Những điều đặc biệt ở tài xế xe siêu sang tại Việt Nam

Admin
(Autovina) - Những tài xế lái xe siêu sang tại Việt Nam không chỉ có trình độ điều khiển xe lão luyện mà còn phải tinh ý để cảm nhận ý muốn từ các chủ xe.

Không chỉ lái an toàn, tài xế cần đọc được tâm lý của chủ xe, chuẩn bị những thứ mà ngay cả sếp cũng không nghĩ tới sẽ có lúc dùng đến.

những điều đặc biệt ở các tài xế xe siêu sang tại Việt Nam

Chỉ vào đôi giày loafer của vị tài xế lái Phantom, ông Đoàn Hiếu Minh - chủ tịch Rolls-Royce Motor Cars Hanoi phát hiện "Có phải giày của anh hơi lỏng gót?". Người tài xế hơn một năm cầm vô-lăng chiếc sedan siêu sang gật đầu thừa nhận kèm chút ngạc nhiên. Anh cùng 5 đồng nghiệp khác đi học, làm thế nào để trở thành một tài xế đúng nghĩa cho các ông chủ giàu có. 

Ở Rolls-Royce, đẳng cấp cao nhất cho tài xế được gọi là White Glove. Chương trình Găng tay trắng quy định tỉ mỉ từ trang phục, tác phong, cách lái xe và cả thái độ giao tiếp giữa tài xế với chủ nhân. Nhưng đó là cho tài xế Âu, Mỹ. Cuốn sách dày 250 trang mà hãng biên soạn có thể còn chưa đủ, để chép hết những gì cần thiết khi trở thành tài xế siêu sang ở Việt Nam.

Sáu người từ trạc gần 30 tới hơn 40 tuổi chăm chú lắng. Những người kinh nghiệm cả chục năm cầm lái, nay lại như vỡ lòng. Chau mày lắng nghe, cơ mặt giãn ra khi phát hiện một điều lạ, sao chỉ là tài xế mà nhiều thứ chuẩn chỉnh và nhiêu khê đến thế?

"Bạn không chỉ là một tài xế, mà còn phải như một quản gia, một nhà tâm lý học và đôi khi là một người bạn với ông chủ, bà chủ của mình", ông chủ Rolls-Royce Hanoi khẳng định.

Người lái Phantom thấy ổn khi vài năm nay vẫn đi đôi giày hơi thừa gót. Chàng trai trẻ nhất trong nhóm, lái chiếc Ghost cũng không hề nghĩ tới việc chiếc sơ mi trắng dạng slim fit anh đang mặc lại chưa an toàn hay một người khác quen đeo chùm chìa khóa ở đỉa quần giờ đây phải thay đổi. 

Đôi giày lỏng gót có thể bị tuột khi chân ra mồ hôi gây nguy hiểm khi đạp ga. Sơ mi slim fit ôm người khiến cử động xoay vô-lăng bị cản trở. Chùm chìa khóa đeo ở đỉa quần trở thành vũ khí sắc nhọn cào xước mặt da bọc ghế hay sơn xe, một dấu trừ cho sự tinh tế.  

Bởi thế, một vân tay của tài xế trên tay nắm mạ crôm cũng khiến chủ xe lấn cấn, không hài lòng. Chuyên gia gợi ý tốt nhất là đeo găng tay trắng, nếu không hãy luồn bàn tay vào bên trong tay nắm và kéo bằng cả bàn tay, khi đó ngón cái sẽ không ấn tạo vân tay.

những điều đặc biệt ở các tài xế xe siêu sang tại Việt Nam

Lần thứ nhất, sai. Lần thứ hai, vẫn sai. Lần thứ ba, tạm ổn. 

Một học viên thực hành cách mở cửa và tới lần thứ ba mới được gần như những gì vừa học. Dù thực tế, mỗi ngày anh phải mở cửa cho bà chủ không biết bao nhiêu lần trong gần một năm cầm lái Ghost. Lời khuyên là hãy chậm rãi, mở theo nấc để tinh ý quan sát xem chủ nhân đã sẵn sàng chưa rồi mới mở hẳn, nhất là khi một bà chủ mặc váy.

"Đó không phải những nguyên tắc khô cứng học thuộc lòng, đó là sự tinh tế của một tài xế cần có".  

Các hãng xe tập trung đào tạo cho khách hàng, còn các hãng xe sang đào tạo lái xe. Những người bỏ hàng chục tỷ mua xe không quan tâm đến vô-lăng đầm hay nhẹ, ga có nhạy, phanh có đàn hồi hay không, cái họ cần là tài xế sử dụng những thứ đó như thế nào, để họ được thư giãn nhất mỗi khi vào xe.

Muốn vậy họ  phải có khả năng ghi nhớ gấp đôi, gấp ba lần người lái xe khác để học cách sử dụng hàng tá công nghệ. Lái xe siêu sang ở Việt Nam như trò chơi cân não. Một tài xế thú nhận có những chi tiết chưa dám đụng vào vì sợ hỏng, dù lâu nay vẫn lái xe đều đặn. 

"Hồi đầu, tôi toát mồ hôi hột khi ngồi vào ghế lái, nhấn vào nút nào cũng sợ hư vì cái gì cũng lạ, cuối cùng chỉ dám chạy và nghe nhạc như xe bình thường".

Người khác kể, đi vào những phố, ngõ nhỏ ở Việt Nam luôn là thử thách lớn lao. Xe dài hơn những xe từng lái, giá trị từ vài chục tới gần trăm tỷ, làm sao để không xước sơn cạ gầm là cả một quá trình mệt mỏi. Anh này nhớ lại, có những khi phải lên xuống xe cả gần chục lần để quan sát mới đi hết con ngõ dài vài trăm mét. Nếu với xe khác, anh sẽ tự tin hơn nhiều. 

Ngồi vào ghế lái, nhìn chân biểu tượng Spirit of Ecstasy trên nắp ca-pô, chuẩn mực của cách căn tầm nhìn. Phía trước tĩnh lặng, phía sau tĩnh lặng, thứ cảm giác nắm sinh mệnh của những người tầm cỡ trong xã hội, khiến bất cứ tài xế nào cũng phải điềm đạm và lịch duyệt.

Khách hàng thượng lưu luôn cần không gian riêng tư, dù với nhiều người, tài xế còn thân thiết hơn cả trợ lý. Nhưng ngay cả như vậy, tài xế vẫn cần học cách chỉnh gương chiếu hậu trong xe cao hơn bình thường, chỉ nhìn thấy từ trán người ngồi sau hất lên, để ánh mắt tài xế và chủ xe không gặp nhau trong gương, nhưng vẫn đủ để quan sát an toàn.

Vào một ngày giữa mùa hè, tài xế mở sẵn cửa và đứng đợi nhưng chủ xe xuất hiện với khuôn mặt bực bội, có vẻ đang bốc hỏa. Tài xế đóng cửa, lên ghế lái và tinh ý chỉnh điều hòa lạnh hơn chút để cân bằng cái nóng bên trong chủ nhân, nét mặt tươi tỉnh để gây thiện cảm.

Một ngày khác, chủ xe không đi một mình mà có thêm khách, căn cứ vào tuổi tác, địa vị và cách cư xử của chủ xe với khách mà tài xế phải mời ai lên xe trước, và ngồi vào vị trí quan trọng nhất, chéo sau lưng tài xế. Có một trường hợp ít tuổi hơn, địa vị thấp hơn nhưng vẫn nên mời lên xe trước, đó là vợ, con của chủ xe.

Các tài xế còn phải biết, khi chủ xe có điện thoại, chỉnh âm lượng nhạc về mức vừa phải chứ không tắt hẳn để đảm bảo, nội dung cuộc nói chuyện không lọt vào tai tài xế. Thêm nữa, không check in trên mạng xã hội khi làm nhiệm vụ chở sếp, chỉ một thao tác nhỏ như vậy, mọi thông in riêng tư của chủ xe có thể bị khai thác và xâm hại. Trên xe luôn có sẵn sạc dự phòng, bút, lọ rửa tay hay mắc áo complet... ti tỉ thứ như một căn hộ di động. 

Trên cả quãng đường, tạo sự thoải mái cho khách bằng cách đều ga, không đạp thốc đạp tháo, dù rằng ECU can thiệp liên tục để duy trì trạng thái tĩnh lặng nhất, ngay cả khi tài xế lỡ nhấp chân quá mạnh. Nhiều tài xế hay nhầm tưởng giảm tốc tối đa khi vào cua là an toàn nhất, nhưng giữ tốc đều, chỉ giảm vừa đủ đến mức vào cua "ngọt", sau đó tăng tốc trở lại mới là trạng thái duy trì ổn định cho ông chủ. 

Một yếu tố nhỏ nhưng nhiều tài xế lái xe cả đời có thể cũng không học được, đó là phanh thế nào để xe dừng lại từ từ chứ không khựng ở cuối hành trình phanh. Chuyên gia khuyên, sau khi nhấn phanh từ từ lúc xe gần dừng lại hẳn thì nhả nhẹ phanh chứ không giữ, như vậy xe sẽ dừng lại một cách mượt mà hoàn toàn quán tính mà không có tác động từ phanh, êm như lướt thảm. 

Quay xe về địa điểm xuất phát, cậu tài xế trẻ nhất nấn ná chưa xuống xe, như để ngẫm lại toàn bộ những gì vừa học được. Bên trong phòng kính, những tài xế khác đưa mắt dáo dác chờ đợi, "sắp đến lượt mình được rèn luyện để trở thành một tài xế thực thụ".

Theo VNE