Tại một hội thảo về chính sách thuế hôm qua (10/5), một chuyên gia về thuế nói rằng: "Chúng ta nhờ ơn xã hội nên mới có may mắn cơ hội kinh doanh và có sở hữu tài sản giá trị cao. Vậy nên, chúng ta vui vẻ đóng mấy đồng thuế có sao đâu".
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).
Chia sẻ bên lề Tọa đàm khoa học Đối thoại chính sách: “Đề xuất của Bộ Tài chính về sửa đổi các Luật thuế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội tổ chức sáng 9/5, ông Nguyễn Văn Phụng, một chuyên gia về chính sách thuế cho rằng, lần sửa đổi này là một sức ép rất lớn của Bộ Tài chính trước công luận.
Đáng lưu ý, đối với đề xuất đánh thuế tài sản với ô tô có giá trên 1,5 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Phụng nói: “Ô tô có giá trị cao, đẹp thì cần phải đánh. Anh sống trong xã hội, nhờ ơn xã hội nên mới có may mắn về cơ hội kinh doanh. Cho nên, anh mới có cơ hội sở hữu tài sản cao. Vì có may mắn đó nên vui vẻ đóng mấy đồng thuế có sao đâu". Tuy nhiên, ông Phụng cho rằng, nếu đánh thuế tài sản ô tô thì phải đánh cả tàu, thuyền, máy bay và một số tài sản có giá trị khác.
Nói về thông lệ trên thế giới, theo ông Phụng, ô tô, tàu, thuyền có nước đánh thuế tài sản nhưng có nước không. Tuy nhiên, vì đây là đối tượng dễ nhìn thấy nên Chính phủ các nước có nhiều loại thuế để điều tiết.
"Khi mua sắm thì áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt, khi đăng kí thì áp dụng lệ phí, khi sử dụng rồi thì áp dụng thuế tài sản. Một đất nước văn minh phải dùng nhiều loại thuế bổ trợ cho nhau. Trong tương lai cái gì tốt thì chúng ta học tập, cái gì chưa phù hợp thì chưa học tập”, ông Phụng nói.
Trước lo ngại có tồn tại sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo khi áp dụng mức đánh thuế tài sản trên 700 triệu đồng với nhà nhưng với ô tô lại trên 1,5 tỷ đồng, ông Phụng cho rằng, thuế tài sản với nhà ở ngưỡng 700 triệu đồng hiện mới chỉ là đề xuất đưa ra để xem xét, chưa phải là mức cuối cùng.
"Nhà khác với ô tô là nhà gắn với cuộc sống lâu dài, còn ô tô hao mòn rất nhanh. Nếu xét tới yếu tố công bằng thì cần tính toán để bảo đảm công bằng trên nhiều khía cạnh, bao gồm cả yếu tố sử dụng nữa. Nhà có thể không tạo ra giá trị nhưng xe lại khác”, ông nói thêm.
Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long lại cho rằng, một chiếc ô tô có giá 1,5 tỷ đồng bản thân đã phải cõng quá nhiều loại thuế phí, từ giai đoạn xuất xưởng tới khi đến được với người mua.
Ông dẫn chứng, trước khi lăn bánh ở Việt Nam, chủ xe phải hoàn thành các khoản như phí trước bạ 10-15%, phí đăng kiểm, phí sử dụng đường bộ hàng năm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí ra biển xe. Trước đó là một loạt sắc thuế bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng.
"Trong khi đó, thu nhập của người Việt Nam ở mức trung bình và còn thấp so với thế giới. Người làm chính sách cần biết “khoan sức dân”, để người dân có tiền, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất", ông nói.
Liên quan tới thuế tài sản với ô tô, trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cơ quan điều hành nên cân nhắc vì có thể dẫn tới tình trạng thuế chồng thuế.
Theo ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội thì cho rằng, đối với những mặt hàng như ô tô có thể điều tiết bằng thuế tiêu thụ đặc biệt thay vì áp thêm một loại thuế mới là thuế tài sản. "Nếu cho ôtô là mặt hàng xa xỉ, không phải loại phổ biến thì ta áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tốt hơn là tính vào thuế tài sản,” ông Cường nói.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, ở Việt Nam ô tô đã chịu quá nhiều loại thuế rồi. Còn trong trường hợp đã đánh thuế thì không phân biệt giá trị mà đã là ô tô thì xe nào cũng thu vì nó cùng gây ra nhiều tác hại như nhau, thậm chí xe giá trị thấp còn có hại cho môi trường, xã hội hơn.
Theo Dân Trí