Hà Nội đang rất cần những bãi đỗ xe hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: Lương Ninh Giang |
Quy hoạch cũ còn nhiều vướng mắc
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quyết định số 165/2003/QĐ-UB của UBND thành phố đã nêu rõ vị trí đối với các bãi đỗ xe tập trung, các bãi đỗ xe tải lớn. Tuy nhiên, ngoại trừ các bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình và Yên Nghĩa đã được xây dựng; các bến xe tải Yên Viên, Xuân Phương, Thanh Trì đã xây dựng một phần, các bến bãi khác chưa được triển khai. Trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2017, trong số 78 dự án bến, bãi đỗ xe được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa thì 18 dự án được đưa vào hoạt động; 60 dự án đang chuẩn bị đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng và đang thi công. 15 dự án đang lập quy hoạch chi tiết. Bến xe khách phía Tây Nam (quận Hà Đông) đã được dỡ bỏ, trong khi các bến xe khách: Gia Lâm, Gia Thụy, Tây Đông Anh, Trâu Quỳ, Nam Hồng, Phù Lỗ, Khuyến Lương... đều chưa được xây dựng.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố diện tích đất dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu, còn lại 90-92% số phương tiện đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, sân trường, bệnh viện, hoặc tại các khu đất trống chờ dự án. Những vị trí này đều không được cấp phép và rất nhiều điểm đỗ có vi phạm về trật tự xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ... Việc phát triển quỹ đất dành cho bãi đỗ xe trong thời gian qua tại khu vực các quận nội thành còn thấp, chưa thu hút được các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng. Nguyên nhân là quy hoạch mới chỉ mang tính định hướng và thiếu chi tiết. Khi nhà đầu tư vào triển khai phải thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng, hoặc quy hoạch chi tiết. Ngoài ra, một số dự án đã biến tướng, trở thành các nhà hàng, trung tâm thương mại... gây bức xúc dư luận.
Cần tầm nhìn dài hạn, khả thi
Theo ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội, trước tình hình thực hiện quy hoạch gặp nhiều khó khăn, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GT-VT xây dựng đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt.
Ông Hà cho biết, quy hoạch mới bao trùm toàn bộ địa giới hành chính TP Hà Nội, có xem xét sự tác động, ảnh hưởng (luồng, tuyến) từ các khu vực lân cận trong Vùng Thủ đô; tập trung cho khu vực Vành đai 4 trở vào trung tâm thành phố. Mục tiêu của quy hoạch là phát triển mạng lưới bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ đồng bộ, bền vững, hiện đại, dễ tiếp cận, thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thân thiện với môi trường; bảo đảm tính khoa học, hợp lý và khả thi, đáp ứng được các yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài. Hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các khu đô thị, khu phố cổ, khu dân cư, di tích lịch sử; phát triển theo hướng giao thông thông minh; phù hợp với quy hoạch và có tính kết nối chặt chẽ, đồng bộ với hệ thống giao thông Vùng Thủ đô. Tận dụng tối đa các kết quả khảo sát, điều tra thu thập, số liệu của các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt.
Theo đồ án quy hoạch mới, các bến xe hiện có trong khu vực đường Vành đai 3 (bao gồm Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm) tạm thời được giữ lại trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên quy mô hiện có. Sau này, các bến nói trên sẽ được thay thế bằng các bến xe khu vực đường Vành đai 4 và được chuyển chức năng thành các điểm đầu mối phục vụ giao thông công cộng.
Về lâu dài, có 7 bến xe được quy hoạch, gồm: Bến xe liên tỉnh phía Bắc (Bến xe Nội Bài), Bến xe khách Đông Anh, Cổ Bi, Bến xe khách phía Nam (Duyên Thái và Ngọc Hồi), Yên Nghĩa, Bến xe khách phía Tây, Bến xe khách liên tỉnh Phùng (huyện Đan Phượng)... Cùng với đó là các bến xe quy hoạch trung hạn, bến xe tải, trung tâm tiếp vận, bãi đỗ xe cũng sẽ được quy hoạch cụ thể.