Quyết định của Bộ Tài chính ban hành lúc 9h sáng nay và có hiệu lực từ 10h. Tuy nhiên, văn bản này không đề cập tới giá bán của các loại nhiên liệu khác, ngoài xăng A92 và dầu hỏa.
Trao đổi với báo chí sáng nay, Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định cơ quan chức năng đã cân nhắc rất kỹ mức điều chỉnh giá xăng dầu, kể cả lần tăng hôm 21/7 cũng như giảm hôm nay. Theo ông Hà, lẽ ra giá xăng có thể giảm tới 2.400 đồng một lít, song doanh nghiệp vẫn lỗ do lượng hàng nhập lúc giá cao còn nhiều. Do vậy, cần san sẻ gánh nặng giữa các bên.
Giá xăng tăng hôm 21/7 gây ngỡ ngàng cho không ít người tiêu dùng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hôm nay 21/7, giá xăng dầu bán lẻ trong nước được điều chỉnh tăng trên 30% do áp lực từ thị trường thế giới, riêng xăng A92 nâng từ 14.500 đồng lên 19.000 đồng một lít. Tuy nhiên, từ đó tới nay, giá dầu thô thế giới liên tục đi xuống, từ mức trên dưới 140 USD mỗi thùng xuống 112 USD vào ngày hôm qua. Sáng nay, giá thế giới tăng trở lại, song vẫn ở mức dưới 120 USD một thùng.
Theo tính toán của giới chuyên gia, với mức giá thế giới hiện nay, nếu nhập hàng về, các đầu mối có thể lãi 4.500 - 5.000 đồng mỗi lít xăng A92 và khoảng 2.000 đồng cho mỗi lít dầu.
Trao đổi với VnExpress.net sáng nay, đại diện các đầu mối như Petrolimex, Xăng dầu Quân đội xác nhận đã nhận được quyết định của Bộ Tài chính và đang triển khai kế hoạch giảm giá bán đúng theo quy định, từ 10h.
Cách đây hơn một tuần, tại TP HCM rộ lên tin đồn tăng giá xăng khiến người dân ùn ùn đi mua nhiên liệu. Nhiều nguồn tin cho hay, có khả năng giới đầu cơ tung tin đồn nhằm tiêu thụ lượng hàng nhập với giá cao đang tồn trong kho.
Hôm nay giá xăng dầu giảm, tuy nhiên ngày mai 15/8 các hãng hàng không bắt đầu thu phụ phí nhiên liệu cho một số chặng nội địa, với mức 50.000-180.000 đồng mỗi chiều, tùy chặng.
Hồng Anh