5 quy định chủ xe cần thực hiện trước 31/12 nếu không muốn bị phạt nặng

Admin
Xe kinh doanh buộc phải đổi sang biển số vàng, ô tô qua nhiều đời chủ được tạo điều kiện sang tên hay xe khách giường nằm bắt buộc phải trang bị dây an toàn,... là những quy định mà "deadline" chỉ đến ngày 31/12 tới.

Từ 1/1/2022 tới, nhiều quy định cũ sẽ không còn hiệu lực mà nếu không để ý, chủ phương tiện cũng như lái xe có thể bị xử phạt nặng. Dưới đây là 5 quy định liên quan đến ô tô chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12.

1. Hạn cuối sang tên xe qua nhiều đời chủ không có giấy tờ


Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện cơ giới đường bộ quy định, xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều đời chủ, nhưng thiếu/không có giấy tờ chuyển nhượng sẽ chỉ còn được giải quyết đăng ký, sang tên đến hết ngày 31/12/2021.

Như vậy, từ 1/1/2022, xe nói chung và ô tô nói riêng thuộc trường hợp nêu trên sẽ không được giải quyết đăng ký, sang tên. Do đó, người đã mua ô tô cũ, qua nhiều đời chủ nhưng không có giấy tờ chuyển nhượng cần nhanh chóng đi làm thủ tục này để xác nhận quyền sở hữu hợp pháp của mình đối với chiếc xe đó.

2. Xe kinh doanh vận tải phải gắn biển số màu vàng

Thông tư 58/2020/TT-BCA cũng quy định về một loại biển số hoàn toàn mới dành cho xe kinh doanh vận tải hành khách. Theo đó, xe đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày 1/8/2021 thì cần phải thực hiện đổi sang biển số vàng trước ngày 31/12/2021.

Còn xe hoạt động kinh doanh vận tải từ 1/8/2021 thì đã được cấp biển số vàng ngay từ khi đăng ký, nên không cần phải làm thủ tục chuyển đổi này. Như vậy, ngày 31/12 là hạn cuối mà các xe kinh doanh vận tải phải chuyển sang biển số màu vàng.

Theo quy định, biển số vàng được áp dụng cho các loại xe sau: Xe chở khách theo tuyến cố định; xe buýt theo tuyến cố định; xe taxi; xe chở khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định; xe chở khách du lịch. Đây là loại biển số xe có nền màu vàng và chữ màu đen rất dễ nhận biết.


Đến trước ngày 31/12, xe kinh doanh vận tải phải đổi sang biển số vàng. (Ảnh: Lao động)


Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, việc cấp biển vàng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo sự đồng bộ trong công tác quản lý giao thông vận tải. Ngoài ra còn giúp các cơ quan quản lý dễ dàng, tránh tình trạng hoạt động của xe dù, bến cóc. Từ đó tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các cá nhân, tổ chức trong hoạt động kinh doanh vận tải.

3. Xe kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát

Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 09 chỗ trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông trước ngày 01/7/2021. Tuy nhiên, sau đó, Chính phủ lại ra Nghị quyết 66/NQ-CP quyết định lùi việc bắt buộc lắp camera đến hết 31/12/2021.

Như vậy, từ ngày 1/1/2022, nếu như xe khách không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt nặng với mức 1-2 triệu đồng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đồng thời có thể bị từ chối đăng kiểm. Do đó, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách cần gấp rút thực hiện quy định nêu trên.


Từ 1/1/2022, lực lượng chức năng sẽ xử phạt các doanh nghiệp không thực hiện lắp đặt camera trên xe theo quy định. (Ảnh: GTHN)


4. Xe giường nằm cũng phải trang bị dây an toàn

Một yêu cầu khác cũng có "deadline" vào ngày 31/12 tới đây là việc xe ô tô kinh doanh vận tải buộc phải có dây an toàn ở tất cả các vị trí chở khách, bao gồm cả ghế nằm, giường nằm theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Trước ngày 31/12/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách đã được cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP thì phải có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm (trừ xe buýt nội tỉnh).


Xe giường nằm cũng phải trang bị đủ dây an toàn. (Ảnh: Divui)


Như vậy, theo quy định của pháp luật thì xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải hành khách phải đáp ứng đủ các điều kiện tham gia giao thông, trong đó bắt buộc phải có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm.

Nếu xe ô tô tham gia kinh doanh vận chuyển hành khách không bố trí dây an toàn thì lái xe sẽ bị xử phạt từ 600-800 nghìn đồng theo điều 23, Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

5. Một số xe ô tô vận tải không còn được miễn, giảm phí đường bộ

Thêm một thông tin quan trọng mà các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vận tải cần lưu ý là ngày 31/12/2021 chính là hạn cuối được miễn phí sử dụng đường bộ đối với ô tô kinh doanh vận tải theo Thông tư 47/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.


Một số xe kinh doanh vận tải không còn được giảm phí sử dụng đường bộ từ 1/1/2022.


Theo Thông tư 47, phí sử dụng đường bộ thu đối với xe ô tô kinh doanh vận tải của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hợp tác xã kinh doanh vận tải, hộ kinh doanh vận tải được giảm 30% đối với ô tô kinh doanh vận tải hành khách, gồm ô tô chở người và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng và giảm 10% phí sử dụng đường bộ đối với xe tải, xe ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo.

Tuy nhiên từ ngày 1/1/2022, mức phí sử dụng đường bộ đối với ô tô kinh doanh vận tải trở lại mức cũ theo quy định tại Thông tư 293/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

vietnamnet