Trải nghiệm xe ôm trên đất Thái

Admin
Lái xe ôm đất Thái đẳng cấp như…tay đua thứ thiệt, vận tốc 100 km/h được coi là…bình thường.

Nếu là người sợ cảm giác mạnh, chắc chắn bạn không dám ngồi lên xe ôm ở đất Bangkok. Khi tốc độ gần 100km/h được các bác tài coi là bình thường thì nhiều khách ngồi sau toát mồ hôi...

Cuộc đua tốc độ bất đắc dĩ 

Mặc dù Hào, một người bạn, đã cảnh báo, nhưng tôi lại rơi vào hoàn cảnh không thể không đi xe ôm ở Bangkok. Đêm 12 rạng sáng 13/4 diễn ra cuộc biểu tình của hàng vạn người dân áo đỏ đang ở đỉnh điểm, và tôi cần có tin, ảnh "nóng" gửi về Việt Nam.

Để đến được khu cách li của những người áo đỏ, tôi đứng trước hai lựa chọn: bắt taxi, hoặc đi xe ôm. Sau nhiều cái lắc đầu của tài xế taxi tôi đành chọn xe ôm. Không mũ bảo hiểm, cách tốt nhất tôi có thể làm lúc đó là ôm chặt bác tài. Giữa hai làn đường cao tốc, loang loáng đủ mọi loại xe, bác tài len lỏi, luồn lách, tôi liếc nhìn đồng hồ, vận tốc đạt gần 100km/h. Thỉnh thoảng, chiếc xe máy lại nhảy chồm lên, bốc cả đầu xe, khiến tôi như muốn văng xuống. 
 
Luôn tuân thủ xếp hàng ngay ngắn khi chờ khách

Một cú “vỉa” điệu nghệ của bác tài, cả chiếc xe và người ngồi trên xe nằm nghiêng gần sát mặt đường. Chưa hết, cú thắng gấp dừng lại ngã tư đèn xanh, đỏ khiến cả người tôi xô về phía trước như muốn đẩy bác tài lọt xuống giữa khoảng cách yên xe và tay lái.

Cách khu vực cách li biểu tình của những người áo đỏ tại khu vực tòa nhà Quốc hội, tôi và bác tài Dusak phải dừng lại theo yêu cầu của đoàn người áo đỏ. Thanh toán hơn 100 bạt (hơn 50 nghìn đồng), tôi đưa cho Dusak 500 bạt và bảo chờ bên ngoài.

Qua cửa kiểm tra của những người làm nhiệm vụ bảo vệ cho đoàn quân áo đỏ, họ yêu cầu tôi giơ tay lên để kiểm tra và cho vào. Tôi lọt vào giữa đoàn quân áo đỏ, tay lăm lăm tuýp sắt, bom xăng..., nhưng vẫn không có cảm giác lo sợ như khi ngồi sau xe ôm. 

Bên trên khán đài khu vực biểu tình, những người thủ lĩnh áo đỏ hăng hái với các bài thuyết trình chống lại chính phủ Ahbsit. Họ kêu gọi hàng vạn người chuẩn bị ra khu vực bên ngoài để chiến đấu với lực lượng an ninh. Tôi nhanh chân ra trước... Từ xa Dusak trông thấy tôi, anh ta giơ tay lên làm tín hiệu. Cuộc đua tốc độ lượt về lại được Dusak thực hiện. 

Câu chuyện giữa tôi với các bác tài xe ôm trên đất Thái tiếp diễn bên những ly cà phê, nhưng tuyệt nhiên không ai nói đến những màn rượt tốc độ. Họ trò chuyện về các câu chuyện thời sự, chính trị nhiều hơn. 

Cách thức quản lý

Natipong Thinakorn, tài xế xe ôm tại Pattaya, thuộc tỉnh Choburi của Thái Lan, cho biết anh đã hành nghề xe ôm ở đây được 13 năm và chưa bao giờ thấy nghề này nở rộ như hiện nay. Ba, bốn năm trở lại đây, số lượng người hành nghề xe ôm trên toàn tỉnh Choburi tăng vọt khoảng 20 nghìn người. Mỗi ngày Natipong chạy ít nhất cũng được hơn chục chuyến. Cả tháng anh kiếm được 8 nghìn bạt (tương đương với 4 triệu VND), đủ nuôi vợ con. Ở thủ đô Bangkok, nghề này còn phát triển và đem lại thu nhập cao hơn, do nạn kẹt xe đã trở thành nỗi kinh hoàng của người dân địa phương. Họ thường chọn xe ôm làm phương tiện đi lại cho nhanh.
 
Một bác tài xe ôm ở tỉnh Choburi xếp thẻ chờ lượt

Natipong cho biết, ở Thái Lan không bao giờ xảy ra tình trạng tài xế xe ôm tranh giành, lôi kéo hành khách. Tất cả đều mặc đồng phục, chia theo nhóm với các màu áo khác nhau, trên lưng có đánh số. Họ ngồi trên xe xếp hàng nghiêm chỉnh, đến lượt mới chạy xe chở khách. 

Từ lâu, lực lượng chạy xe ôm ở Thái có những qui định quản lý rất cụ thể và rõ ràng do chính quyền địa phương quản lý. Bất kỳ ai muốn hành nghề đều phải tuân thủ. 

Khách muốn đi xe ôm phải theo thứ tự, đến trước được đi trước. Tài xế xe ôm cũng vậy, mỗi người được cấp một số thẻ theo số áo đồng phục. Khi vào bãi chờ khách, họ phải xếp thẻ theo thứ tự, sau đó chờ đến lượt mới được chở khách. Giá cả cũng được thống nhất và công khai theo từng cung đường, khách đi xe không cần mặc cả. Chúng tôi thử tới chọn hai tài xế đứng giữa hàng thì nhận ngay những cái lắc đầu từ chối. Họ bảo đang tới phiên những đồng nghiệp xếp trước.

Ở Thái Lan tất cả bến xe ôm đều do chính quyền địa phương chỉ định. Những người hành nghề phải có đăng kí kinh doanh, và bầu ra trưởng nhóm. Trưởng nhóm có trách nhiệm quản lý các thành viên trong đội xe của mình và hàng tháng không phải đóng phí cho chính quyền địa phương. Nhưng nếu họ vi phạm kỉ luật của đội, chính quyền địa phương sẽ xử phạt. Mức phạt tối đa là tịch thu xe, cấm hành nghề xe ôm. 
 
Xe ôm được nhiều người Thái ưa chuộng do tình trạng tắc đường triền miên
 
Natipong cho biết, kỉ luật xe ôm ở Thái được thực hiện rất chặt chẽ, kể cả khi chở khách. Ví dụ, chở khách từ điểm A tới điểm C, trên đường về qua điểm B có khách vẫy cũng không được dừng lại bắt khách. Nếu có người cố tình bắt khách ở khu vực không phải của mình, trưởng nhóm hai khu vực sẽ phải gặp mặt để phân giải. Nếu hai bên không thể tự dàn xếp thì sẽ gọi cảnh sát đến xử phạt theo quy định. 

Chạy xe ôm ở Thái Lan đang được xem là một nghề thu nhập tương đối cao. Khách du lịch nước ngoài và cả người dân Thái thích sử dụng xe ôm làm phương tiện đi lại để tránh bị muộn giờ hoặc lỡ việc do kẹt xe. Đây cũng là dịp để nhìn ngắm phố phường, và... thử cảm giác mạnh. 

autovina