Những địa điểm du lịch dưới đây không chỉ hấp dẫn các du khách bởi thắng cảnh đẹp mà còn tạo nên sự khác biệt vì bóng dáng của xe hơi gần như biến mất. Điều đó tạo nên một không gian như tách biệt với xã hội hiện đại bên ngoài, mang thiên nhiên gần hơn tới con người.
Thành phố Venice của Ý
Venice có lẽ là một trong những thành phố nói không với ô tô nổi tiếng nhất trên thế giới. Đến với Venice, du khách sẽ bị choáng ngợp trước hệ thống kênh rạch rộng và kiến trúc sang trọng.
Từ thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, nền văn minh Roman đã bị sụp đổ. Người Roman quyết định rời bỏ nhà cửa rồi xây dựng nơi ở tạm thời tại các đầm lầy Torcello, Iesolo và Malamocco. Đây là khu vực về sau đã trở thành Venice của ngày nay. Hiện nay, thành phố Venice là tập hợp của 118 hòn đảo riêng biệt, được nối với nhau bằng hệ thống kênh đào và cầu.
Giethoorn của Hà Lan
Tại Giethoorn, thay vì đường phố thông thường, người dân đi lại trên những con kênh. Được mệnh danh là Venice của xứ Bắc, Giethoorn đã trở thành địa điểm thu hút rất nhiều khách du lịch muốn tận hưởng cuộc sống đơn giản và thư giãn hơn. Đồng thời, Giethoorn cũng là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tránh xa xe hơi.
Giethoorn được thành lập bởi một nhóm người lánh nạn vào năm 1230. Ngày nay, người dân tại Giethoorn sử dụng những chiếc thuyền chạy bằng mô-tơ điện nhỏ để đi lại trên hệ thống kênh rạch. Họ dùng thuyền làm phương tiện di chuyển hàng ngày hoặc chở khách du lịch. Vào mùa đông, khi các con kênh bị đóng băng, hàng ngàn khách du lịch lại tới Giethoorn để trượt tuyết.
Đảo Hydra của Hy Lạp
Nằm giữa vịnh Saronic và Argolic là một hòn đảo xinh đẹp có tên Hydra. Trên đảo có thành phố Hydra với lối kiến trúc cổ điển đậm chất Hy Lạp. Một trong những điều khiến hòn đảo Hydra giữ được sự nguyên sơ chính là luật cấm xây dựng nhà mới và cấm ô tô. Nguyên nhân là do những con đường trên đảo Hydra quá hẹp và dốc nên không phù hợp với ô tô. Vì vậy, đảo Hydra vẫn giữ nguyên tình trạng như 50 năm về trước.
Đảo Fire của New York, Mỹ
Không ai thực sự biết rõ nguồn gốc của cái tên đảo Fire. Một số người nói đây đơn giản là do lỗi phát âm. Trong khi đó, những người khác lại khẳng định đảo Fire có tên như vậy sau vụ những tên cướp biển đốt nhà và cướp bóc trên bờ biển.
Tuy nhiên, đảo Fire không nổi tiếng vì cái tên. Thay vào đó, hòn đảo dài 50 km gây ấn tượng vì không hề có bóng dáng ô tô. Nguyên nhân là do ở điểm rộng rất của hòn đảo cũng chỉ có chiều rộng 1/4 dặm, tương đương 0,4 km. Chiều rộng này không đủ để ô tô đi lại trên đường.
Do đó, người dân trên đảo Fire chọn phương tiện đi lại là xe đạp. Điều này đồng nghĩa với việc người dân phải mang theo mọi thứ cần thiết theo mình. Ví dụ, một tuần nghỉ ngơi tại đây đồng nghĩa với việc bạn phải mang theo 7 bộ quần áo khác nhau. Để giải quyết vấn đề này, người dân tại đảo Fire dùng xe ngựa để chở đồ thay cho ô tô. Từ đó, bãi đỗ xe trên đảo Fire cũng được biến thành bãi đỗ xe ngựa.
Đảo Paqueta của Brazil
Ban đầu, đảo Paqueta là nơi cư trú của bộ lạc Tamoio. Để sinh sống trên đảo, người dân bộ lạc Tamoio chủ yếu săn bắn và hái lượm. Khi người Pháp đến chiếm đảo Paqueta, bộ lạc Tamoio đã hợp lực với người Bồ Đào Nha để giành lại mảnh đất quê hương. Sau này, người Tamoio không còn săn bắn và hái lượm nữa. Thay vào đó là trồng cây ăn quả, rau và cây lấy gỗ.
Ngày nay, trên đảo Paqueta là những con đường bằng đá cuội và không hề có bóng dáng ô tô. Đảo Paqueta vẫn giữ lại chất nguyên sơ ban đầu.
Đảo Mackinac của bang Michigan, Mỹ
Dân số chính của đảo Mackinac chỉ có 500 người. Tuy nhiên, cứ đến mùa hè hàng năm, du khách từ khắp nơi lại đổ về Mackinac để nghỉ ngơi trong những khách sạn và túp lều theo phong cách cổ xưa. Đặc biệt, khi đến hòn đảo Mackinac, các du khách sẽ tìm mỏi mắt mà không thấy một chiếc ô tô nào.
Từ năm 1898, chính quyền Mackinac đã cấm sử dụng các phương tiện có động cơ trên đảo. Nếu muốn đến nơi nào đó trên đảo Mackinac, bạn phải đi bộ, đạp xe hoặc thuê xe ngựa.
Trước lệnh cấm vào năm 1898, các du khách đã mang ô tô đến đảo Mackinac khiến những chú ngựa hoảng sợ và phá hỏng sự bình yên nơi đây. Do đó, những người dân tại đảo Mackinac đã quyết định cấm ô tô. Chỉ trong trường hợp khẩn cấp, ô tô mới được dùng tại đảo Mackinac.
Thành phố Vauban của Đức
Vauban được tạo ra như một thành phố bền vững cho con người sinh sống. Chính quyền đã cố tình xây dựng thành phố Vauban theo hướng bền vững về mặt môi trường, kinh tế và cả xã hội.
Khi thiết kế Vauban, hội đồng thành phố đã có nhiều mục tiêu trong đầu. Mục tiêu đầu tiên của họ là thiết kế thành phố mà ở trung tâm hoàn toàn vắng bóng ô tô. Các mục tiêu khác là tạo ra những khu kinh doanh, công viên công cộng, trường học và nhà ở tiện lợi nhất cho người dân.
Tại trung tâm thành phố Vauban, người dân không được phép dùng ô tô. Trong khi đó, những người vẫn chọn mua xe được yêu cầu phải đỗ ở bên ngoài khu vực dân sinh. Bằng cách này, chính quyền thành phố Vauban đã tạo ra một khu vực không có ô tô đỗ tràn lan cho người dân sinh sống. Nhờ đó, 40% người dân tại thành phố Vauban đã quyết định từ bỏ ô tô. Khi từ bỏ ô tô, người dân Vauban còn được thưởng tiền hoặc sử dụng tàu điện miễn phí.
Theo: trithuctre