng phải lắc đầu, toát cả mồ hôi hột.

Ngay cả ông Nguyễn Tấn Tạo, Chủ nhiệm HTX vận tải 15 cũng phải nhìn nhận: một tuyến xe đường dài quy định chạy trong 75 phút, 10 km đầu, tài xế thường rất hay rà kiếm khách, thậm chí quay ngược đầu xe để đón thêm, sau đó họ chạy như ma đuổi để kịp thời gian. Đoạn rút còn lại mới thực sự gây nguy hiểm. Để tránh tình trạng tài xế rà xe trong 10 km đầu, HTX này lắp đặt một đồng hồ bấm giờ tại cột mốc km thứ 10 để lái xe bấm xác nhận khi đến nơi.

“Mô hình quản lý HTX đang vô tình trao rất nhiều quyền cho chủ xe, tạo thêm áp lực cho tài xế. Ví dụ: hai xe cùng tuyến thì đều được trợ giá 300.000 đồng một tháng, mức này không đổi, nhưng ai chạy chuyến càng nhiều khách thì doanh thu càng cao khiến các chủ xe bất chấp tính an toàn để kéo khách kiếm lợi nhuận nhiều hơn”, ông Tạo phân tích.

Ngoài ra, theo ông Phùng Đăng Hải, Chủ tịch liên hiệp HTX thành phố, kiểu áp khoán sản lượng của thành phố với HTX đang gây ra sự mâu thuẫn. Thành phố luôn yêu cầu sản lượng hành khách tháng này phải hơn tháng trước thì mới nhận được trợ giá tương xứng, tạo áp lực cho HTX, cho xã viên. Ở Hà Nội không áp khoán sản lượng như TP HCM mà trợ giá được tính theo cách lỗ bao nhiêu, bù bấy nhiêu.

Đường sá đào bới đầy rẫy, kẹt xe liên miên, giá xăng cũng đã giảm nên nhiều người dân chọn đi xe máy nhiều hơn, ý thức tuân thủ luật lệ giao thông của người đi đường còn kém... Những thực tế này cũng tạo thành những cái khó đè lên giới tài xe buýt, theo ông Hải.

Mỗi lần tấp lề đón khách, xe buýt luôn buộc các phương tiện khác nháo nhào tìm đường tránh. Ảnh: Phan Huy.

Đối với các HTX, việc tuyển dụng tài xế có tay nghề cao hiện nay cũng khá khó khăn, hầu hết lái xe buýt trình độ cao nhất là cấp 2. Điều này rõ ràng cũng tác động khá lớn đến vấn đề an toàn xe buýt trong lưu thông. "Hiện nay, có nhiều tài xế không đạt, chúng tôi muốn cho thôi việc nhưng không thể tìm đâu ra người thay thế nên đành để họ lái xe buýt tiếp tục”, người đứng đầu Liên hiệp HTX thành phố thừa nhận.

Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa kỹ thuật giao thông trường Đại học Bách Khoa TP HCM, cho rằng cách điều hành xe buýt tại TP HCM đang có vấn đề. “Cơ cấu tổ chức chưa hợp lý: 3 công ty, 25 HTX là chưa tập trung, điều hành không chuyên nghiệp nên gây ra nhiều vấn đề về an toàn giao thông”, ông Mai nói.

Kiên Cường

Bài 3: Xây dựng 'thiên đường xe buýt'

autovina