Ngán ngẩm văn hóa… còi

Admin
Cái còi sinh ra để làm gì? Đương nhiên là để bóp. Nhưng bóp còi như thế nào và vào thời điểm nào lại là cả một câu chuyện dài liên quan đến vấn đề văn hóa.

Bóp… mọi lúc, mọi nơi

Dòng người đang chầm chậm dừng lại trước ngã tư đèn xanh đèn đỏ thì bỗng… “chíu chíu”. Tiếng còi xe cấp cứu 115 vang lên náo động khiến các phương tiện phải dạt sang một bên nhường bước. Nhưng khi ngoảnh lại, chẳng thấy xe ưu tiên đâu mà vọt lên phía trước là một “chú” Dream “chiến” xấc xược, thúc còi liên hồi. Khó chịu và bực tức, không ít người văng tục, khiến không khí giao thông đã “ô nhiễm” lại càng “ô nhiễm” hơn…

1.jpg

Thứ văn hóa… còi kiểu này vẫn “trình diễn” hằng ngày, hằng giờ trên các đường phố Việt Nam. Ở nước ta, còi xe ngoài chức năng dùng để báo hiệu cho các xe khác, còn mang “sứ mệnh” của một cảnh sát giao thông. Không tin, cứ thử đứng trong dòng xe cộ đang đợi đèn đỏ mà xem. Chỉ cần đồng hồ báo hiệu từ 5-4-3-2 đến 1 là lập tức bạn sẽ được nghe những tiếng còi réo vang từ hàng trăm chiếc xe máy, hay những “tràng” còi đinh tai nhức óc của từng đoàn ôtô dục giã.

Ngay cả tại các khu vực “nhạy cảm” như bệnh viện, trường học…, dàn “đồng ca” còi vẫn… hồn nhiên cất lên những “bản giao hưởng” khó nghe. Đoạn đường Giải Phóng (Hà Nội) là điểm tọa lạc của hai bệnh viện lớn – bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt – Pháp - nhưng cũng là nơi các trạm xe buýt được đặt khá liền kề. Mỗi lần tấp vào đón khách, tài xế thường rú còi inh ỏi.

Anh Đinh Thanh Tùng, một hộ dân sống gần bệnh viện, bức xúc: “Nhà có con nhỏ, phải khó khăn lắm mới ru được cháu ngủ nhưng vừa chợp mắt vài phút đã giật mình tỉnh giấc. Xe nào qua đây cũng thi nhau bóp còi, đặc biệt là xe buýt”.

Trên đây là chuyện đường phố, còn ở quốc lộ thì sao? Văn hóa còi thậm chí còn… còi hơn. Chỉ cần bước chân ra khu vực ngoại thành Hà Nội, bạn sẽ tận mắt chứng kiến các “hung thần quốc lộ”… bắt nạt dân lành ghê gớm. Xe tải gầm rú, phóng với tốc độ cao và bóp còi liên tục, khiến nhiều người yếu bóng vía giật mình, ngã vật xuống đường. Xe ôtô nhỏ hơn và xe máy, xe đạp chỉ còn cách mau chóng dạt sang hai bên nhường đường cho các “ông kễnh” vượt mặt, để lại sau lưng toàn là đất đá, cát sỏi và từng đám bụi ken dày.

Đáng buồn thay, tình trạng lạm dụng còi xe phổ biến đến nỗi bóp còi dường như đã trở thành một thú tiêu khiển của những người điều khiển phương tiện giao thông.

Tại khắp các tuyến đường trên cả nước, lái xe tải, xe khách thường lắp bộ phận còi hơi để… hù dọa người đi đường. Xe máy cũng không chịu kém cạnh. Thay vì những âm thanh “bip bip” đơn giản, loại “dàn nhạc” cho xe máy hiện nay có thể phát ra tiếng kêu động vật, tiếng hú còi xe cấp cứu, xe cảnh sát, còi nhạc, thậm chí cả tiếng chó sủa, mèo kêu, bò rống, lợn réo hay tiếng rên khóc, tiếng cười rùng rợn… Chỉ cần nhác thấy có chướng ngại vật là đủ các loại xe thi nhau “luyện thanh”. Hoặc khi đi vào những khu ngõ ngách, các đoạn giao cắt; thay vì giảm tốc độ và nhường nhau thì người chạy xe vừa đi vừa bóp còi ầm ĩ, gây huyên náo cả một góc phố.

Trở lại chuyện cái còi xe. Nhà sản xuất làm ra nó, gắn nó vào những chiếc ôtô, xe máy là để khi thật cần thiết mới sử dụng, chứ không phải để lúc nào người đi xe cũng cho mình cái quyền… bóp vô tội vạ. Còi dùng đúng lúc, đúng chỗ, đúng kiểu thì có tác dụng tốt, còn dùng sai sẽ gây phản cảm, khó chịu, thậm chí làm ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng tới bộ mặt giao thông đất nước.

… Và những hậu quả

Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể tai nạn xảy ra do còi xe quá âm lượng cho phép, nhưng mức độ ảnh hưởng của các loại còi hơi, còi dàn đến cộng đồng chắc chắn là rất lớn. Trên địa bàn Hà Nội, chuyện ngã xe, va quệt nhau do còi xe diễn ra như… cơm bữa.

4 giờ chiều, chị Tâm rẽ qua đường Minh Khai đón con ở nhà trẻ. Bất ngờ, một chiếc xe buýt phía sau tấp vào bến đón khách, bóp còi liên tục khiến chị giật mình, loạng choạng tay lái. Cháu bé khóc thét lên làm chị càng thêm hoảng loạn và suýt lao đầu vào xe buýt. Tuy nhiên, tài xế vẫn rú còi và cho xe chạy tiếp, xem như không có chuyện gì. Bày tỏ với chúng tôi, chị bức xúc: “May mà mẹ con tôi chưa ngã vào gầm xe, không thì mất mạng như chơi”.

2.jpgThực tế, đã có những vụ tai nạn đau lòng xảy ra do tiếng còi xe. Còn nhớ cách đây vài năm, người cha ở Phú Thọ chở con đi thi đại học bằng xe máy. Vốn tính cẩn thận, ông luôn đi sát vào bên lề đường. Thế nhưng, không hiểu sao người lái xe tải vẫn cố tình nhấn một hồi còi to và dài, khiến ông giật mình, chao đảo và lao luôn vào bánh xe. Kết quả, cả hai bố con đều tử nạn.

Theo các chuyên gia của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, tiếng ồn đô thị, đặc biệt là tiếng còi xe chính là tác nhân gây ra rất nhiều hội chứng hay gặp như đau đầu, mất ngủ, cáu gắt,... Những đối tượng nhạy cảm với tiếng ồn nhất là người già, trẻ em và người lao động trí óc. Cơ thể không chịu đựng được tiếng ồn sẽ dẫn đến suy nhược, đau đầu. Đối mặt thường xuyên với tiếng ồn sẽ mất ngủ, đau đầu triền miên, cơ thể suy nhược nặng, thần kinh dễ bị kích thích, luôn trong trạng thái lo âu, trầm cảm... Tất cả triệu chứng này sẽ tích lũy dần gây nên các biến đổi về mặt cảm xúc, dễ tức giận, căng thẳng, gây rối loạn huyết áp và các bệnh như viêm đại tràng mãn tính, bệnh hô hấp, đau ngực, đánh trống ngực liên hồi...

Hậu quả của những tiếng còi “vô duyên” thì ai cũng đã rõ, thế nhưng nạn bóp còi, rú ga… vẫn chưa được quan tâm giải quyết triệt để, đồng thời mức phạt còn quá nhẹ so với những tác hại gây ra. Một thành phố văn minh thì không thể tồn tại tình trạng trên, chưa kể sẽ thật đáng buồn nếu có thêm những tai nạn thương tâm xảy ra từ sự vô ý thức của tài xế.

Đất nước ta đang ngày càng phát triển, hệ thống giao thông cũng ngày càng được cải thiện. Do đó, mỗi người hãy bắt tay tạo dựng một đất nước thật sự ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ được nghe những tiếng chim lảnh lót trên bầu trời trong một không gian thoáng đãng và trong lành thay vì tiếng còi xe náo động. Các cụ ta xưa thường dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở”, vậy xin hãy học cả cách bóp còi xe đúng lúc, đúng chỗ để xứng đáng với hai chữ “Văn Minh”.

autovina