Ngoài việc học cách điều khiển xe thành thạo và xử lý các tình huống phát sinh trên đường, một lái xe giỏi nên trang bị thêm kỹ năng phát hiện và ứng phó những “căn bệnh” thường gặp của xe.
1. Phải làm gì khi vô lăng rung lắc ?
Vành xe bị cong, mất cân bằng...có thể là nguyên nhân khiến vô lăng bị rung lắc (Ảnh: Wisegeek)
Trong quá trình sử dụng xe, bụi bẩn tích tụ lâu ngày có thể làm bẩn phanh, gây ra hiện tượng rung lắc vô lăng. Điều này gây khó chịu cho không ít lái xe trong quá trình cầm lái.
Nguyên nhân:
Vành xe bị cong, mất cân bằng, thiếu đai ốc, thước lái, bu lông...Trong nhiều trường hợp, đĩa phanh (đối với phanh đĩa) hoặc tang trống (đối với phanh trống, phanh cơ) bị mất cân bằng, bám gỉ sét...dẫn tới vòng quay không ổn định. Bạn sẽ cảm nhận rõ điều này khi phanh tốc độ thấp và vô lăng bị lắc mạnh, đôi khi bị giằng vô lăng và bạn không thể cua xe theo ý muốn. Tình trạng này kéo dài sẽ nhanh làm mòn má phanh, lâu dần, khiến không chỉ vô lăng mà toàn thân xe bị rung lắc mạnh. Chưa kể nguy hiểm khi đối diện với nguy cơ mất kiểm soát lái trên đường và gặp tai nạn.
Khắc phục:
Khi phát hiện đĩa phanh bị cong vênh ở mức độ nhỏ, lái xe có thể khắc phục bằng cách tiện một lớp kim loại mỏng trên bề mặt để giảm hiện tượng rung lắc vô lăng khi phanh. Nếu đĩa phanh đã quá cong vênh, nhiều vết xước, tốt hơn hết bạn nên thay mới đĩa phanh.
Khi vô lăng bị rung lắc do mất đai ốc, hãy ngay lập tức thay ốc mới cho hệ thống lái. Đồng thời, tiến hành bảo dưỡng toàn bộ hệ thống lái, siết chặt các đai ốc, tra dầu mỡ...
2. Hệ thống phun xăng điện tử gặp trục trặc:
Đôi khi, hệ thống phun xăng điện tử gặp lỗi và khiến động cơ vận hành kém hiệu quả (Ảnh: Van)
Nếu bạn thấy xe bị chết máy đột ngột, không khởi động được hoặc xăng bị “ngốn” nhanh bất thường, đó có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống phun xăng điện tử đang gặp vấn đề.
Nguyên nhân:
Trong quá trình phun xăng, một số xe bị tắc kim phun do xăng đổ vào lẫn nhiều tạp chất, khiến dù đổ xăng nhiều nhưng vẫn không đủ để động cơ hoạt động, xe yếu và hay chết máy. Bạn nên nhanh chóng nhờ tới sự trợ giúp của các hiệu bảo dưỡng ôtô để kiểm tra hệ thống phun xăng.
Khắc phục:
Khi thấy đèn check engine không sáng, lái xe có thể tự kiểm tra để phát hiện các dấu hiệu rò rỉ đường ống dẫn xăng xuống động cơ. Trong trường hợp xuất hiện rò rỉ, cần mang xe tới các tiệm sửa chữa để hàn lại các vết rò rỉ này, tránh thất thoát nhiên liệu một cách đáng tiếc.
3. Động cơ quá nóng:
Động cơ quá nóng nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn tới các chi tiết quan trọng bị hỏng (Ảnh: Otopro)
Nguyên nhân:
Có nhiều nguyên nhân khiến động cơ ôtô bị nóng quá mức cho phép, trong đó nguyên nhân chủ yếu do: dùng không đúng dầu bôi trơn, dầu bôi trơn bị thiếu hoặc được sử dụng trong thời gian quá lâu. Trên thực tế, các xe chở quá tải hay gặp phải tình trạng này, trong nhiều trường hợp, nước làm mát thậm chí bị sôi, gây ra thiệt hại ở nhiều chi tiết quan trọng khác.
Khi gặp tình trạng này, nếu chủ xe không xử lý kịp thời, sẽ góp phần phá hủy các chi tiết khác ở động cơ và tắc đường ống nước làm mát.
Khắc phục:
Nhanh chóng tắt máy động cơ và lái xe vào gara gần đó nhất để được kiểm tra. Bạn có thể sẽ cần thay mới dầu bôi trơn và nước làm mát để động cơ hoạt động trở lại.
4. Máy điều hòa không khí bị lỗi:
Sau thời gian dài hoạt động, điều hòa ôtô cũng có lúc gặp trục trặc ngoài ý muốn (Ảnh: Megapopust)
Giống như các chi tiết khác trên ôtô, sau một thời gian dài hoạt động liên tục, sẽ có một lúc nào đó bạn thấy điều hòa ôtô đột nhiên gặp vấn đề. Thời gian làm mát chậm, độ lạnh không thật sự như ý muốn. Nhiều khi chỉ cảm nhận hơi nóng chứ không thấy gió lạnh.
Nguyên nhân:
Chất làm lạnh không đủ để điều hòa thật sự tỏa hơi mát như bạn muốn. Hoặc do dây cu-roa nối động cơ với máy nén bị chùng, khiến máy nén không thể nén chất làm lạnh tới áp suất cần thiết. Đôi khi, nguyên nhân còn bắt nguồn từ giàn lạnh quá bẩn khiến dòng gió bị cản và tản nhiệt ra xung quanh, làm giảm hiệu quả làm lạnh.
Khắc phục:
Hãy mang xe tới gara để nạp thêm lưu chất. Đồng thời, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, lái xe có thể tự kiểm tra bằng cách chạm vào ống dẫn ga, nếu cảm nhận hơi ấm ở đường cao áp và mát ở đường thấp áp là ổn. Theo quy định của nhà sản xuất, ống cao áp luôn có đường kính nhỏ hơn ống thấp áp và khi nhiệt độ giữa hai ống này không chênh lệch quá nhiều, điều hòa ôtô của bạn rất có thể đang gặp sự cố. Khi đó, bạn hãy để động cơ ở số vòng quay 1.500 vòng/phút, đặt máy lạnh ở chế độ lớn nhất. Sau 5 phút, đo nhiệt độ cabin và nhiệt độ gió thổi từ giàn lạnh. Nếu nhiệt độ ở mức cao, bạn cần kiểm tra lại toàn bộ hệ thống.
5. Phanh xe không “ăn” như thường lệ ?
Kiểm tra phanh xe cũng là thao tác quan trọng không kém bởi phanh xe quyết định lớn tới sự an toàn của bạn (Ảnh: Plus.google)
Mọi chi tiết trên xe đều sẽ bị lão hóa sau một thời gian dài sử dụng. Khi bạn nhấn phanh mạnh nhưng cảm thấy phanh không thật sự “ăn” hoặc tốc độ của xe không giảm, đó là dấu hiệu cho thấy má phanh đã quá cũ mòn.
Nguyên nhân:
Má phanh cũ mòn nhưng không được điều chỉnh tăng hoặc đã tăng hết giới hạn. Ngoài ra, má phanh đã bị trơ lì, dầu mỡ bám trên bề mặt phanh cũng khiến phanh gặp hiện tượng này.
Đôi khi, bạn có thể nghe thấy phanh có tiếng kêu. Đó là dấu hiệu cho thấy tang trống cần được kiểm tra và xử lý ngay. Trong một số trường hợp, lái xe cảm nhận sự “bó phanh”. Đó là do trục quả đào mòn không đều hoặc bị khô dầu, hoặc sau khi bạn rửa xe nhưng gặp mưa ngay sau đó, sẽ dẫn tới hiện tượng mút phanh khi đạp và phanh bị bó cứng.
Khắc phục:
Thường xuyên vệ sinh xe, đặc biệt sau khi chạy đường dài trên địa hình nhiều bùn đất, cát bụi. Tra dầu mỡ định kỳ tại các vị trí khớp nối dẫn động và dây phanh để phanh luôn hoạt động hiệu quả. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường xảy đến với phanh, bạn cần tìm đến các gara uy tín để được kiểm tra và sửa chữa kịp thời.
Tổng hợp