"Trong 5 năm áp thuế chống bán phá giá, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất xe đạp đi vào tình trạng phá sản, buộc phải chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh”, ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, cho biết.
Theo Bộ Công Thương, mức thuế chống bán phá giá 34,5% áp dụng từ năm 2005 đối với xe đạp Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ hết hạn vào ngày 15/7 tới.
Tại buổi họp báo ngày 28/5, ông Vũ Bá Phú cho biết, mới đây Hiệp hội các nhà sản xuất xe đạp châu Âu (EMBA) đã gửi đơn yêu cầu rà soát cuối kỳ lên Ủy ban châu Âu (EC). Theo ông Phú, hai kịch bản có thể xảy ra đối với doanh nghiệp xe đạp Việt Nam. Nếu Ủy ban châu Âu bác đơn từ phía EMBA, thuế chống phá giá sẽ vô hiệu kể từ ngày 15/7. Ngược lại, trong trường hợp EC ra quyết định rà soát thì mức thuế 34,5% sẽ được duy trì trong vòng 12 tháng tiếp theo.
Bộ Công Thương cho rằng, trong 5 năm áp thuế chống bán phá giá, doanh nghiệp xe đạp Việt rơi vào tình trạng kiệt quệ đi vào con đường phá sản. Lượng xe đạp Việt Nam xuất khẩu sang EU đã sụt giảm nghiêm trọng. Trước năm 2005, khi chưa bị áp thuế, xe đạp xuất khẩu chiếm 80% sản lượng, trong khi tiêu thụ nội địa chỉ là 20%. Từ năm 2005 đến 2009, lượng xuất khẩu xe đạp của Việt Nam bị sụt giảm với tỷ trọng lần lượt là 60%, 45%, 30%, 20% và 15%. Đặc biệt năm 2005, từ trên một triệu chiếc xe đạp xuất khẩu xuống còn khoảng 21.400 chiếc vào năm 2009.
Giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang EU cũng liên tục giảm, điển hình năm 2007, kim ngạch xuất khẩu xe đạp sang thị trường này giảm tới 95,3% so với năm trước. Quyết định áp thuế chống bán phá giá của EC đối với xe đạp Việt Nam còn gây ảnh hưởng lớn đến người lao động của ngành này. Trước năm 2005, tổng số lao động của ngành sản xuất xe đạp Việt Nam là 210.000 người, nhưng đến đầu năm nay, con số này chỉ còn 5.000 lao động.
Bộ Công Thương cho rằng, áp thuế chống bán phá giá đối với xe đạo Việt Nam là hoàn toàn phi lý bởi thị phần xe đạp Việt Nam xuất sang Liên minh châu Âu rất nhỏ nên không có khả năng gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất xe đạp của EU. Ông Phú minh họa, trong năm 2008, lượng xe đạp xuất khẩu sang EU chỉ chiếm 0,1% tổng lượng xe đạp bán ra tại châu Âu.
Ông Châu Vĩnh Chí, đại diện Công ty Asama Yuh Jiun Int’l VN chia sẻ, năm 2005, lượng xuất khẩu của công ty trên 200.000 chiếc xe đạp một năm, đến cuối năm 2006 đã không thể xuất khẩu được vì thuế chống bán phá giá xe đạp quá cao. Số lượng lao động cũng giảm đáng kể, từ trên 1.200 nhân công đã giảm xuống còn 560 người. “Không chỉ công ty chúng tôi mà có các công ty vệ tinh cung cấp nguyên, nhiên vật liệu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Chí nói.
Đồng tình với quan điểm ông Lê Quốc Tạo, Chánh văn phòng Hiệp hội ôtô xe máy xe đạp Việt Nam, cho biết, một chiếc xe đạp cần 70 phụ tùng và 300 chi tiết. Do đó, khi bị áp thuế, không chỉ doanh nghiệp xe đạp bị ảnh hưởng mà các doanh nghiệp cung cấp các thiết bị phụ trợ cũng lao đao. Cũng theo ông Tạo, nói doanh nghiệp Việt bán phá giá là không đúng. Bởi thực tế, trong điều kiện nguyên nhiên vật liệu, giá xăng dầu tăng cao, giá bán xe đạp không thể thấp quá mức.
Autovina
(Theo VNE)