Không thiếu tự tin và năng động
Sau khi phải trải qua một quãng thời gian dài lam lũ với rất nhiều công việc vất vả, chị Tuyết quyết định thực hiện một bước ngoặt trong cuộc đời của mình. Tham gia một khóa học lái xe vào năm 2001, chị nung nấu khát vọng trở thành một nữ tài xế chuyên nghiệp, một hình ảnh mà có lẽ chưa mấy quen thuộc với người dân Việt Nam.
Sau mấy tháng vật lộn với vô-lăng chú Uaz cọc cạch già lụ khụ, cái ngày chị cầm giấy phép lái xe trong tay cũng đã đến. Trong tâm trạng hồi hộp phấp phổng, chị tìm đến các doanh nghiệp vận tải taxi tại Hà Nội để tìm một cơ hội thể hiện khát vọng của mình.
- ‘Chị lấy bằng lái lâu chưa?’ Đại diện của một hãng taxi hỏi,
- ‘Tôi vừa lấy tháng trước’, chị thành thật.
- ‘Chị quê ở đâu? Có thông thạo đường phố Hà Nội không?’
- ‘Tôi ở Nam Định, lên đây vài năm nên cũng biết chút ít.’
- ‘Vâng, tôi sẽ xem hồ sơ rồi gọi lại cho chị sau.’
Nhưng rồi chẳng có ai gọi lại cho chị. Chị lại tiếp tục hành trình đi gõ cửa các hãng taxi nhưng dường như cái số vất vả chưa chịu buông tha.
Cuối cùng thì sự kiên trì của chị cũng được đền đáp. Chị đã được một hãng taxi khá danh tiếng của Hà Nội tiếp nhận – taxi Phù Đổng. Những ngày đầu tiên trên con đường sự nghiệp mới, thách thức lớn đặt ra lại không phải là kỹ năng lái xe thông thường, mà là mạng lưới đường phố vốn chằng chịt của nhiều vùng quận của Hà Nội. Nhầm đường, rồi ‘mua đường’, rồi những khách hàng cũng hiểu và thông cảm cho chị. Nhưng chị cũng tự hào về trí nhớ của mình, và lộ trình nào đã đi qua là chị nhớ như in để lần sau nhắc đến là tấm bản đồ lại hiện lên từng chi tiết trong tâm trí.
Việc vất vả, miệng vẫn huýt sáo vang
Đối với một người phụ nữ đã có gia đình và con cái đề huề, thật không dễ dàng để có thể vừa làm tốt công việc lại vừa quan tâm chăm sóc gia đình. Người ta sáng dậy lúc 7h, lịch kịch rồi đi làm, còn chị Tuyết dậy lúc 5h để chuẩn bị vệ sinh và bữa sáng cho cả nhà trước khi giao ca. Người ta đi làm mong chờ ngày cuối tuần biết bao, bởi đó là thời gian mà cả gia đình đoàn tụ, đi chơi hay thăm người thân, bạn bè. Còn thứ 7 của chị thì chẳng khác gì ngày thường, thậm chí có ngày còn bận rộn hơn. Ngày Chủ nhật không nghỉ, nhưng chị cũng luôn dành thêm ít thời gian để cải thiện bữa ăn của gia đình, tạo không khí thoải mái và ấm cúng. Chồng chị cũng rất hiểu và ủng hộ nên thường xuyên chia sẻ và giúp đỡ chị.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, chị Hoa – cũng là lái xe của Phù Đổng Taxi – tâm sự: “Mình thì chẳng bao giờ có khái niệm ngày cuối tuần. Con trai của mình cũng bị thiệt thòi so với các bạn bởi hầu như mình không có thời gian để đưa cháu đi chơi, hoặc kèm cháu học hành”.
Việc nhà đã thế, trên đường còn nhiều áp lực hơn. Phố phường Hà Nội đã nhỏ hẹp, mà tình trạng ách tắc, kẹt xe là chuyện như cơm bữa. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn thì người ta lại hay tạo cho mình thói quen để thích nghi. Trong khi nhiều lái xe nam cũng phải ngao ngán nếu phải đi xe số sàn trong nội thành Hà Nội đông đúc, thì các chị lại cho đó là một niềm vui.
“Những lúc phải nhích từng tí một trên đường, mình bật nhạc nhè nhẹ, rồi hòa mình vào điệu nhạc, các ngón tay đập đập vào cần số, miệng huýt sáo lại cảm thấy mình thư giãn,” chị Tuyết hồ hởi kể. “Đã có đôi lần mình lái xe số tự động, nhưng quả thật là cảm thấy buồn, bởi chân tay quá rảnh. Lái xe số sàn vừa linh động, mình lại vừa chủ động được giữa số và địa hình hay tốc độ của xe”.
Chân yếu nhưng tay không mềm
Liệu có bao nhiêu phần trăm nam giới có thể bình tĩnh khi xe bị sự cố giữa đường? Chẳng ai mách bảo, nhưng các chị đã tự trang bị cho mình những kinh nghiệm quý báu. Chị Tuyết nói: “Buổi sáng trước khi đi xe phải lật ca-pô lên, kiểm tra xem mức dầu, mức nước làm mát. Sau đó kiểm tra lốp dự phòng. Và điều vô cùng quan trọng là khởi động máy cho nổ trong thời gian 2 – 3 phút cho dầu được bơm lên đều trong các đường ống dẫn dầu của động cơ. Trong lúc máy nổ, lắng nghe xem tiếng nổ có êm bình thường hay khác so với mọi ngày hay không”.
Quả là những điều mà không phải lái xe nam nào cũng biết và thực hiện. Tuy nhiên, hành trình luôn tiềm ẩn những biến cố không thể lường trước. “Đã có lần xe bị thủng lốp giữa đường cao tốc nắng chói chang, mình nhanh chóng xắn tay áo, lấy phụ tùng và lốp dự phòng ra. Khách hàng của mình thấy thế cũng lao giúp. Cả lái xe và hành khách mồ hôi mồ kê nhễ nhại khi thay lốp xong. Đó thực sự là một ngày đáng nhớ và là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời lái xe của mình”, chị Tuyết kể.
Chị còn chia sẻ kinh nghiệm rằng Mỗi tài xế kể cả chuyên nghiệp hay không chuyên thì đều phải hiểu về xe và biết được bệnh những căn bệnh thông thường của xe. Điều đó không chỉ giúp họ sử dụng xe tốt hơn, mà còn không bị các service rỏm lừa vì lý do lợi nhuận.
Uy tín từ chất lượng phục vụ
Sự chu đáo và tận tình, niềm nở trong cách phục vụ đã khiến nhiều khách hàng khi đã đi xe của chị sẽ không bao giờ quên. Đã thành thông lệ, quán trà quen thuộc gần bến xe Lương Yên không hôm nào thiếu bóng của chị những giờ nghỉ ngơi hay giao ca. Và hễ khách hàng nào từ xa nhìn thấy xe của chị thì cứ thẳng tiến mà chẳng đoái hoài gì đến hàng chục chiếc taxi sang trọng đỗ đầy xung quanh đó.
Theo đuổi một cái nghề đôi khi là cơ duyên, nhưng để làm tốt thì lại là niềm đam mê và nỗ lực thực sự. Lái xe chuyên nghiệp không phải là công việc nhẹ nhàng và giản đơn, đặc biệt là đối vối phụ nữ. Sự ra đời của một doanh nghiệp taxi nữ ở Hà Nội thời gian qua càng cho thấy các chị em đã và đang góp phần xóa đi ranh giới về giới tính trong việc lựa chọn nghề nghiệp – một sự lựa chọn có ảnh hưởng lớn tới tương lai của cả một đời người.