Theo công văn số VAMA-0824 ngày 25/12, VAMA cho biết nền công nghiệp ôtô thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bản thân Việt Nam vừa trải qua lạm phát cao lại chuyển sang suy giảm kinh tế, khiến nhu cầu về ôtô sụt giảm nghiêm trọng. Đồng thời với đó là việc tăng thuế nhập khẩu linh kiện, thuế TTĐB, thuế VAT, lệ phí trước bạ, tạo ra một môi trường kinh doanh rất không ổn định và bất lợi cho thành viên VAMA, sản lượng và doanh số bán sụt giảm nghiêm trọng, lượng xe tồn kho tăng lên, lao động bị cắt giảm...
Thị trường ôtô Việt Nam được dự báo còn lâu mới sôi động trở lại như hồi cuối năm 2007, đầu năm 2008. ảnh HT
"Hàng loạt các thay đổi về những chính sách thuế liên quan đến ôtô đã, đang và sẽ xảy ra trong năm 2008 và từ năm 2009 trở đi khiến chúng tôi hết sức quan ngại về những tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất và kinh doanh của tất cả các thành viên VAMA, các đại lý và các nhà cung cấp phụ tùng" - công văn của VAMA nêu.
Về dài hạn, VAMA nhận định nền công nghiệp ôtô non trẻ của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước ASEAN vào năm 2018 khi thuế nhập khâu cho ôtô nguyên chiếc theo lộ trình ưu đãi thuế quan CEPT sẽ bằng 0%.
"Đây chính là thời điểm quan trọng để Chính phủ hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất ôtô có thể tồn tại và vượt qua khó khăn hiện nay, trước khi suy tính để phát triển ngành công nghiệp ôtô thật sự trong tương lai" - công văn khẳng định.
Đặc biệt tại Công văn này, VAMA đưa ra 3 kiến nghị để kích cầu và thúc đẩy sản xuất ôtô, bao gồm tạm ngừng thực hiện tất cả các chính sách thuế mới liên quan đến ôtô (tăng thuế TTĐB kể từ tháng 4/2009, tăng lệ phí trước bạ lần 2 từ 10-12% từ 1/1/2009, tăng thuế VAT từ 5% lên 10% cho xe tải, xe buýt kể từ 1/1/2009); xem xét giảm các loại thuế áp dụng cho ôtô, ít nhất là quay trở lại các mức thuế đã áp dụng trước tháng 4/2008; cho phép VAMA được cùng hợp tác xây dựng chính sách phát triển công nghiệp ôtô một cách toàn diện và ổn định.