Cách trung tâm Hà Nội hơn 20 Km theo hướng Hòa Lạc, chùa Tây Phương tọa lạc trên núi Tây Phương thuộc xã Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Tây (cũ). Theo các tài liệu để lại thì chùa được xây từ đời Cao Biền (865 – 875).Vào niên hiệu Chính Hoà (1680-1705), Tây Vương Trịnh Tạc đi qua thấy cảnh trí trang nghiêm, bèn truyền cho sửa chữa lại chùa và xây tam quan. Tuy nhiên, sau đó chùa bị phá và được xây lại trên nền cũ vào khoảng năm 1788 – 1789 dưới triều Tây Sơn.
Chùa Tây Phương xây 3 toà xếp thành hình chữ tam (=), nhìn bề ngoài mỗi toà có hai tầng, 8 mái và 8 đầu đao cong vút. Toà giữa hẹp nhưng cao hơn toà thượng và hạ. Do xếp hình chữ tam, không nối liền mà mỗi toà cách nhau một quảng nhất định, thềm toà nọ cách thềm toà kia là 1m60, nên nội thất mỗi toà đều được chiếu sáng. Các toà nhà gạch trần theo hình cong và được chạm trổ theo kiểu "bán âm, bán dương", hay kiểu "sắc sắc không không" theo triết lý nhà Phật. Phía trong chùa dựng theo lớp chồng giường thống nhất, chồng cột có xà đỡ.
Nghệ thuật trang trí kiến trúc Chùa Tây Phương được biểu hiện qua các đề tài: rồng phượng, hoa, lá ở trên các vì xà, van nong... với kỹ thuật chạm bẹt (chạm nông).
Đến chùa Tây Phương, du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng 62 pho tượng Phật. Đây là những di sản quý giá mà các nghệ nhân đã khổ công tạo tác một cách tinh vi, sinh động nhất là 18 pho tượng vị La hán.
Điểm dừng chân tiếp theo không kém phần nổi tiếng là chùa Thầy – một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, gắn liền với cuộc đời của Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Trước khi vào chùa, khách tham quan có thể nhìn thấy ngay hồ Long Chiểu tạo thành hàm của rồng. Từ sân này có hai cầu là Nhật Tiên và Nguyệt tiên nối sang hai bên, tạo thành hai râu rồng. Ở giữa hồ, có Thủy đình vốn là nơi diễn ra trò rối nước mà Từ Đạo Hạnh được cho là ông tổ của nghề này.
Phần chính của chùa Thầy gồm ba tòa song song với nhau gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Giữa chùa Hạ và chùa Trung có ống muống nối với nhau, tạo thành thế hạ công thượng nhất. Trong chùa là hệ thống các pho tượng có từ ngàn xưa, trong đó các pho đẹp nhất được tập trung tại chùa Trên.
(Thiền sư Từ Đạo Hạnh)
Ngoài ra còn phải kể đến hệ thống chùa trên núi: chùa Cao – vốn là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên, chợ Trời với nhiều tảng đá hình bàn ghế, kệ bày hàng, … hang Cắc Cớ - là nơi tình tự của các trai gái ngày xưa trong những ngày hội hè, đền Thượng với hang Bụt Mọc, hang Gió và cuối cùng là chùa Bối Am hay còn gọi là chùa Một Mái.
Như vậy, xung quanh núi Thầy, ngoài chùa Thầy còn có cả một cụm kiến trúc Phật giáo được xây dựng trong khoảng thời gian khác nhau.
Thuận tiện về đường đi, có thể đi trong ngày nên tận dụng những ngày nghỉ ngắn ngày rất hợp lý. Trước khi đi, bạn có thể tự chuẩn bị đồ ăn nhẹ ở nhà mang theo nhất là khi đi đúng dịp lễ hội. Đặc biệt ở chùa Thầy, du khách nên chuẩn bị sẵn cho mình một đôi dép lê hoặc giầy thể thao leo núi vì địa hình ở đây chủ yếu là núi đá rất trơn, nhất là khi có mưa. Hiện tượng buôn thần bán thánh tuy không tác oai tác quái như trước nhưng cũng nên đề phòng trước những lời mời gọi góp tiền mua miếng tài lộc,…
Bạn có thể nhờ những người dân địa phương làm hướng dẫn viên du lịch khi đi thăm thú cảnh quan, tuy nhiên nên có sự mặc cả trước và cẩn thận hỏi giá trước những dịch vụ ven đường.Trước khi xuống hang Cắc Cớ, nếu chưa có đèn pin bạn nên thuê vì đường xuống hang khá tối và nguy hiểm.
Chi phí không cao, không mất nhiều thời gian,… lại có những giây phút thư thái trong không gian Phật, giữa một không gian thiên nhiên mở sẽ giúp cho những cái đầu căng thẳng vì công việc lắng lại….
Nguyễn Liên