Thông tin tại phiên họp báo chuyên đề “Hướng dẫn thực hiện Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu” diễn ra ngày 5/10, bà Đào Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định mới, mặt hàng ô tô và xe máy đã qua sử dụng của Việt kiều khi nhập khẩu về nước sẽ không còn được miễn thuế như trước.
90% xe sang nhập về nước theo diện Việt kiều hồi hương đều là trá hình (ảnh minh họa)
Trước đó, Thông tư 118/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 9/6/2009 về việc “Hướng dẫn việc nhập khẩu xe ô tô đang sử dụng theo chế độ tài sản di chuyển của người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam” có quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được hồi hương được phép nhập 1 xe ô tô cá nhân đang sử dụng”.
Sau đó, Quyết định số 31/2015/QĐ-TTg ban hành ngày 4/8/2015 cũng cho phép công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu một xe ô tô và một mô tô (song vẫn phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt). Ngoài ra, nguời Việt Nam định cư ở nước ngoài là trí thức, chuyên gia, công nhân lành nghề về nước làm việc trong thời gian từ một năm trở lên theo lời mời của cơ quan Nhà nước Việt Nam được mang theo một xe ô tô để sử dụng trong thời gian làm việc và xe này được miễn thuế nhập khẩu, không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, điều 7, Nghị định 134 của Chính phủ hướng dẫn về Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được Chính phủ ký ban hành ngày 1/9/2016 mới đây đã đưa ra quy định mới: Xe ô tô và xe gắn máy là tài sản di chuyển theo những người Việt kiều hồi hương sẽ không còn được miễn thuế nhập khẩu.
Chính sách này xuất phát từ thực tế ô tô, xe máy đã qua sử dụng vốn là mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu. Hơn nữa, tình trạng gian lận thuế, buôn lậu "đội lốt" xe Việt kiều hồi hương trong thời gian qua diễn biến phức tạp.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, trong 1.000 trường hợp ô tô, xe máy nhập dưới dạng Việt kiều hồi hương thì chỉ có 100 trường hợp đúng là của Việt kiều về thường trú tại Việt Nam.
Những trường hợp còn lại chỉ đứng tên Việt kiều tại thời điểm nhập xe nhưng lúc đăng ký thì lại là người khác. Trong khi đó, những loại xe nhập về Việt Nam theo dạng trên chủ yếu là xe hạng sang, có giá trị cao, mẫu mã mới.
Như vậy, chính sách ban hành trước đây đã bộc lộ vấn đề, chưa đúng đối tượng. Chính vì vậy, Nghị định 134/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9 đã không còn xếp những đối tượng hàng hóa trên vào diện miễn thuế, thay vào đó là áp dụng mức thuế hỗn hợp.
Trước đó, vào năm 2015, cơ quan chức năng tại thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý vụ buôn lậu 54 ô tô hạng sang núp bóng diện xe Việt kiều hồi hương. Thủ đoạn của các đối tượng này là tìm và thuê các Việt kiều hồi hương nhưng không có tài sản di chuyển là xe ôtô về Việt Nam để mua các tiêu chuẩn nhập khẩu xe ô tô, mô tô, theo diện Việt kiều hồi hương.
Các Việt kiều hồi hương được thuê đứng tên nhập khẩu xe ô tô từ Mỹ, sau đó các đối tượng làm giả thủ tục, hồ sơ xuất, nhập cảnh của các Việt kiều để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu xe ô tô từ Mỹ về Việt Nam tiêu thụ. 54 xe nói trên thuộc các nhãn hiệu Rolls Royce, Land Rover, Bentley, Lexus, Audi, BMW, Porsche, Toyota, Jaguar, Honda.
Cơ quan hải quan cho biết, nếu nhập bình thường các xe sang này phải chịu thuế hơn 200 tỷ đồng, tuy nhiên với các thủ đoạn tinh vi nói trên, các đối tượng chỉ phải đóng hơn 64 tỷ đồng.
Theo Dantri