Là một trong 4 đội sinh viên Việt Nam tham gia Shell Eco-marathon Asia năm nay, Bio-Energy đến từ ĐH Bách Khoa Hà Nội là đội duy nhất có giải thưởng và được mời lên sân khấu nhận Cup. Cuộc thi không có giải thưởng chung cuộc, chỉ trao giải cho 2 đội đạt thành tích xuất sắc tại mỗi hạng mục, cùng một số giải thưởng theo chủ đề.
Theo quy định của Ban tổ chức, mỗi đội có tối đa 5 lượt chạy và lấy thành tích tốt nhất. Đội nào bị cảnh cáo 3 lần sẽ bị hủy mọi kết quả. Sau 4 lượt, Bio-Energy quyết định dừng lại và duy trì con số được ghi nhận là 455,4 km/lít nhiên liệu. Cách rất xa đội đứng đầu đến từ Thái Lan, với 2.903 km/lít ethanol, cũng là chặng đường dài nhất mà các nhóm thí sinh đạt được với mỗi lít nhiên liệu tại cuộc thi năm nay, nhưng Bio-Energy cũng bỏ khá xa đội đứng thứ 3 cùng hạng mục đến từ Indonesia, với 291 km/lít.
Trước khi sang Sepang, Bio-Energy dự tính sẽ đạt thành tích từ 300 đến 400 km/lít nhiên liệu. Kết quả thực tế cao hơn mong đợi cũng không quá bất ngờ, bởi đường đua thực tế tốt hơn nhiều so với đường chạy thử ở nhà. Đội đã phải thử sản phẩm ở ngay sân vận động của ĐH Bách Khoa Hà Nội. Đường pit bằng bê tông gồ ghề cùng thiết bị đo không chuẩn chỉ có thể cho kết quả tương đối. Năm ngoái đội thi trong nhóm sử dụng xăng và không có kết quả cao.
Ba đội còn lại của Việt Nam tham gia cuộc thi ở những hạng mục khác. BK-Ice của ĐH Bách Khoa TP HCM và AT-HUI 01 của ĐH Công nghiệp TP HCM đều thi đấu ở hạng mục xe Prototype chạy xăng. Riêng AT-HUI 02 cũng của ĐH Bách Khoa HN đăng ký thi xe Prototype chạy dầu.
Các hạng mục khác của cuộc thi chia theo 2 thể loại chính là xe Prototype và xe UrbanConcept, với những loại nhiên liệu khác nhau như hydro, xe điện, năng lượng mặt trời, xăng, dầu, ethanol...
Xe Prototype là những sản phẩm chạy thử, nơi sinh viên thể hiện sự sáng tạo và ứng dụng những công nghệ như giảm lực cản của xe đua F1. UrbanConcept ưu tiên tính thực tế và dễ ứng dụng ngoài đời. Prototype chỉ có 3 bánh, còn UrbanConcept giống những chiếc xe thực tế chạy ngoài đường hơn và có 4 bánh.
Shell Eco-marathon 2012 có 119 đội sinh viên đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ từ châu Á và Trung Đông tham gia tranh tài. Nhưng chỉ có 109 sản phẩm trong số này vượt qua vòng kiểm tra kỹ thuật của Ban tổ chức. Và chỉ có 52 đội có kết quả được ghi nhận, bởi nhiều đội không vượt qua vòng kiểm tra an toàn, yếu tố quan trọng hàng đầu của cuộc thi, hoặc phạm quy 3 lần trên đường chạy.
Cả 4 đội sinh viên Việt Nam đều có kết quả được ghi nhận. Và dù được giải hay không, với tất cả, vượt mục tiêu đề ra, học hỏi được kinh nghiệm từ đội bạn, đúc kết từ những trải nghiệm thực tế quý giá cho những lần cọ xát tiếp theo.
Shell Eco-marathon khởi đầu vào năm 1939, từ một cuộc thi nhỏ giữa hai nhà khoa học làm việc tại phòng thí nghiệm của Tập đoàn Shell tại Mỹ. Hai người thi xem ai có thể đi quãng đường xa nhất với một gallon (tương đương 3,78 lít) nhiên liệu. Người thắng cuộc khi đó đạt mức 21 km. Từ năm 1985, cuộc thi chính thức ra đời tại Pháp. Đến tháng 4/2007, Shell Eco-marathon được tổ chức tại Mỹ và có mặt ở châu Á từ năm 2010 tại Malaysia.
(theo vnExpress)