Xe bus và nỗi khổ của người dân Sài Thành

Svetlauz
Cửa điều khiển dành cho khách xuống xe không hoạt động, nhân viên nhà xe phải loay hoay hơn 10 phút sửa chữa, cánh cửa mới chịu mở ra... Một Việt kiều Mỹ vừa về nước lắc đầu ngao ngán, khâm phục sức chịu đựng "phi thường" của những hành khách vẫn hàng ngày bon chen đi xe buýt.
Một sáng cuối tháng 3, tuyến xe buýt số 19 (bến xe Bến Thành - ĐH Quốc gia) tấp vào trạm trên quốc lộ 1A. Nhiều hành khách đang đứng, ngồi trên xe buýt tỏ thái độ bực mình khi cửa điều khiển dành cho khách xuống xe không hoạt động. Nhân viên nhà xe phải mất hơn 10 phút sửa chữa, cánh cửa mới chịu mở ra.
 
Anh Lê Văn Hiện, một Việt kiều Mỹ vừa xuống xe tại trạm xe buýt Bến Thánh (tuyến 56) cho biết, xe buýt Việt Nam quá phức tạp, trên xe thì nóng bức, lại chở đầy hàng hóa. "Trời nóng hầm hập nhưng lại không có máy lạnh, vậy mà nhiều hành khách vẫn đi xe buýt quả thật rất đáng khen", anh Hiện vừa lau mồ hôi vừa nói.
 
Hàng trăm xe buýt ở TP HCM đang xuống cấp nghiêm trọng.
 
Nữ sinh viên Hà Thị Thanh (Cao đẳng Tài chính Hải quan TP HCM) cho biết, cuối tuần được nghỉ học, Thanh thường đón tuyến xe buýt để về nhà người thân, nhưng mỗi lần đi xe buýt là mỗi lần tim cô gái này run lên bần bật. Tài xế phóng nhanh vượt ẩu, mỗi lần có ổ gà, ổ voi không chịu giảm ga khiến hành khách bị nhấc lên rồi rơi xuống tự do. "Ghế xe buýt lại cứng khiến em đau hết toàn thân, xe thì ọp ẹp xả khói đen mịt mù", Thanh phàn nàn.
 
Trên nhiều tuyến đường, nhìn bề ngoài một số xe buýt cũ mèm, lớp sơn tróc vẩy chẳng khác mấy so với "xe dù”. Nhiều xe do va chạm bị móp méo, có xe bị vỡ đèn đã được chủ xe dùng băng keo dán lại. Nội thất trên xe cũng không khá hơn. Nhiều xe lớp nệm ghế bị rách tươm, máy lạnh lúc hoạt động lúc không… và đặc biệt khi xe buýt tăng tốc, khói đen nghịt phả thẳng vào mặt người đi phía sau. Tình trạng này phổ biến ở các tuyến Sài Gòn - Nhà Bè, Sài Gòn - Thới An, Bến xe Miền Đông - Miền Tây, 19, 33...
 
Một chiếc xe buýt bị trầy xước và bị lủng một lỗ to tại trạm xe buýt Suối Tiên.
 
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải TP HCM cho biết, hiện hợp tác xã có gần 1.000 đầu xe buýt hoạt động trên khắp tuyến đường TP HCM. Hầu hết đều được đưa vào sử dụng từ năm 2002 đến nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
 
"Giá nhiên liệu, giá phụ tùng xe, tiền lương nhân viên đều tăng, trong khi giá vé chỉ tăng lên một chút là người dân kêu trời nên đã ảnh hưởng rất lớn tới kinh phí để chủ nâng cấp xe. Mỗi lần đăng kiểm là nhà xe lại phải cuống cuồng đi 'mông má' lại xe gấp", ông Hải nói.
 
Theo đề án phát triển xe buýt giai đoạn 2011-2015 của Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã được UBND thành phố thông qua, trong 5 năm tới TP HCM sẽ mua mới 1.680 xe buýt với kinh phí gần 2.000 tỷ đồng. Thành phố sẽ hỗ trợ nhà đầu tư trả trước 30% giá xe, 70% còn lại được vay ngân hàng trả trong 7 năm và một phần lãi suất vay cố định là 6,48%/năm, phần chênh lệch lãi suất còn lại nhà đầu tư chịu.
 
Đề án này không nhận được sự hưởng ứng của nhiều hợp tác xã xe buýt và nhà đầu tư do mức lãi suất ngân hàng hiện nay còn cao. Nếu thành phố hỗ trợ 6,48% mỗi năm như kế hoạch thì rất khó cho nhà đầu tư. Trong khi đó số xe đang hoạt động có tuổi thọ 15 năm, hiện mới hoạt động được 7-8 năm, số xe cũ không biết bán cho ai.
 
Ngoài ra, việc đầu tư một xe mới hiện nay phải gấp đôi thời điểm năm 2003, trung bình một xe 80 chỗ (đứng và ngồi) phải 2-2,5 tỷ đồng. Giá xe cao, lãi suất cao, tiền nợ phải trả hằng tháng cũng cao sẽ là áp lực không nhỏ cho nhà đầu tư.
 
 
 
 
 
Theo VNE
buiyen