Không giống giải Grand Prix, đua đường trường thường chọn các loại đường rải nhựa, sỏi hoặc mặt băng/tuyết. Vì lý do đó, nhà cung cấp lốp cho giải đua, cụ thể là hãng Pirelli, buộc phải đổ hàng triệu USD vào việc phát triển các loại lốp khác nhau. Thêm vào đó, thời tiết cũng là một yếu tố tác động đến kế hoạch phát triển của hãng. Ví dụ, trời mưa có thể ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi của mặt đường từ khô sang ướt hoặc trơn trượt. Mặc dù chỉ nêu tên 3 loại đường được sử dụng trong WRC, chúng ta cũng nên nhắc đến những đặc tính đa dạng của từng loại phụ thuộc vào điều kiện. Đường rải sỏi được chia làm 3 loại: nhiều đá, bụi và đá nứt nẻ. Đường rải nhựa có 2 loại: nhẵn và nhám. Còn lại là đường phủ tuyết với hai loại: tuyết và băng. Đấy là còn chưa kể đến những loại đường hỗn hợp (phần lớn là đường nhựa với đường sỏi).
Trong các sản phẩm của hãng Pirelli thì lốp đường nhựa là loại phổ biến nhất. Trên thực tế, theo hãng sản xuất đến từ Italia, lốp đường nhựa xuất hiện trong giải WRC được chế tạo dựa trên công nghệ sử dụng cho loại lốp tính năng siêu cao.
Lốp Pirelli Scorpion.
Mặt ngoài của lốp đường nhựa hiển nhiên là rộng hơn lớp bên trong nhằm cải thiện bề mặt tiếp xúc giữa lốp và mặt đường tại khúc cua. Bên cạnh đó, những đường rãnh mặt trong của lốp có tác dụng tăng khả năng điều khiển xe trên đường nhựa ướt vì chúng cung cấp thêm độ bám và xử lý vấn đề màng nước. Loại lốp được sử dụng trong giải WRC có hai loại hợp chất: mềm và cứng sao cho phù hợp với đường nhựa trơn nhẵn lúc trời mưa hoặc nhám. Hơn thế nữa, hợp chất mềm được dùng trong các giải đua đường trường bao giờ cũng có nhiệt độ thấp để tránh tình trạng nhanh mòn, còn loại cứng thì nóng hơn.
Lốp Pirelli Pzero dành cho đường nhựa.
Đối với loại lốp đường sỏi, hãng Pirelli phải sản xuất phức tạp hơn. Lý do là vì quá trình lái có phần thô bạo và mất sức trên đường rải sỏi thường dồn lực lớn lên lốp. Thế nên lốp đường sỏi trong WRC sở hữu cấu trúc hoàn toàn khác so với loại dùng cho đường bộ, nghĩa là hợp chất của nó bền vững hơn.
Như các bạn đã biết, khu vực dễ bị thủng nhất là mặt ngoài của lốp. Nếu từng xem bất kỳ đoạn video nào ghi lại cảnh những chiếc xe ôm cua để rút ngắn thời gian về đích trên những đường đua rải sỏi khác nhau trong WRC, bạn sẽ hiểu rõ hơn. Trong suốt đoạn cua, lốp rất dễ bị rách khi lướt qua những viên đá sắc nhọn trên đường. Do đó, hãng Pirelli phải gia cố khu vực đặc biệt này trong toàn bộ cấu trúc lốp đồng thời thiết kế loại ta lông chuyên dụng nhằm cải thiện độ bám trên đường sỏi.
Ngoài ra, lốp đường sỏi sản xuất bởi hãng Pirelli còn ứng dụng công nghệ run-flat cho phép người lái tiếp tục điều khiển xe đến tận vạch đích dù lốp bị thủng mà không tốn thời gian thay thế hoặc phải dừng đua. Nhiệm vụ của lốp run-flat chính là ngăn cản tác động xì hơi khi bị thủng, từ đó cho phép tay đua lái xe với tốc độ dưới 100 km/h cho đến khi chạm điểm kiểm tra gần nhất. Tương tự lốp đường nhựa, lốp đường sỏi (hay còn gọi là Scorpion) cũng đi kèm hai hợp chất cứng và mềm dành cho bề mặt bùn hoặc hẹp.
Lốp Pirelli SottoZero “Ice” dành cho đường băng.
Cuối cùng là lốp đường tuyết với hai loại chính dành cho bề mặt phủ tuyết hoặc băng. Với bề mặt phủ tuyết (ví dụ đường đua đường trường tại Thụy Điển), lốp được trang bị thêm lớp đinh trên bề mặt (cao khoảng 1,5 mm) giúp cải thiện độ bám.
Hiển nhiên, vì đường tuyết được chia thành ít nhất 2 loại mềm và cứng nên đinh có thể tách ra khỏi bề mặt lốp nhằm tăng khả năng hoạt động cho xe. Tùy theo điều kiện, người lái sẽ quyết định nên dùng đinh tán hay trung thành với loại thiết kế ta lông tuyết thông thường. Loại lốp này được gọi là Sottozero (dưới 0°) “Snow”, khác với Sottozero “Ice” vốn chỉ xuất hiện trên những bề mặt băng (ví dụ đường đua Na Uy).
Trên băng, rõ ràng toàn bộ lốp đều phải đi kèm đinh tán. Vì vậy, hãng sản xuất Italia đã thiết kế một công nghệ đặc biệt giúp gắn đinh tán trên bề mặt lốp “ngay trong quá trình sản xuất”. Nhờ đó, người lái không thể quyết định có dùng đinh hay không dù chẳng phải ai cũng thích phương án này.