Lịch sử các biểu tượng xe hơi

Admin
Đối với những người ham mê xe ôtô cổ, họ không thể hình dung được một chiếc xe danh giá lại thiếu biểu tượng (mascot) gắn phía trên lưới tản nhiệt. Người ta coi đó một dấu hiệu cho thấy điểm nổi bật của chiếc xe như chất lượng, sự thanh lịch, tốc độ hay sức mạnh...

Quả thực, khó mà tưởng tượng rằng, một chiếc Rolls-Royce mà không có hình người phụ nữ như đang bay về phía trước (Spirit of Ecstasy), hay Hispano-Suiza mất đi con cò (Stork) của mình. Bất cứ một chiếc xe cổ nào khác với một mũi xe trơ trụi cũng đều tạo ra một dáng vẻ không hoàn thiện. Trong quá khứ, khi các hãng ôtô chưa phát triển các dây chuyền sản xuất hàng loạt, người mua thường đặt yêu cầu trực tiếp với nhà chế tạo để có được chiếc xe theo ý muốn. Và biểu tượng là một cách giúp phân biệt các xe với nhau. Đó là lý do khiến cho rất nhiều trong số các mascot được gắn kèm thêm cánh, tượng trưng cho tốc độ, bất kể chúng nhiều khi chẳng phải là chim, mà là hình người hoặc thậm chí là các chữ cái, ví dụ như xe Bentley với chữ "B" có cánh.

Một phiên bản khác của Spirit of Ecstasy.
John Montagu có thể coi là người khởi xướng phong trào gắn thêm đồ trang trí ở mũi xe vào năm 1898. Ông đặt một tượng thánh Christopher phía trước chiếc Daimler. Nắm bắt xu hướng bắt chước nhau về sở thích của những tay chơi ôtô, các tiệm kim hoàn đã lập tức tung ra những mẫu mã được ưa chuộng nhất với số lượng lớn. Đến lượt đến lượt các nhà sản xuất xe hơi nhận thấy tầm quan trọng của một biểu tượng riêng, gắn liền với xe của hãng và bắt đầu đặt làm hàng trăm chiếc để gắn lên các sản phẩm mới. Nhờ vậy, những xưởng chuyên sản xuất biểu tượng bắt đầu đua nhau mọc lên tại Anh, Mỹ và Pháp. Từ thập niên 20 trở đi, trào lưu này trở nên phổ biến. Bức tượng Triomphe của Isotta-Frashini, do một người Mỹ gắn thêm vào xe của mình đã sớm trở nên gần gũi với nhãn hiệu này đến mức nó được coi như là một biểu tượng của hãng. Và trong một thời gian dài, mascot nằm trong số các lựa chọn thêm khi mua xe, giá cũng hết sức phải chăng.
 

Một trong các biểu tượng nổi tiếng nhất, nằm trong số ít hiện nay vẫn còn được sử dụng, Spirit of Ecstasy của Rolls-Royce, được Charles Robinson Sykes tạo ra năm 1911, dành riêng cho mẫu xe Silver Ghost. Chiếc xe tuyệt hảo này, điển hình cho nghệ thuật chế tạo ôtô vào thời đó, xứng đáng một vật trang trí đặc biệt. Và quả thực, "Flying Lady" chính là điều người ta mong đợi, thể hiện một sự khao khát, một niềm đam mê bị kìm hãm. Nguyên mẫu của nó là Eleanor Velasco Thornton, người phụ nữ có sắc đẹp mê hồn, hiểu biết và có óc hài hước. Eleanor là người yêu của John Walter Edward-Scott Montagu, dòng dõi quý tộc Anh, người đã có gia đình. Khi Montagu đề nghị nhà điêu khắc, đồng thời là người bạn thân Charles Sykes làm một bức tượng để tô điểm cho chiếc xe riêng Rolls-Royce Silver Ghost, Sykes đã chọn Eleanor để làm cảm hứng sáng tác.
 

Trong số các biểu tượng được các nhà sưu tập săn lùng ráo riết hiện nay, hình con cò của hãng xe Pháp Hispano-Suiza là mẫu được ưa thích nhất. Phía sau nó là cả một câu chuyện hào hùng. Trong Thế chiến II, Hispano-Suiza chuyên chế tạo các động cơ máy bay. Trên những máy bay trang bị động cơ Hispano, các phi công của mặt trận phía Tây đã ghi những dấu ấn hiển hách trong các trận chiến với không quân Đức. Ở sườn xe của phi đội nổi tiếng do Geogers Guynemer chỉ huy có sơn hình một con cò. Kết thúc chiến tranh, Hispano-Suiza quay trở lại ngành công nghiệp ôtô và họ đã chọn mascot Con cò đại diện cho các sản phẩm của mình.
 

Con voi của Bugatti.

Một con người vĩ đại trong lịch sử phát triển xe hơi là Ettore Bugatti đã chỉ đặt biểu tượng trên một mẫu xe duy nhất của ông. Tượng con voi trắng rất phù hợp để trang trí những chiếc 41 Royale. Tất cả chỉ có 6 chiếc xe 41 Royale được xuất xưởng, với chiều dài mỗi xe tới 7 m và nặng 3,5 tấn, tiêu biểu cho những chiếc xe đua và xe thể thao siêu hạng kiểu Ettore. Rembrandt, anh trai của Ettore là một điêu khắc gia có tài năng thiên bẩm, đã dành gần trọn cuộc đời để mô tả hết sức sinh động đời sống những con vật trong sở thú Antwerp, Bỉ. White Elephant (Voi trắng) chính do Rembrandt sáng tác ra như một cách để lại ký hiệu riêng. Ettore sử dụng nó nhằm tưởng nhớ tới anh trai mình, người đã tự vẫn vì nỗi bất hạnh trong cuộc sống riêng.
 

Đúng như bản tính thực tế, người Đức tỏ ra khá ôn hòa trong việc tìm kiếm những vật tô điểm cho xe của họ. Ngôi sao 3 cánh đặt trong vòng tròn của Mercedes, chữ W của Wanderer hay quả bóng có cánh (Winged Ball) của Horch là những ví dụ hoàn hảo về sự giản tiện nhưng thanh nhã. Hiện nay, những biểu tượng được làm bằng chất liệu thuần thực sự hiếm vì chúng đã bị nấu chảy để lấy kim loại trong Thế chiến II. Chuyện tương tự cũng xảy ra tại các quốc gia bị chiếm đóng tại châu Âu trong khoảng thời gian này.
 

Biểu tượng Bentley Con báo Jaguar  Nữ thần Cadillac
Con cừu của Dodge Buick Maybach


Biểu tượng nguyên gốc của các nhà sản xuất thường có giá rẻ do được làm bằng đồng. Người ta đúc chúng trong khuôn và sau đó đánh bóng bằng tay. Với Spirit of Ecstasy, do gia đình Sykes sản xuất tới tận năm 1948, phương pháp rắc rối hơn được áp dụng. Nhưng dù vậy, do kỹ thuật còn chưa phát triển, các sản phẩm cuối cùng không hoàn toàn giống nhau vì phụ thuộc vào các nhân tố môi trường như độ ẩm. Những thứ cầu kỳ hơn, kiểu tượng Người bắn cung của Pierce Arrow hay Ikarus của Farman được đúc từng phần. Với thời gian, các biểu tượng cũng chịu nhiều sự đổi thay về kiểu dáng. Những gì quá dung tục không còn tồn tại, những gì còn thô sơ trở nên trau chuốt hơn và xuất hiện những phiên bản bằng các chất liệu quý như bạc, đương nhiên có giá đắt hơn. Ngay cả Spirit of Ecstasy, thoạt nhìn vẫn như thuở ban đầu cũng có tới 11 sự sửa đổi. Một vài công ty không chỉ sử dụng một biểu tượng duy nhất mà thiết kế nhiều nhiều mẫu cho các kiểu xe khác nhau. Lấy ví dụ, con đại bàng của Chevrolet được thay đổi mỗi năm.
 

Vào cuối thập kỷ cuối thập kỷ 50, do sự đổi mốt và các quy định về an toàn giao thông, các biểu tượng dần biến mất. Nhiều quốc gia cấm gắn các vật trang trí trên xe vì cho rằng các cạnh sắc nhọn của chúng có thể gây nguy hiểm cho người khác khi xảy ra tai nạn. Phần lớn các biểu tượng cổ có đời sống dài hơn chính bản thân chiếc xe mà nó tô điểm, nên có giá rất đắt, dẫn đến tình trạng làm giả để thu lợi bất chính. Vì thế, vài biểu tượng có số lượng nhiều hơn hẳn số xe được sản xuất.

Autovina
(theo VNE/KTUD)