Tài xế nghiện: Không để doanh nghiệp phủi tay

Admin
Kiểm soát chặt sức khỏe tài xế trong thi sát hạch, cấp giấy phép hành nghề và điều chỉnh luật theo hướng xử lý mạnh tay với doanh nghiệp có tài xế nghiện là việc cấp bách để hạn chế tai nạn giao thông

Các tài xế điều khiển phương tiện gây ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng vừa qua đều sử dụng ma túy. Đây là vấn đề nhức nhối của xã hội trong nhiều năm qua nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa tìm ra giải pháp ngăn chặn.

Nghiện hút do áp lực, môi trường làm việc

Ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD), cho rằng cơ quan quản lý vào cuộc quá chậm trong khi tình trạng lái xe nghiện ma túy tồn tại nhiều năm qua.

Môi trường làm việc là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tài xế sử dụng ma túy ngày càng tăng. Theo ông Tuấn, nhiều tài xế chia sẻ do cường độ làm việc cao, chạy thâu đêm suốt sáng trên đường nên rất áp lực. "Ngoài ra, việc thường xuyên xa gia đình, có tài xế đi cả mấy tháng trời không về nhà nên lao vào cờ bạc, ma túy coi như một thú vui" - ông Tuấn nói.


Hiện trường vụ tài xế xe tải có ma túy tông chết 8 người đi bộ ở Hải Dương Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Chủ tịch Hội đồng Quản lý PSD cho rằng nhiều doanh nghiệp (DN) quá ham lợi nhuận mà không có sự kiểm soát chặt với tài xế. Đây là gián tiếp coi thường tính mạng người tham gia giao thông. Nhiều DN than khó tuyển tài xế đường dài nhưng ông Tuấn bác bỏ lý do này bởi hằng năm có rất nhiều người được đào tạo đủ tiêu chuẩn, do DN vì lợi nhuận mà không siết chặt đầu vào, chấp nhận cho người nghiện lái xe.

Có ma túy đá, 2-3 ngày không cần ngủ

Anh Đặng Văn H. (ngụ huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), có 7 năm trong nghề lái xe container đường dài, cho biết các tài xế thường nhận khoán từ chủ xe một chuyến hàng với số thời gian nhất định. Cụ thể, một chuyến hàng từ Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đi các tỉnh miền Tây sẽ dao động từ 62 - 70 giờ với một mức phí theo quy định. "Để đi đúng số giờ mà chủ xe khoán, cánh tài xế sẽ phải chịu áp lực về thời gian. Để có đủ sức khỏe và tinh thần tỉnh táo điều khiển phương tiện, mỗi xe thường có 2 tài xế thay nhau lái. Tuy nhiên, nhiều người nhận trọn gói một mình lái" - anh H. chia sẻ.

Anh H. cho hay trên các xe container đều có thiết bị định vị và mỗi tài xế sẽ điều khiển phương tiện 4 giờ, sau đó quẹt thẻ đổi cho người khác. Đối với các xe có 1 tài xế, khi chạy được 4 giờ, họ sẽ vào trạm dừng nghỉ ngơi từ 10 - 15 phút, sau đó tiếp tục di chuyển. "Vì áp lực thời gian lại chạy xe một mình nên nhiều người đã sử dụng ma túy đá để bảo đảm yêu cầu chuyến hàng. Khi sử dụng ma túy đá, các tài xế có thể thức 2 - 3 ngày liền không cần ngủ" - anh H. nói.

Xử lý nghiêm doanh nghiệp

Trong bối cảnh công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn nhiều bất cập thì việc ngăn chặn tài xế sử dụng ma túy lại càng khó khăn hơn. Khâu kiểm tra sức khỏe của người tham gia sát hạch cũng chưa được thực hiện chặt chẽ, minh chứng là việc mua bán giấy khám sức khỏe tràn lan ở nhiều nơi. Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Trần Sơn - nguyên Phó Phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết TNGT Cục CSGT - thừa nhận thời gian dài vừa qua, sức khỏe của tài xế còn bị buông lỏng.

"Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đối với các tài xế, trách nhiệm chủ xe đối với việc quản lý sức khỏe của tài xế chưa được thực hiện. Vấn đề này ai cũng thấy nhưng ngành giao thông chưa giải quyết được" - đại tá Trần Sơn nhận định.

Cũng theo ông Sơn, DN lơ là việc quản lý tài xế nhưng chế tài khi xảy ra tai nạn lại đang quá nhẹ. Hiện nay, chủ DN có tài xế gây tai nạn chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự chứ không chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, DN đều "phủi tay" rằng họ không biết tài xế sử dụng ma túy. "Chế tài nhẹ là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này gia tăng" - ông Sơn nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lê Trung Tuấn cho rằng cần thiết phải có chứng chỉ hành nghề đối với tài xế đường dài, đặc biệt là xe container. Chứng chỉ hành nghề sẽ bảo đảm các yêu cầu về sức khỏe, lý lịch, tình trạng nhân thân… thông qua những chương trình kiểm tra cụ thể, chặt chẽ. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý "mạnh tay" đối với các DN vận tải nếu phát hiện tài xế sử dụng ma túy và để tài xế nghiện ma túy gây tai nạn.

Theo ông Tuấn, nhà nước nên bổ sung quy định người thi sát hạch giấy phép lái xe phải nộp giấy xác nhận của công an về việc không sử dụng chất ma túy, kết quả xét nghiệm nước tiểu cho các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. "Đưa vào quy định bắt buộc DN vận tải phải tự túc chi phí xét nghiệm sử dụng chất ma túy trong nước tiểu, định kỳ 1 năm kiểm tra, xét nghiệm 3 lần với các tài xế" - ông Tuấn kiến nghị.

Quy tội "Cố ý giết người"

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng tình trạng người nghiện "ôm" vô lăng là do DN không kiểm soát chặt nhân viên. "Tài xế điều khiển phương tiện hiểu đó là nguồn nguy hiểm cao độ nhưng vẫn sử dụng ma túy, cho thấy họ tự đặt mình vào tình thế vi phạm pháp luật. Do đó, Bộ Luật Hình sự nên nghiên cứu hành vi gây TNGT này theo hướng cố ý giết người" - luật sư Hòe đề xuất.

Quy định xử lý hình sự chủ phương tiện vận tải biết tài xế sử dụng ma túy nhưng vẫn điều động họ lái xe có từ lâu tại điều 263 Bộ Luật Hình sự 2015. "Tuy nhiên, việc xử lý hình sự chủ phương tiện về tội danh này khá khó khăn. Điều luật quy định là chủ phương tiện phải biết rõ tài xế sử dụng chất ma túy nhưng vẫn điều động lái xe thì mới phạm tội, trong khi rất khó chứng minh chủ phương tiện biết rõ. Vì vậy, phải điều chỉnh quy định này để quy trách nhiệm rõ ràng, không thể để tình trạng "phủi tay" như vừa qua" - luật sư Hòe nhấn mạnh.

Theo NLD