10 sự kiện nổi bật trên thị trường ôtô VN 2008

Admin
Năm 2008 đã qua với rất nhiều biến động trên thị trường ôtô Việt Nam. Hãy cùng chúng tôi điểm lại 10 nhóm sự kiện nổi bật nhất của thị trường ôtô trong nước trong năm qua.

1- Các liên doanh ôtô được nhập khẩu xe nguyên chiếc

Ngày 24/1/2008, Mercedes-Benz VN chính thức trở thành liên doanh sản xuất, lắp ráp ôtô đầu tiên tại Việt Nam được phép nhập khẩu xe nguyên chiếc (CBU), sau đó đến lượt Ford VN và Toyota VN. Cùng với thuế nhập khẩu thấp, kinh tế tăng trưởng cao, nhu cầu mua xe tăng theo cùng với sự dễ dàng trong việc vay tiền ngân hàng, sự kiện này góp phần thổi bùng “cơn lốc” xe nhập khẩu xuất hiện hồi đầu năm. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2008, tổng lượng xe nhập khẩu về Việt Nam đã lên tới 30.000 chiếc, cao hơn 2.000 chiếc so với cả năm 2007, trong đó riêng tháng 3/2008 có tới 11.000 chiếc xe được nhập về !

2- Thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc dồn dập tăng

Nhận thấy mục đích gây sức ép với xe trong nước qua việc giảm thuế liên tiếp 3 lần trong năm 2007 (xuống mức thấp nhất 60%) không đạt được, đồng thời lạm phát và nhập siêu tăng vọt, trong tháng 3 và 4/2008, Bộ Tài chính đã liên tiếp tăng thuế nhập khẩu lên 70% và rồi 83%. Điều này gây ra các cơn sốt mua - bán xe chạy thuế và cảnh 'chợ chiều' khi các mức thuế mới được áp dụng.

Ảnh minh họa

 Năm 2008 là năm có nhiều sóng gió với thị trường ôtô VN.

Chưa dừng lại ở đó, Bộ Công Thương ngày 16/5/2008 đã ra 'đòn chí mạng' với quyết định yêu cầu nộp thuế ngay tại cảng, khiến các nhà nhập khẩu hết cơ hội dùng tiền bán xe để nộp thuế và vì vậy, sức ép về vốn ngày càng lớn. Đến tháng 8/2008, Bộ này còn quyết định chế độ cấp phép nhập khẩu tự động, khiến lượng xe nhập khẩu càng ngày càng ít. Nếu như cao điểm tháng 3/2008 có tới 11.000 chiếc được nhập về thì liên tiếp trong các tháng 9-11, mỗi tháng chỉ vẻn vẹn khoảng 1.000 chiếc.

Ngay cả phụ tùng, linh kiện lắp ráp ôtô cũng phải trải qua 3 lần tăng thuế  nhập khẩu, với mức tăng khoảng 10%, kéo theo giá bán xe tăng lên.

3- Liên doanh hàng đầu là Toyota Việt Nam liên tiếp dính vào những vụ bê bối

Năm 2008 là một trong những năm có nhiều sóng gió nhất với riêng Toyota VN. Lỏng lẻo trong quản lý, sự cả tin của người mua xe, thị trường xe trong giai đoạn sốt nóng..., tất cả đã tạo điều kiện cho vụ lừa tiền có một không hai ở Toyota Giải Phóng hồi cuối tháng 1/2008, thời điểm trước Tết Nguyên đán Mậu Tý. 18 khách hàng đã bị một nhân viên đại lý này lừa gần 5 tỉ đồng tiền đặt cọc mua xe để đánh bạc, trong đó thậm chí có cả trường hợp nạn nhân đặt tiền mua Honda Civic tại đây. Dẫu cho kẻ lừa đảo đã bị 20 năm tù, phần lớn khách hàng sau 10 tháng mất ăn mất ngủ đã được hỗ trợ 30-40% thiệt hại...thì đây cũng là một bài học xương máu cho cả kẻ bán và người mua ôtô.

Trong khi vụ việc chưa được giải quyết xong thì tới đầu tháng 7/2008, vụ việc gần 100 động cơ của hai loại xe Innova và Hiace đã bị bỏ quên 2 năm tại cảng Hải Phòng và có hiện tượng gỉ sét nhưng vẫn được lắp đặt và bán dần cho các khách hàng từ đầu năm 2008 bị lộ. Nhiều người tiếp tục đặt câu hỏi cho câu trả lời "bỏ quên" rất khó hiểu trong hoạt động của một tập đoàn ôtô hàng đầu thế giới - nơi sản sinh ra triết lý sản xuất kinh doanh Monozukuri nổi tiếng. Rất may đa số khách hàng mua xe là các hãng taxi nên họ nhanh chóng đồng ý với phương án đổi xe mới  hoặc hỗ trợ 10% giá xe cho những khách hàng vẫn sử dụng chiếc xe đó...

Đến tháng 10/2008, hơn 2.400 xe Innova sản xuất cuối năm 2006 lại bị thu hồi do có khả năng nứt vành đúc theo khuyến cáo của Toyota Nhật Bản. Lần đầu tiên trong lịch sử thị trường ôtô Việt Nam, một liên doanh sản xuất ôtô công khai chương trình thu hồi xe do lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên, việc thu hồi này được thực hiện dưới tên gọi "chương trình sửa chữa đặc biệt".

4- Triển lãm ôtô: Lượng tăng nhưng chất thiếu

Trong năm qua đã diễn ra hàng loạt các cuộc triển lãm ôtô tại Việt Nam như: AutoPetro vào tháng 5, AutoExpo tháng 6, Vietnam Motor Show tháng 8, Saigon Autotech tháng 11... Tuy nhiên, một điều khách tham quan dễ dàng nhận ra là các cuộc triển lãm ôtô ở Việt Nam ngày càng nhiều, nhưng chất lượng và quy mô ngày càng kém, nghèo nàn về sản phẩm, chủng loại, công nghiệp phụ trợ cũng chỉ lác đác một vài doanh nghiệp quen thuộc. Ngay tại triển lãm Vietnam Motor Show được coi là lớn nhất trong năm cũng chỉ dừng lại ở một số mẫu ôtô quen thuộc sản xuất trong nước mà người tiêu dùng đã quen mắt, trong khi một vài mẫu xe ý tưởng được đưa vào chỉ để thu hút sự tò mò của khách tham quan.

5- Lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng mạnh

Kể từ ngày 25/8/2008, lệ phí trước bạ ôtô đồng loạt tăng lên 10% trên toàn quốc, tạo ra một cơn sốt mua xe chạy lệ phí trước thời điểm đó. Đến đầu tháng 12, HĐND TP.Hà Nội lại quyết định tăng lệ phí trước bạ lên 12% tại thành phố này kể từ 1/1/2009. Đặc biệt, trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII, Quốc hội đã quyết định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 15-20% đối với các dòng xe 6-9 chỗ ngồi, áp dụng từ 1/4/2009. Đây được xem là những đòn chí mạng tiếp theo đánh vào cả nhà sản xuất cũng như nhà nhập khẩu nhằm mục tiêu hạn chế sử dụng ôtô.

6- Mưa lớn lịch sử khiến hàng nghìn ôtô tại Hà Nội bị hư hỏng nặng

Trận mưa lớn lịch sử hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11/2008 tại khu vực phía Bắc đã để lại thiệt hại nặng nề đối với nhiều chủ xe ôtô và cả các hãng bảo hiểm. Theo thống kê chưa đầy đủ từ các nhà sản xuất, có đến hàng nghìn xe bị hỏng hóc do ngập nước, trong đó rất nhiều trường hợp phải "bổ máy" do nước ngấm vào. Trong những ngày này, các trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng luôn trong tình trạng  quá tải, người sử dụng ôtô luôn trong tình trạng “thẫn thờ”, còn các liên doanh cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm ôtô thì gồng mình thực thi trách nhiệm và có dịp khuếch trương chất lượng dịch vụ của mình...

7- Doanh số bán tăng vọt đầu năm nhưng ế ẩm vào cuối năm

Nếu như cuối năm 2007, đầu 2008, khách mua xe phải lót tay tới vài ba nghìn USD mới có thể sở hữu sớm những mẫu xe 'hot' trên thị trường như Captiva, Innova, Camry...thì đến cuối năm, các mẫu xe này dù giảm giá tới vài nghìn USD so với giá niêm yết và đây đang là mua mua sắm cuối năm nhưng vẫn ế dài. Sản lượng bán cũng theo đó giảm từ trên 13.000 xe/tháng hồi tháng 3, 4 năm nay xuống 5.000 xe trong các tháng 9, 10, 11 vừa qua. Tuy nhiên tính chung cả năm, thị trường ôtô đã vượt qua 105.000 xe, vẫn tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng những tháng đầu năm.

Hầu hết các liên doanh đều nhận định thị trường năm 2009 sẽ giảm ít nhất từ 30-50% so với năm 2008, kéo theo hàng hàng nghìn người mất việc làm. Mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã có văn bản đề nghị tạm dừng thực hiện tất cả các luật thuế mới với ôtô, đồng thời kiến nghị giảm thuế trở về trước thời điểm tháng 4/2008 để cứu vãn các doanh nghiệp trong nước trước nguy cơ phá sản.

Trên thị trường xe nhập khẩu, tình trạng cũng diễn ra tương tự. Nhiều doanh nghiệp đua nhau nhập xe hồi cuối năm 2007, đầu năm 2008 đã phải nếm trái đắng khi thuế nhập khẩu, lệ phí trước bạ tăng, nộp thuế ngay tại cảng...Hàng loạt đơn vị nhỏ lẻ phải đóng cửa, bán dưới giá vốn để vớt vát phần nào...

8- Thêm nhiều hãng xe nước ngoài vào Việt Nam

Năm 2008 cũng đánh dấu nhiều hơn sự có mặt của các hãng xe nước ngoài vào Việt Nam. Mới đây, hãng Nissan đã chính thức công bố thành lập liên doanh tại Việt Nam với số vốn đầu tư 10 triệu USD. Trước đó, thương hiệu xe hạng sang nổi tiếng Audi của Đức cũng đã mở văn phòng đại diện và showroom bán hàng tại Tp. Hồ Chí Minh. Euro Auto (nhà phân phối xe BMW tại Việt Nam) mở rộng thêm showroom mới tại Tp. Hồ Chí Minh, Porsche cũng đã khai trương trung tâm mới tại Việt Nam...

9- Siêu xe xuất hiện ngày càng nhiều

Tuy là năm khó khăn của thị trường ôtô, nhưng năm 2008 vẫn có hàng loạt các “siêu” xe nổi tiếng thế giới được nhập về Việt Nam qua các đơn đặt hàng như: Rolls Royce, Lamborghini,, Aston Martin DB9, Audi R8, Bentley Continental GTC, Mercedes- Benz SLR Mclaren... với giá bán sau thuế lên đến hàng triệu USD.

10- Các liên doanh chú trọng hơn đến tính an toàn

Các liên doanh sản xuất ôtô tại Việt Nam đã có một năm với nhiều hoạt động an toàn. Honda Việt Nam tăng cường các hoạt động giáo dục, tuyên truyền ATGT, Toyota Việt Nam với chương trình “Toyota cùng em học ATGT”, Ford và Mercedes- Benz với các chương trình hướng dẫn lái xe an toàn cho khách hàng... Ngoài ra, các sản phẩm mới ra mắt cũng được chú trọng hơn trong việc trang bị các tính năng an toàn như: túi khí, phanh ABS, cân bằng tự động...

autovina