Việc chuộng mẫu mã đẹp, giá thành rẻ là xu thế khó cưỡng của không ít người tiêu dùng trong nước, nhất là trong bối cảnh đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân chưa khấm khá. Tuy nhiên, xu thế này không chỉ diễn ra với hàng hóa thông thường mà cả với các phương tiện giao thông - loại hàng hóa vốn cần những điều kiện kỹ thuật và độ an toàn cao.
Sau xe máy, xe đạp, xe máy điện, nay đến xe tải với đủ chủng loại giá rẻ có xuất xứ Trung Quốc lên ngôi và bán chạy như tôm tươi tại Việt Nam. So về chủng loại, mẫu mã, những chiếc xe này chẳng hề kém xe của các nước có công nghệ tiên tiến, trong khi giá thành lại... rẻ giật mình.
Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng xe tiêu thụ đã tăng vọt đến cả chục lần so với trước. Thậm chí, để phục vụ nhu cầu của khách hàng và đạt được lợi nhuận lớn, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng “đặt hàng” nhà sản xuất với giá thành rẻ nhất có thể.
“Tiền nào của nấy”, hệ quả tất yếu là những chiếc xe xuất xưởng, bán ra thị trường và đến tay khách hàng với chất lượng trôi nổi, khó kiểm soát. Tiêu chí quan trọng nhất của những chiếc xe tải nói trên khi tham gia giao thông là chất lượng và an toàn lại tỷ lệ thuận và thấp như chính giá thành của nó. Không ít vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra mà nguyên nhân khởi phát từ chính những chiếc xe không được kiểm soát về chất lượng.
Qua kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, hầu hết số xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc đều có “vấn đề” về chất lượng, nhiều thông số sai khác với hồ sơ nhà sản xuất cung cấp. Hàng trăm chiếc xe vi phạm về kích thước thùng hàng theo quy định. Nhiều chiếc phải nằm đắp chiếu chờ tái xuất.
Với vai trò quản lý Nhà nước, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp định hướng thị trường, đồng thời quản lý chặt và xử lý đích đáng những cá nhân, doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt, lách luật nhập khẩu những chiếc xe không rõ xuất xứ, nguồn gốc, không để những xe kém chất lượng đến tay người tiêu dùng và tham gia giao thông trên đường.
theo Giao Thông Vận Tải