Điều thú vị nằm sau “bộ mặt” xe hơi

Svetlauz
Để phân biệt những chiếc xe có hình dáng na ná như nhau, người ta làm thế nào? Những nhà thiết kế ô tô luôn chọn phía trước xe làm điểm nhấn cho tác phẩm của mình.

Có thể nói bước đột phá đầu tiên là từ năm 1901 với ý tưởng về lưới tản nhiệt hình tổ ong và hai đèn pha. Từ đó tới nay, lưới tản nhiệt, đèn pha và thanh cản sốc đã thành cố định ở phía trước một chiếc ô tô.
 
Là một sản phẩm công nghiệp nhưng có thể bao hàm phép nhân trắc, ô tô có khả năng thể hiện một hình ảnh thật nào đó, cảm xúc của con người là một ví dụ. Theo Dan Hill, một chuyên gia phân tích nét mặt người thì có 7 cảm xúc biểu hiện tiêu biểu: hạnh phúc, tức giận, phẫn nộ, coi thường, buồn bã, lo sợ và ngạc nhiên. Tuy nhiên, để chiếc xe có thể thể hiện một trong những cảm xúc này thì không phải là điều dễ vì đồng thời, chúng cũng phải nói lên được thông điệp lớn mạnh về thương hiệu của mình.
 
Lịch sử thiết kế mặt tiền cho những chiếc xe bốn bánh này cũng chứa đựng nhiều chi tiết thú vị. Người ta thường so sánh hai chiếc đèn pha với đôi mắt, và nằm chính giữa là lưới tản nhiệt, giống như chiếc mũi trên mặt người. Lưới tản nhiệt và khoảng cách cũng như kích cỡ của những chiếc đèn luôn là yếu tố mà các nhà thiết kế cần dành rất nhiều tâm huyết.
 
Năm 1941, Art Ross đã tạo ra cho Cadillac kiểu lưới tản nhiệt “bia mộ” vô cùng đặc trưng và từ đó đến nay, những chiếc xe của Mỹ gần như là gắn chặt với kiểu dáng lưới tản nhiệt này.
 
Những năm 50 thế kỷ trước, mặt trước cũng có thay đổi khi có thêm thanh chắn sốc. Các lưới sắt tỏ ra chiếm ưu thế trong việc tạo nên cá tính cho xe. Trên một số tạp chí đương thời như Road và Track, chúng được gọi với những cái đáng yêu như chiếc Oldsmobile 1948 “Miệng cá ngão” hay Buick 1950 “Răng hô” -. Từ cảm hứng trước những tấm lưới sắt nhưng có hình dáng mềm mại, người ta đã nhân cách hóa chúng vô cùng sống động trong các bộ phim hoạt hình, mà điển hình như: Batmobile, Herbie hay Christine.
 
Vào những năm 60, kiểu đèn pha đôi rất thịnh hành. Lần đâu tiên khi người ta giới thiệu chi tiết này thì đã có người thử nghiệm đèn bốn, giống như cái cụm đèn đứng của Mecerdes, nhưng rốt cuộc thì mô hình đèn đôi cũng sớm trở thành chuẩn. Thỉnh thoảng cũng có một vài phá cách bằng việc sử dụng đèn ba, nhưng chỉ được coi như mở rộng của lý thuyết trên: chiếc SZ của Alfa Romeo và gần đây là Brera.
 
Vì gần như các chi tiết này đã trở thành một khuôn mẫu, do đó thỉnh thoảng người ta cũng cần phải làm gì đó để cho có chút khác biệt, giống như cần gạt nước trên đèn pha của Saab những năm 80 làm cho nó có vẻ giống đang chảy nước vậy. Geoff Lawson, cựu trưởng bộ phận thiết kế của Jaguar từng tếu táo rằng sự khác biệt giữa một con mèo và một con lợn chỉ khoảng nửa inch (1,27cm) sau khi ông quan sát nhiều mẫu xe khác nhau.
 
 
Không dừng lại lấy cảm hứng từ khuôn mặt con người, các nhà thiết kế bắt đầu dùng các hình ảnh thực sống động của loài vật để làm hình mẫu cho tác phẩm của mình. 5 loài vật hay được lấy ra làm hình mẫu nhất, đó là: mèo hoang, chim dữ, ếch, bò sát và cá – đặc biệt là cá mập.
 
Một mẫu xe được coi là thành công phải có thiết kế rõ ràng và toát lên được thần thái của hình mẫu mà nó thể hiện, ít nhất là ở 2 chi tiết (phổ biến nhất vẫn là đèn pha và lưới tản nhiệt, tương đương với mắt và mũi). Nếu ít hơn, tự nhiên thiết kế đó sẽ nhạt nhòa và thậm chí mang hơi hướng biếm họa. Nếu thiết kế chưa với tới “tầm” cần thiết, đương nhiên khách hàng khó có thể chấp nhận một hình mẫu không hoàn hảo.
 
Sự rõ ràng và mơ hồ có khi rất dễ nhận biết. Có khi chỉ cần nhìn cách bố trí tròn của hệ thống đèn pha, khách hàng đã có thể biết nó có nguồn gốc từ nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa, cả chiếc 356 nguyên bản của Porsche lẫn chiếc Beetle mới đều sử dụng chi tiết này.
 
 
Nhưng đôi khi thì người ta cũng không thể hiểu nổi dụng ý của người thiết kế, ví dụ với chiếc Peugeot 207. Nhìn nó, ta thấy được cả hình ảnh đôi mắt mèo của nàng Sophia Loren lẫn một chiếc miệng rộng đang há ngoác ra, một tấm chắn của võ sĩ quyền anh và hai đèn chống sương mù giống như hai nốt ruồi duyên ẩn dấu nơi phía góc thấp. Đầu xe lại giống như chiếc mũi đen của một chú mèo nhỏ, và vì thế nó là sự hòa trộn của nhiều yếu tố: sự dịu dàng nữ tính, mạnh mẽ nam tính lại có sự hoang dã của loài vật. Rốt cuộc thì thông điệp của Peugoet là gì? Và điều gì đã xảy ra với thị hiếu tinh tế trong thiết kế của người Pháp? Điều này thì may ra chỉ có nhà sản xuất mới hiểu nổi.
 

Theo TGOT
buiyen