Toyota và vụ kiện tai tiếng ở Mỹ

Admin
Alex Severinsky, một người Liên Xô cũ nhập cư vào Mỹ, kiện Toyota sử dụng công nghệ hybrid xăng-điện ông đã đăng ký bằng sáng chế từ năm 1994 mà không xin phép trước, hay trả tiền bản quyền. Và Toyota đã nhiều lần bị toà án Mỹ xử thua kiện.

 

 
Alex Severinsky nhận bằng thạc sĩ ngành kỹ thuật điện của Đại học Vô tuyến điện tử Kharkov ở Ukraine năm 1967. Tám năm sau, ông nhận bằng tiến sĩ cùng ngành tại Học viện đo lường chính xác vô tuyến điện tử và vật lý Mátxcơva. Ba năm sau đó, ông di cư sang Mỹ dưới dạng tị nạn.
 
Ông Alex Severinsky
Ngày 6/9/1994, Phòng sáng chế và thương hiệu Mỹ đã cấp cho ông Severinsky bằng sáng chế cho một phương pháp sử dụng điện áp cao để vận hành xe hybrid xăng-điện, và ông gọi công nghệ này là “Hyperdrive”. Đây là thành quả sau nhiều năm làm việc và nghiên cứu của ông Severinsky, là cơ sở dẫn tới việc phát triển hệ thống hybrid dùng trong ô tô hiện đại.
 
Ba năm sau khi ông Severinsky được cấp bằng sáng chế, Toyota ra mắt thế hệ đầu tiên của xe Prius hybrid. Đây không phải là mẫu xe hybrid đầu tiên có mặt trên thị trường, nhưng nó đánh dấu ự khởi đầu của một thương hiệu xe hybrid thành công nhất thế giới. Hiện thế hệ thứ hai của xe Toyota Prius cũng bán rất chạy.
 
Xe Prius có sử dụng công nghệ của Severinsky, và vấn đề là Toyota sử dụng mà không được sự cho phép của ông. Toyota ban đầu không thừa nhận thành quả nghiên cứu của ông Severinsky, và sự việc đã dẫn tới vụ kiện kéo dài 6 năm giữa Severinsky và Toyota.
 
Công nghệ của Severinsky
 
 
Trước tiên, có một điểm cần làm rõ ở đây, các bằng sáng chế của ông Severinsky không phải được cấp cho các xe hybrid hay các hệ thống hybrid cụ thể. Xe hybrid có lịch sử lâu đời như ô tô, nếu không phải là lâu hơn, và nguyên lý cũng không phải là mới. Các bằng sáng chế của ông Severinsky tập trung vào vấn đề ứng dụng: phương pháp kết hợp động cơ xăng với mô-men xoắn của mô-tơ điện. Nói một cách ngắn gọn, công ty của ông Severinsky sở hữu ý tưởng về cách quản lý kết hợp một động cơ đốt trong và một mô-tơ điện.
 
Nói cách khác, sự tích hợp kỹ thuật số của vô số biến số - tốc độ động cơ, tốc độ xe, vị trí bướm ga, tải trọng... - vào một quyết định dùng năng lượng xăng hay điện mà một chiếc xe hybrid đưa ra vô số lần mỗi ngày. Đó là ý tưởng của ông Severinsky.
 
Tổng cộng ông đã có 3 bằng sáng chế được cấp tại Mỹ cho công nghệ này, mang số 5.343.970 vào năm 1994, số 7.104.347 vào năm 2006 và số 7.237.634 vào năm 2007.
 
Tuy nhiên, Toyota khẳng định rằng xe hybid của họ là kết quả của các nghiên cứu và phát minh độc lập của họ.
 
Severinsky quyết định đưa sự việc lên toà án, và vụ kiện đã kéo dài 6 năm, chỉ vừa mới kết thúc hôm 20/7.
 
Vụ kiện dai dẳng
 
- Ngày 8/6/2004: Paice, công ty do ông Severinsky sáng lập đã đệ đơn kiện Toyota lên Toà án quận miền đông Texas tội vi phạm bản quyền công nghệ sử dụng cho xe hybrid của công ty.
 
- Ngày 20/12/2005: Toà án kết luận xe hybrid của Toyota vi phạm hai điều trong bằng sáng chế của số 970 của Paice và phải bồi thường cho Paice 4.269.950 USD (dựa trên doanh số của các xe Toyota Prius, Toyota Highlander Hybrid và Lexus RX400h Hybrid tại Mỹ trong thời gian từ tháng 6/2004 đến tháng 11/2005). Toyota yêu cầu xét xử lại.
 
- Tháng 4/2006: Ông Severinsky từ chức CEO tại Paice để trở thành CEO của Fuelcor LLC, một công ty phát triển và quản lý quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm chất đốt tổng hợp. Ông Robert Oswald, một người có 45 năm kinh nghiệm trong ngành ô tô đảm nhiệm vị trí CEO của Paice.
 
- Ngày 16/8/2006: Toà án bác đề nghị xử lại của Toyota và ấn định mức phạt 25 USD với mỗi xe Prius II, Highlander Hybrid và RX400h bán được tại Mỹ trong suốt thời gian còn lại của hiệu lực bằng sáng chế 970.
 
- Tháng 5/2007: Paice lần thứ 2 kiện Toyota lên Toà án quận miền đông Texas, cáo buộc Toyota cố ý vi phạm quyền sở hữu công nghệ của họ khi tung ra thị trường các mẫu xe hybrid mới sau vụ kiện tháng 12/2005.
 
- Tháng 4/2009: Nỗ lực kháng cáo nhiều lần của Toyota bất thành. Toà án quyết định Toyota phải trả tiền bản quyền cho Paice theo tỷ lệ 0,48% giá bán buôn mỗi xe Toyota Prius II, 0,32% giá xe Toyota Highlander, và 0,26% giá xe Lexus RX400H. Các tỷ lệ này tương đương số tiền bản quyền 98 USD/xe tính theo giá bán xe hiện thời của Toyota tại Mỹ.
 
- Ngày 21/4/2009: Toà án tối cao Mỹ bác đơn đề nghị xem xét lại vụ việc của Toyota. Nhà sản xuất ô tô Nhật tiếp tục kháng cáo về khoản tiền bản quyền phải trả.
 
- Tháng 9/2009: Paice đưa sự việc lên Uỷ ban thương mại quốc tế Mỹ (ITC). Cơ quan này có quyền cấm Toyota nhập khẩu các xe hybrid vào Mỹ.
 
- Ngày 19/7/2010: Trước nguy cơ bị cấm nhập khẩu các xe hybrid vào Mỹ, trong đó có Prius thế hệ mới, Toyota đã chấp thuận dàn xếp nội bộ với Paice để chấm dứt việc kiện cáo. Các điều khoản thoả thuận cụ thể giữa hai bên không được tiết lộ. Các vụ kiện còn chưa kết thúc tại Texas và Toà kháng cáo Mỹ sẽ bị huỷ.
 
 “Cuối cùng người ta cũng hiểu được giá trị những gì tôi đã phát minh,” ông Severinsky nói. “Toyota là công ty công nghệ hàng đầu và cuối cùng cũng đã nhìn nhận giá trị phát mình của tôi.”
 
Hôm 16/7, Ford, nhà sản xuất xe Fusion hybrid, cho biết đã đồng ý mua quyền sử dụng công nghệ của Paice, nhưng từ chối tiết lộ các điều khoản thoả thuận cụ thể.
Theo Dantri.com