Khi một chiếc Nissan X-Trail đi off-road

Admin
(Autovina) - Nissan X-Trail vốn là chiếc xe dành cho đô thị là chính, nhưng với một địa hình bùn đất trơn trượt hơn, chiếc xe này sẽ thể hiện ra sao?

>> xem Album ảnh Nissan X-Trail SV 2.54 WD off-road

Nissan X-Trail là mẫu crossover có ba hàng ghế kiểu 5+2 hướng đến khách hàng tại các đô thị. Vậy một chiếc xe chủ yếu để chạy đường thành thị này sẽ ra sao khi rơi vào địa hình đồi núi hay sình lầy trơn trượt. Chúng tôi đã phần nào tìm ra câu trả lời khi có dịp trải nghiệm phiên bản 2.5 4WD của chiếc Nissan X-Trail.

Khi một chiếc Nissan X-Trail đi off-road

Phiên bản 2.5 4WD hiện là phiên bản cao nhất của X-Traill được Nissan phân phối tại Việt Nam với mức giá bán đề xuất là 1 tỷ 198 triệu đồng. Ngoài một số trang bị tiện nghi, tính năng hỗ trợ lái được bổ sung so với hai phiên bản thấp cấp hơn. thì điều mà chúng tôi quan tâm đó là động cơ 2.5 kết hợp hệ dẫn động 4WD sẽ hoạt động ra sao, đặc biệt là ở điều kiện đường xá khó khăn.

Khi một chiếc Nissan X-Trail đi off-road

Đúng là với X-Trail thì chắc hẳn chẳng ai mong muốn đưa chiếc xe này vào các cung đường "khó nhằn" để làm gì. Nhưng cuộc sống thì luôn có bất ngờ, vì vậy một tay lái thực sự cũng phải biết cách xử lý các tính huống không ngờ có thể xảy đến.

Nhưng trước khi đi vào cuộc kiểm tra khả năng vượt địa hình của X-Trail, chúng ta hãy cùng xem ở phiên bản cao cấp nhất này, mẫu crossover 5 chỗ có những gì?

Phân khúc crossover có thể nói là bùng nổ mạnh trong một vài năm gần đây trên toàn cầu cũng như Việt Nam. Giờ đây trong danh mục xe của mình, hầu hết các hãng đều có một đến vài sản phẩm thuộc phân khúc này. Vì vậy sự cạnh tranh cũng gắt gao hơn, với Nissan Việt Nam, trước X-Trail, hãng xe gần như không có một mẫu crossover thực sự hội tụ đủ các yếu tố phù hợp với nhu cầu người Việt. Chiếc Juke thì nhắm tới phân khúc khách hàng còn quá nhỏ, nên X-Trail là sự bổ sung rất hợp lý.

Khi một chiếc Nissan X-Trail đi off-road

Đến muộn hơn khá nhiều so với các đối thủ mạnh như Mazda CX-5, Honda CR-V, buộc Nissan X-Trail phải sở hữu cho mình những đặc điểm mới lạ để tạo nên sự khác biệt. Và điểm nhấn mà X-Trail mang lại đó là tích hợp nhiều công nghệ an toàn, vận hành cũng như tiện ích hàng đầu trong phân khúc.

Có thể kể đến hoàng loạt các trang bị tiên tiến như: hệ thống kiểm soát khung gầm chủ động (tích hợp 3 hệ thống hỗ trợ gồm: Hệ thống kiểm soát lái chủ động, hệ thống kiểm soát phanh động cơ chủ động, hệ thống kiểm soát vào cua chủ động).

Ngoài ra còn có Hệ thống kiểm soát cân bằng xe, hệ thống phanh chủ động hạn chế trượt bánh, hệ thống kiểm soát độ bám đường...Bên cạnh đó là hệ thống camera 360, tính năng hỗ trợ khởi hành ngang dôc, hỗ trợ đổ đèo, kiểm soát hành trình và 6 túi khí.

Khi một chiếc Nissan X-Trail đi off-road

Liệt kê ở trên mới thấy Nissan hướng tới một chiếc X-Trail sở hữu nhiều trang bị an toàn đến nhường nào, nhỉnh hơn một số đối thủ như Honda CR-V, Mazda Cx-5 ở phương diện này. Và thực sự khi cầm lái phiên bản cao cấp nhất của mẫu xe này trên đường nhựa cũng như đường địa hình bùn đất hay sỏi đá, chúng tôi cảm nhận rõ giá trị mà một loạt hệ thống trên mang lại.

Nếu ở trên cung đường nhựa on-road: Điều gây ấn tượng với chúng tôi là hệ thống giảm xóc. Mặt đường tại Việt Nam không lấy mấy làm bằng phẳng dù ngay ở trên cao tốc, các đoạn nhấp nhô vẫn xuất hiện. Khi chạy qua những đoạn đường trên ở tốc độ 100 km/h, chiếc X-Trail luôn giữ được sự đầm chắc, cảm giác hẫng, hay bồng bềnh gần như được nhanh chóng triệt tiêu, vì vậy người ngồi trong xe không thấy nôn nao.

Khi một chiếc Nissan X-Trail đi off-road

Về khả năng tăng tốc, sau vài lần thử nghiệm, chúng tôi cho ra kết quả xe tăng tốc từ 0-100km/h trong khoảng 10,4 giây (ở chế độ cấp số ảo), thời gian sẽ tăng thêm khi chuyển sang chế độ lái tiết kiệm là ECO. So với phiên bản 2.0 trong lần thử nghiệm trước, bản 2.5 này mang lại cảm giác tăng tốc nhanh nhạy hơn.

nissan x-trail off-road

Tất nhiên X-Trail không phải là mẫu xe dành cho ai muốn tìm kiếm kiểu lái tốc độ, mạnh mẽ. Vì vậy, xe tăng tốc kiểu từ tốn, đặc biệt là ở dải tốc độ từ 0- 40 km/h, tiếng máy nghe lớn. Sau đó, chiếc xe sẽ duy trì tốc độ 100 km/h ở vòng tua khoảng 1.600 vòng/phút. Điểm này phù hợp cho các khách hàng mới mua xe, hoặc kinh nghiệm lái còn ít sẽ không bị lo sợ xe tăng tốc quá nhanh, đột ngột mà dẫn đến mất kiểm soát. Vô lăng được trợ lực điện khi chạy tốc độ cho sự chắc chắn, khi bỏ cả hai tay, độ rung lắc dù nhỏ cũng không thấy xuất hiện.

Khi một chiếc Nissan X-Trail đi off-road

Khi ôm cua nhanh, chúng tôi cũng cảm nhận độ chắc và bám đường của xe. Đặc biệt với các hệ thống hỗ trợ can thiệp trực tiếp vào việc điều khiển xe, chiếc X-Trail mang đến khả năng vào cua thật sự ổn định. Thực tế, chúng tôi có lúc đã đẩy chiếc xe chạy lên 80 km/h và ôm cua gấp. Lúc này, hệ thống an toàn trên xe kích hoạt và nhận biết dấu hiệu bất thường của xe (như tốc độ, góc đánh lái), tiếp đến hệ thống bướm ga tự điều chỉnh khép lại. Cho nên, dù cố đạp thêm ga nhưng tốc độ và vòng tua máy của xe không tăng mà chỉ giảm xuống. Điều này đảm bảo sự an toàn, còn với người ngồi trên xe, sự rung giật cũng được tiết giảm bớt.

nissan x-trail off-road

Nissan trang bị cho X-Trail hộp số CVT với 7 cấp số ảo thể thao, trong khi Honda CR-V là hôp số 5 cấp còn Mazda CX-5 là 6 cấp. Điểm này giúp xe chuyển số êm ái và tiết kiệm nhiên liệu ở dải tốc độ thấp hoặc cao. Tuy nhiên so với CX-5, X-Trail lại thua kém về mã lực (khoảng 15 mã lực) lẫn mô men xoắn.

nissan x-trail off-road

Như vậy, ở đường nhựa, các yếu tố quan trọng mà người lái thường xuyên đối diện là vào cua, độ vọt, cảm giác vô lăng...chiếc X-Trail hoản toàn đáp ứng tốt. Duy chỉ có điều là độ ồn từ lốp khi chạy cao tốc dội lên là khá rõ ràng, gây đôi chút khó chịu. Một lưu ý với người dùng là phanh tay của xe được chuyển xuống dưới khu vực chân phanh và ga, nên với những ai quen dùng tay phanh đặt ở trên sẽ đôi chút lúng túng ban đầu.

Còn với cung đường off-road (đường bùn đất): X-Trail lại mang đến cảm giác ngỡ ngàng cho chúng tôi về khả năng băng vượt địa hình của mình. Dĩ nhiên với khoảng sáng gầm cao chỉ đạt 210 mm, những hốc đá hay hố sâu sẽ buộc X-Trail phải lùi bước. Nhưng một chiếc xe phục vụ chạy đường thành thị là chính, thì việc đó cũng không quan trọng. Vậy nên chúng tôi chỉ thử nghiệm chiếc xe ở đoạn đường bùn đất ẩm ướt và đôi chút lầy. Đây cũng là kiểu đường mà người dùng X-Trail có thể sẽ hay gặp phải khi đưa chiếc xe về vùng nông thôn.

Khi một chiếc Nissan X-Trail đi off-road

Để vượt qua đoạn đường đất bùn phía trước, chúng tôi xoay núm chuyển hệ dẫn động từ cầu trước (2WD) sang chế độ Auto, lúc này biểu tượng Auto màu vàng sẽ nhấp nháy trên mặt đồng hồ. Auto là chế độ tương tự như 2WD nhưng xe sẽ tự động kích hoạt thêm cầu sau khi các cảm biến nhận ra bánh trước mất độ bám. Để ở chế độ này, chiếc X-Trail ban đầu bị rê trượt chút xíu nhưng cũng dần dần tiến được lên con dốc với mặt đường sình lầy.

Khi một chiếc Nissan X-Trail đi off-road

Tuy nhiên khi gặp phải đoạn lưng chừng dốc sình lầy hơn, chúng tôi buộc phải chuyển sang chế độ 4WD LOCK bằng cách xoay nút sang phải. Lúc này lực kéo được phân bổ đều giữa hai trục. Độ trơn trượt giảm xuống, xe cũng cho cảm giác mạnh hơn, "lì lợm" hơn khiến việc vượt dốc dễ dàng hơn. Còn khi xuống dốc, chúng tôi lựa chọn một con dốc có độ dốc lớn hơn với bề mặt sỏi đá, lúc này bật chế độ hỗ trợ đổ đèo, xe sẽ di chuyển từ từ với lực hãm từ động cơ, phanh...giúp việc xuống dốc rất dễ dàng.

Khi một chiếc Nissan X-Trail đi off-road

Qua trải nghiệm trên, chúng tôi thực sự ấn tượng với chiếc X-Trail đặc biệt ở khả năng chạy địa hình. Với một loạt tính năng an toàn và hỗ trợ vận hành tiên tiến, X-Trail đem đến cảm giác tự tin cho chúng tôi trong mỗi pha xử lý. Sự tự tin thực sự là yếu tố quan trọng, giúp người lái điều khiển chiếc xe an toàn hơn, chính xác hơn.

Khi một chiếc Nissan X-Trail đi off-road

Bên cạnh khả năng vận hành, chúng tôi thấy trang bị tiện nghi của xe khá đầy đủ. X-Trail có nhiều hốc chứa đố, đặc biệt là hộc để bình nước có chế độ làm nóng lạnh. Âm thanh trên xe cũng cho chất lượng tốt với hệ thống điều khiển âm thanh theo vùng (người sử dụng có thể điều khiển âm thanh riêng biệt tại các vùng trong xe)....Ngoài ra xe còn có cửa sổ trời, điều hòa 2 vùng độc lập, mở cốp bằng cảm biến chạm, ghế lái và ghế hành khách trước chỉnh điện, hàng ghế thứ 3 có thể gập gọn tăng diện tích chở đồ đáng kể... Tóm lại có thể nhận xét rằng, nội thất xe rộng rãi và thanh lịch.

Khi một chiếc Nissan X-Trail đi off-road

Song song với đó, có một số điểm chúng tôi thấy X-Trail vẫn còn chưa ưng ý, đặc biệt là ở chiếc xe có giá tiền tỷ đó là chưa có cảm biến mưa, cảm biến phía sau, cảm biến áp suất lốp, kết nối Bluetooth vẫn chưa tốt (hay gián đoạn khi chạy qua đoạn đường xấu), không có cửa gió cho hàng ghế thứ 3, lấy chuyển số sau vô lăng, chỉ có 2 ổ sạc...

Khi một chiếc Nissan X-Trail đi off-road

Tổng kết:

Sau khi ra mắt khách hàng Việt vào tháng 9/2016, phải đến cho tới tháng 3 vừa qua, X-Trail thực sự mới để lại dấu ấn trên thị trường với doanh số đạt 591 xe bán ra trong tháng. Con số này vượt qua đối thủ đang được ưa thích nhất trong phân khúc crossover tầm trung là Mazda CX-5. Có được thành công này thì ngoài chất lượng, Nissan Việt Nam cũng đã "thấu hiểu" thị trường hơn khi tung chương trình ưu đãi lớn, trị giá tới cả trăm triệu đồng dành cho chiếc X-Trail.

Sự thành công bước đầu của X-Trail là tín hiệu vui cho Nissan khi tham gia phân khúc crossover tầm trung tại Việt Nam. Tuy nhiên, thế hệ mới của hai đối thủ lớn là Honda CR-V và Mazda CX-5 cũng đã hiện diện. Vì vậy trong thời gian tới, chắc chắn Nissan sẽ phải nỗ lực hơn và nhanh chóng "phủ sóng" X-Trail mạnh hơn nữa đến người tiêu dùng Việt.