Những phụ nữ tiên phong trong ngành mô-tô

Svetlikj
Mặc dù vốn được coi như lãnh địa của đàn ông, nhưng thực tế là ngành mô-tô đang ngày càng ghi nhận nhiều tên tuổi nữ giới, trên mọi “mặt trận”. Nhưng bạn có biết ai là những phụ nữ đầu tiên lấn sân vào lĩnh vực này?

Không chấp nhận lùi bước trước những giới hạn mà xã hội đặt ra cho phụ nữ thời đó, những người bạn sẽ “gặp” trong bài được ghi nhận là đã mở đường cho phụ nữ tiến vào lĩnh vực vốn bị mặc định là dành cho nam giới.

Những phụ nữ đầu tiên lái mô-tô đi xuyên lục địa
 
(Ảnh: motorcyclemuseum.org)
 
Hai chị em Adeline và Augusta Van Buren, ra đời vào những năm 1880, lớn lên ở thành phố New York cùng với anh trai Albert. Cả 3 đã cùng nhau tham gia nhiều hoạt động thể thao, như chèo thuyền, bơi, trượt băng, lặn, đấu vật, và chạy nước rút.
 
Hai chị em đã muốn trở thành người đưa thư bằng mô-tô trong suốt Thế chiến thứ nhất, nên họ đã khởi hành chuyến đi xuyên Bắc Mỹ bằng mô-tô nổi tiếng của mình vào năm 1916, với hai chiếc Indian Power Plus, mẫu mô-tô Indian sang nhất thời đó, có giá bán 275 USD/chiếc.
 

(Ảnh: motorcyclemuseum.org)
 
Hành trình của Adeline và Augusta bắt đầu ở Vịnh Sheepshead, Brooklyn, Mỹ vào ngày 2/7, và đi về phía tây qua Chicago và Omaha, không thể không gặp những khó khăn về kỹ thuật. Hai chị em là những phụ nữ đầu tiên lên được Pike Peak, đỉnh núi cao nhất bang Colorado của Mỹ, bằng mô-tô. Sau đó họ đi tiếp về phía tây, tới San Francisco vào ngày 2/9 và cuối cùng kết thúc hành trình vào ngày 8/9, sau khi tới Los Angeles.
 
Mặc dù đơn xin làm nhân viên bưu tá lái mô-tô của họ bị khước từ, nhưng chị em nhà Van Buren đã chứng minh với cả thế giới rằng phụ nữ có thể làm những gì mà nam giới làm được. Hay theo như lời Augusta, “Phụ nữ có thể nếu cô ấy muốn.”
 
Phụ nữ đầu tiên sở hữu, điều hành doanh nghiệp mô-tô
 
 
Theresa Wallach sinh năm 1909 ở London (Ảnh: motorcyclemuseum.org)
 
Theresa Wallach lớn lên ở gần các nhà máy sản xuất các thương hiệu mô-tô nổi tiếng của Anh là Norton, BSA, Triumph và AJS, nên bà khá thân với những người làm việc trong nhà máy, gồm các tay lái thử xe, kỹ sư và cả các tay đua.
 
Bà đã học lái xe từ những người bạn làm trong lĩnh vực mô-tô này ngay từ khi còn rất trẻ.
 
Khi cố gắng trở thành thành viên của một câu lạc bộ mô-tô địa phương, bà đã bị từ chối đơn giản vì giới tính của bà. Điều đó thôi thúc Wallace bắt đầu ghi danh vào các giải đua mô-tô ở địa phương và đã giành nhiều chiến thắng.
 
 
Sau khi thực hiện thành công chuyến đi tới châu Phi và châu Mỹ, và sau đó là phục vụ trong quân đội Mỹ trong suốt Thế chiến thứ 2, ban đầu với tư cách là một thợ máy, và sau đó là người bưu tá nữ đầu tiên lái mô-tô trong quân đội Anh. Cuối cùng, Wallace chuyển tới Chicago, Mỹ, vào năm 1952.
 
Ban đầu bà kiếm sống bằng nghề sửa chữa mô-tô, sau đó mở một đại lý mô-tô, chuyên kinh doanh xe của Anh.
 
Người sáng lập Hiệp hội mô-tô quốc tế dành cho phụ nữ (WIMA)
 
Vào những năm 1930, sau một kỷ chỉ làm người ngồi sau mô-tô hoặc trong thuyền sidecar, Louise Scherbyn quyết định học lái xe. Mặc dù ban đầu có lo lắng việc lái mô-tô có thể làm hỏng thanh danh của mình, nhưng sau đó, cô đã nhanh chóng trở thành một tay lái chuyên nghiệp đáng nể với chiếc Indian Scout đời 1932.
 
(Ảnh: wimusa.org)
 
Scherbyn thích lái xe tới mức đã đi khắp nước Mỹ và Canada bằng mô-tô. Scherbyn được ghi nhận là phụ nữ Mỹ đầu tiên đi tới tận cực bắc - rừng Timagami ở Canada.
 
Louise Scherbyn cũng hoạt động rất tích cực tại các câu lạc bộ mô-tô như Hiệp hội mô-tô Canada, Hiệp hội đua xe Mỹ (AMA) và Câu lạc bộ Người mở đường Anh quốc. Bà cũng là phó tổng biên tập một trong những tờ báo về mô-tô hàng đầu của Mỹ.
 
Vào thập niên 50, bà đã giúp thành lập Hiệp hội mô-tô quốc tế dành cho phụ nữ (WIMA), một tổ chức vẫn hoạt động cho tới ngày nay, nhằm liên kết những phụ nữ lái mô-tô trên toàn thế giới.
 
Người phụ nữ đầu tiên thắng giải AMA
 
(Ảnh: motorcyclemuseum.org)
 
Sinh năm 1912 tại Australia, Dorothy ‘Dot’ Robinson được số phận định đoạt là một tay lái mô-tô từ trước khi chào đời. Khi mẹ cô lâm bồn, cha cô đã chở vợ tới bệnh viện trên “thuyền” của chiếc sidecar. Cô bé Dot lớn lên quanh những chiếc mô-tô và bắt đầu lái xe từ khi còn nhỏ, vì gia đình cô có một đại lý mô-tô ở Mỹ từ năm 1918.
 
Cô gặp chồng tương lai, Earl, khi đang học trung học. Họ đã cùng nhau tham gia nhiều giải đua đường trường. Dot giành chiến thắng đầu tiên của mình vào năm 1930 tại giải Flint 100 Endurance.
 
Sau khi cặp đôi này thực hiện một hành trình xuyên lục địa kỷ lục vào năm 1935, hãng Harley-Davidson đã gợi ý họ điều hành một đại lý mô-tô. Năm 1934, Dot lần đầu tiên tham gia giải đua quốc gia Jack Pine ở Michigan.
 
(Ảnh: motorcyclemuseum.org)
 
Đến năm 1940, với chiếc sidecar, Dot là người phụ nữ đầu tiên giành chiến thắng trong khuôn khổ giải đua của Hiệp hội đua mô-tô Mỹ (AMA). Cô lặp lại chiến thắng vào năm 1946. Mặc dù phải vượt qua nhiều trở ngại, cô đã rất kiên trì và cuối cùng được phép tham gia các giải đua đường trường, mở đường cho những phụ nữ khác vào các năm sau đó.
 
Phụ nữ đầu tiên có giấy phép đua xe chuyên nghiệp của AMA
 
(Ảnh: mscmotocross.com)
 
Kerry Kleid đã trở thành người phụ nữ đầu tiên buộc AMA phải quyết định cấp giấy phép đua mô-tô chuyên nghiệp cho phụ nữ. Bà có được giấy phép này vào đầu những năm 1970.
 
Tay đua 21 tuổi này đã tiến từ hạng Novice lên Expert chỉ trong vòng 1 năm. Kleid đã nộp hồ sơ xin cấp bằng lái AMA để tham gia một giải đua vốn chỉ toàn nam giới tham gia.
 
Cô đã được cấp bằng, nhưng ngay sau đó bị thu hồi khi xuất trình tại đường đua ở New York. Có vẻ như AMA nghĩ ‘Kerry’ là tên của một tay đua nam nên mới cấp giấy phép, và sau khi phát hiện ra đó là nữ giới, họ đã thu hồi.
 
Kleid đã đệ đơn kiện, nhưng cuối cùng bằng lái mới đã được cấp lại cho cô trước khi sự việc được đưa ra tòa án. Như vậy, Kerry Kleid vừa là người phụ nữ đầu tiên và cũng là người thứ hai được AMA cấp giấy phép đua mô-tô chuyên nghiệp.
 
Vào thời mà phụ nữ vẫn chưa có được quyền bình đẳng với nam giới, những phụ nữ trên đã chứng minh cho cả thế giới năng lực của phụ nữ và phá vỡ những định kiến. Nhờ có họ, những tay đua nữ ngày nay đang tiếp tục phá bỏ những rào cản và định kiến, chinh phục đỉnh cao mới.
 
Hoàng Phát
Theo DT
cuongvc