Thuế nhập khẩu xe tải chính thức tăng từ 20/12/2015

Admin
(Autovina) - Kể từ 20/12/2015 thuế suất thuế nhập khẩu của các dòng xe tải chính thức tăng mạnh tại thị trường Việt Nam

Kể từ 20/12/2015, thuế suất thuế nhập khẩu của nhiều dòng xe tải sẽ tăng mạnh tại Việt Nam theo Thông tư số 163/2015/TT-BTC được Bộ Tài Chính ban hành vào tháng 11 vừa qua.

thuế nhập khẩu xe tải tăng từ 20/12/2015

Cụ thể, theo thông tư này, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xe có động cơ dùng vận tải hàng hóa thuộc nhóm 87.04 và bộ linh kiện ô tô, khung gầm đã gắn động cơ, có buồng lái (thuộc Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi) sẽ được thay đổi. Như vậy, thuế nhập khẩu ưu đãi của nhiều dòng ô tô tải tại thị trường Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

Theo các quy định từ Thông tư mới, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa (thuộc nhóm 87.04) về cơ bản sẽ tăng so với trước. Cụ thể: các dòng xe tổng trọng lượng có tải tối đa trên 10 tấn nhưng không quá 20 tấn có mức thuế tăng từ 30% lên 50%; các dòng xe tổng trọng lượng có tải tối đa trên 20 tấn nhưng không quá 24 tấn tăng từ 20% lên 50%. Đối với các dòng xe tải chuyên dụng như: xe thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải, xe xi téc; xe chở xi măng kiểu bồn; xe chở bùn có thùng rời nâng hạ được sẽ có mức tăng không đáng kể, từ 15% lên thành 20%. Với mức điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế nhập khẩu của các dòng xe tải nhập khẩu thì về cơ bản, các dòng xe tải lắp ráp và sản xuất trong nước sẽ có thêm nhiều cơ hội cạnh tranh.

Ngoài ra, trong biểu thuế nhập khẩu có quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu của bộ linh kiện rời đồng bộ và không đồng bộ của ô tô để sản xuất, lắp ráp ô tô mức thuế nhập khẩu của bộ linh kiện rời đồng bộ và không đồng bộ của ô tô tải có tổng trọng tải dưới 20 tấn được quy định bằng mức thuế suất của xe nguyên chiếc. Do vậy, khi điều chỉnh thuế suất của xe ô tô tải nguyên chiếc dưới 20 tấn thì thuế suất bộ linh kiện của xe cùng chủng loại tương ứng.

Thông tư của Bộ Tài chính cũng quy định, mức thuế nhập khẩu ưu đãi riêng với mặt hàng bộ linh kiện rời đồng bộ và không đồng bộ để sản xuất, lắp ráp xe ô tô (thuộc nhóm 87.04) sẽ tăng từ tháng 12. Cụ thể, với bộ linh kiện tổng trọng lượng có tải tối đa trên 10 tấn nhưng không quá 20 tấn sẽ áp mức thuế nhập khẩu mới là 50%. Bộ linh kiện có tổng trọng lượng có tải tối đa không quá 5 tấn sẽ áp mức thuế nhập mới là 70%. Đối với mặt hàng khung gầm đã gắn động cơ, có buồng lái (xe ô tô sát xi, có buồng lái) sẽ áp mức thuế nhập ưu đãi riêng là 18%.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, hiện nay, các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu linh kiện để sản xuất lắp ráp xe ô tô phải chịu nhiều loại chi phí đầu tư và sản xuất, lắp ráp. Các chi phí đầu tư dây chuyền sản xuất lắp ráp tương đối lớn, thời gian thu hồi vốn lâu. Cộng với đó là chi phí quản lý, nhân công phục vụ sản xuất lắp ráp xe ô tô trong nước lớn hơn rất nhiều so với việc nhập khẩu nguyên chiếc xe tải; giá nhập khẩu bộ linh kiện rời rạc cao hơn so với khi nhập ô tô tải hoàn chỉnh do điều kiện khắt khe từ nhà cung cấp và giá đầu vào các linh kiện nội địa hóa cao. Vì vậy, việc điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nhiều dòng xe ô tô tải so với mức hiện hành sẽ giúp cho xe tải trong nước không bị thiệt thòi. Tuy tăng nhưng các mức thuế này cũng chỉ bằng với mức trần so với các cam kết WTO mà chúng ta đã ký kết.

Tăng thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các dòng xe tải được xem là một trong những giải pháp để bảo hộ cho các dòng xe tải được lắp ráp trong nước. Ngoài ra, nhiều người cho rằng, việc áp mức thuế nhập tăng đối với các dòng xe tải cũng là một trong những biện pháp để hạn chế bớt dòng xe tải, xe đầu kéo của Trung Quốc đang ồ ạt đưa về Việt Nam.

Nhiều báo cáo cho thấy Việt Nam lại đang trở thành thị trường “béo bở” cho các loại xe nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong đó, chủ yếu là xe đầu kéo và xe tải với lượng nhập khẩu tăng đột biến.

Cụ thể, theo con số thống kê chi tiết, số lượng xe tải các loại từ thị trường Trung Quốc nhập về Việt Nam trong 10 tháng năm 2015 là 33.300 chiếc (con số đã làm tròn). Trong khi đó, xe từ các thị trường khác là 14.800 chiếc. Con số tương ứng trong năm 2014 là 22.600 chiếc và 9.400 chiếc từ các thị trường khác. Với lượng xe nhập khẩu này, xe từ thị trường Trung Quốctràn vào Việt Nam đã tăng trưởng chóng mặt. Theo đánh giá từ một bản báo cáo của Cục Đăng kiểm, hiện tượng tăng trưởng của các dòng xe tải cỡ lỡn tại thị trường Việt Nam là do nhu cầu của thị trường trong giai đoạn này quá lớn.

Theo phân tích, nguyên nhân chính của sự tăng trưởng nóng xe tải từ Trung Quốc là do việc tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải. Các phương tiện đã chở đúng tải trong khi nhu cầu vận tải hàng hóa vẫn tăng trưởng dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải tăng số đầu phương tiện vận tải để phục vụ nhu cầu. Trong khi đó, xe tải, xe tải chuyên dụng, đặc biệt là các xe có trọng tải lớn và ô tô đầu kéo lại là loại phương tiện các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước không sản xuất.

Quan tìm hiểu, hiện đã có một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ, trang thiết bị để sản xuất các loại xe tải cỡ lớn tại Việt Nam như: Thaco, Fuso, Hino… Nhưng hiện tại, lượng xe xuất xưởng rất khiêm tốn và các doanh nghiệp này cũng không sản xuất loại xe đầu kéo.

Dự đoán, sau khi chính sách thuế mới có hiệu lực, thị trường xe tải trong nước ít nhiều sẽ có biến động. Nhiều khả năng, trong thời gian đầu, lượng xe tải, xe kéo chuyên dụng từ Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống nhưng không đáng kể. Trên thực tế, cả các xe tải, xe đầu kéo lắp ráp trong nước hay nhập từ các thị trường khác cũng khó có thể cạnh tranh được về giá, thời gian cung ứng so với các dòng xe nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc.

Theo ICTNews