Theo ông Giao, kiểm định và bảo dưỡng xe máy (cả nước hiện có khoảng 35 triệu xe máy) tại các thành phố là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT thực hiện tại “Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Xe máy hiện là nguồn chính thải các chất độc hại và khí CO2 khiến không khí tại các đô thị đang ngày càng xấu đi.
Hơn nữa, 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ có liên quan đến xe máy, trong đó nhiều trường hợp không loại trừ các nguyên nhân kỹ thuật do hệ thống phanh, bánh xe, đèn chiếu sáng phía trước, gương chiếu hậu, còi… không bảo đảm kỹ thuật. “Điều đó cho thấy cần thiết phải kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường bắt buộc đối với xe máy. Xe không đạt tiêu chuẩn phải được bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm định lại. Những xe quá cũ khi kiểm định nhiều lần không đạt thì phải bị loại bỏ” - ông Giao khẳng định.
Đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an), cho biết từ năm 2007 đến nay, trung bình mỗi năm lực lượng CSGT xử phạt trên 5 triệu trường hợp vi phạm, Kho bạc Nhà nước thu trên 1.000 tỉ đồng. Điều đó cho thấy vi phạm trật tự, an toàn giao thông của người dân vẫn còn phổ biến và được xác định là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn, ùn tắc giao thông.
Theo Dân Trí