Toyota - nguy cơ trở thành cựu vương!

Igorpok
Liên tục phải thu hồi hàng triệu chiếc xe, lao vào vòng lao lý ở Mỹ, hàng tỷ USD cùng với uy tín, danh dự ra đi...

 

Nguy cơ trở thành cựu vương

Đồng Yên đang đạt  mức giá cao nhất so với USD trong vòng 15 năm, so với Euro trong vòng 9 năm qua và giữ kỷ lục so với đồng Won Hàn Quốc. Những tác động của đồng Yên đã mang đến tác hại to lớn cho các tập đoàn xuất khẩu của Nhật Bản. Toyota cũng chịu chung số phận trong đó.

Thị phần liên tục giảm, ở châu Âu Volkswagen của Đức đang cắt rỉa từng miếng bánh, ở Hàn Quốc Huyndai đang chiếm dần thị trường, ở Mỹ GM và Ford đang gắng sức lấy lại thời hoàng kim.

Tại châu Âu và châu Á – Thái bình dương, Volkswagen đang tiếp tục dẫn đầu. Với đà phát triển này, các chuyên gia dự báo đến năm 2018, Volkswagen sẽ trở thành tân vương trong làng ô tô thế giới, chứ không phải là Toyota hay GM như hiện nay.

Tại Mỹ, nơi được mệnh danh là vương quốc xe hơi về doanh số, Hyundai đang dùng mức lợi nhuận kỷ lục để đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi mà Toyota không theo nổi, thị phần của Ford, Nissan và Volkswagen đều tăng trong khi phần của Toyota đã giảm từ 16,6% xuống 15,2% trong năm ngoái. Tại hai thị trường đông dân nhất thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ, hãng xe Hàn Quốc cũng đã vượt qua Toyota với những thành tích ngoạn mục: tại Trung Quốc thị phần của Hyundai đã lên 6,2%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với 5,2% của Toyota; còn tại Ấn Độ, thị phần của Toyota chỉ là 2,5%, quá thấp so với 14% của Hyundai và 40% của Suzuki.

Nguyên nhân chủ yếu về việc giảm thị phần này ngoài lý do người Mỹ đang lo sợ về chất lượng kỹ thuật liên tục phải thu hồi xe của Toyota, thì một lý do quan trọng hơn đó là đồng Yên tăng giá, khiến xe của Toyota tăng giá theo. Trái ngược với 2008, Toyota được hưởng lợi vì đồng Yên yếu hơn phần lớn các loại tiền thông dụng khác.



 

Chiến lược sản xuất không còn phù hợp

Tuy nhiên các chuyên gia phân tích kinh tế cho rằng, việc tỷ giá của đồng Yên và chất lượng sản phẩm chưa phải là nguyên nhân duy nhất, mà có nguyên nhân sâu xa hơn nằm ở chiến lược sản xuất không còn phù hợp với thời cuộc.

Khác với các hãng xe khác thiết bị, vật tư, phụ tùng sản xuất ô tô được sản xuất tại các nước có chi phí nhân công thấp, thì phần lớn các thiết bị, phụ tùng của xe được sản xuất ở Nhật Bản, nơi giá nhân công đắt đỏ, việc tỷ giá tăng  dẫn đến chi phí sẽ bị đội lên rất nhiều. Ngoài ra hơn 50% xe Toyota được sản xuất trong nước rồi mới mang bán tại nước ngoài. Một lần nữa giá lại bị đội lên.
Không chỉ Toyota, các tập đoàn khác của Nhật Bản như : Nissan, Honda, Sony hay Canon đều bị ảnh hưởng của chiến lược sản xuất này.

Theo tính toán của Toyota, lấy tỷ giá 90 Yên ăn 1 đô la Mỹ làm chuẩn, cứ mỗi khi đô la giảm thêm 1 Yên thì lợi nhuận của tập đoàn bị giảm 30 tỉ Yên, tương đương 356 triệu đô la Mỹ. Trong năm tài chính 2010-2011, kết thúc vào cuối tháng 3-2011, Toyota dự kiến đạt lợi nhuận 330 tỉ Yên, nhưng nếu tỷ giá duy trì ở mức 1 đô la Mỹ ăn 84 Yên hiện thời, số lợi nhuận này sẽ giảm một nửa. Cũng theo phép tính trên, lợi nhuận của Nissan bị giảm khoảng 15 tỉ Yên, còn Sony chỉ bị giảm 2 tỉ Yên.

Có lẽ lãnh đạo của Toyota đã nhìn thấy điều đó, cũng đã có những bước tiến ra sản xuất ở nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam…Tuy nhiên nhưng cải tiến này đang bộc lộ sự thiếu xuyên suốt, ở các nước có nhân công giá rẻ, thì chỉ sản xuất những phụ tùng bổ trợ và có nhiệm vụ lắp ráp là chủ yếu, còn những phụ tùng chính vẫn sản xuất từ Toyota Nhật Bản.

Việc sản xuất tại Toyota Nhật Bản xuất phát từ nguyên nhân bảo vệ bí mật công nghệ, có vẻ đã không còn phù hợp với xu thế vận động của thế giới. Khi các tập đoàn quốc tế đang xem ở đâu cũng là nhà.


Nước Nhật thu nhỏ

Toyota chỉ là một trong vô số tập đoàn của Nhật đang gặp khó khăn khi đồng Yên trở nên mạnh so với đồng tiền khác.

Đã đến lúc thủ tướng Kaoto Kan cần thức hiện cam kết đưa đồng Yên xuống thấp như đã hứa. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, những giải pháp kiểu các ngân hàng trung ương sẽ đưa ra thị trường một lượng tiền lớn để làm yếu đồng Yên chỉ là giải pháp tạm thời.

Về mặt lâu dài, các tập đoàn Nhật cần phải chuyển cơ sở sản xuất sang các nước có chi phí nhân công rẻ hơn như Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
 

Bùi Yến