Lần đầu tiên Toyota tính chuyện đóng cửa nhà máy
Admin
11:26 01/08/2009
Các nhà lãnh đạo của Toyota, hãng xe lớn nhất thế giới, đang nghĩ đến việc đóng cửa một nhà máy lớn tại Mỹ.
Trong suốt lịch sử đã 73 năm của tập đoàn này, chưa khi nào một quyết định tương tự được đưa ra.
Nhà máy mà Toyota đang dự định cho “về hưu” là một liên doanh 50-50 với hãng xe General Motors (GM) của Mỹ, có tên New United Motor Manufacturing (gọi tắt là Nummi), đặt tại vùng Fremont, bang California, và là nơi làm việc của khoảng 4.550 công nhân.
Tháng trước, trong quá trình thực hiện các thủ tục phá sản, GM đã rút khỏi liên doanh này. Không còn đối tác, Toyota dự định sẽ đóng cửa nhà máy kể từ tháng 8 tới, sau khi hoàn tất các cuộc đàm phán với Motors Liquidation Company (MLC), công ty chịu trách nhiệm về việc thanh lý tài sản của GM.
“Chúng tôi đã quyết định sẽ đàm phán với MLC về việc Toyota muốn rút khỏi liên doanh này. Toyota chưa từng đóng cửa một nhà máy nào bao giờ. Nhưng tình hình hiện nay thực sự là khó khăn”, phát ngôn viên của Toyota, ông Paul Nolasco, cho biết.
Ở thời điểm năm 1982, GM là chủ nhân duy nhất của Nummi. Sau đó, những bất ổn trong vấn đề người lao động và chi phí leo thang buộc GM phải đóng cửa nhà máy. Đúng thời gian đó, Toyota bắt đầu tìm điểm tựa để thâm nhập thị trường Mỹ và quyết định rót 150 triệu USD, thành lập liên minh với GM, và mở cửa trở lại nhà máy này vào năm 1984.
Nummi được xem là đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành sản xuất xe hơi tại Mỹ nhờ việc đem tới những phương pháp quản lý kiểu Toyota như cung cấp vật liệu đúng thời gian sản xuất, làm việc theo nhóm, và các phương pháp tăng hiệu suất lao động...
Năm ngoái, công suất của Nummi là 420.000 xe 4 chỗ và xe bán tải. Tuy nhiên, từ lâu, nhà máy này đã chịu thua lỗ, một phần do chi phí nhân công ở bang California thuộc loại cao và các tiêu chuẩn môi trường ngặt nghèo ở bang này.
Tân chủ tịch Akio Toyoda của Toyota hiện vẫn đang tỏ ra lưỡng lự trong việc đóng cửa Nummi. Từng có thời gian làm việc hai năm ở nhà máy này, ông Toyoda có ý muốn duy trì hoạt động của nhà máy, bất chấp việc GM rút khỏi liên doanh.
Một lý do khiến ông Toyoda ngại đóng cửa nhà máy là vì vấn đề bảo vệ việc làm là trọng tâm trong phương pháp sản xuất có tên “kaizen” của Toyota. Phương pháp này khuyến khích công nhân trong các dây chuyền lắp ráp đưa ra sáng kiến nâng cao tốc độ và hiệu quả công việc. Theo các quan chức của Toyota, công nhân sẽ ngại đề xuất cải tiến nếu họ có tâm lý lo sợ sự gia tăng hiệu quả có thể dẫn tới việc cắt giảm việc làm.
Ngoài ra, Toyota cũng nhạy cảm trước bất kỳ xung đột chính trị nào có thể xảy ra từ việc đóng cửa nhà máy ở thời điểm khó khăn đối với cả ngành công nghiệp ôtô Mỹ và bang California như hiện nay. Ước tính, ngoài việc toàn bộ số công nhân của nhà máy lâm vảo cảnh thất nghiệp, việc đóng cửa Nummi còn có thể khiến khoảng 30.000 việc làm nữa bị ảnh hưởng gián tiếp tại khoảng 1.000 công ty cung cấp linh kiện và dịch vụ cho nhà máy.
Việc đóng cửa nhà máy Nummi được xem là một diễn biến “họa vô đơn chí” đối với bang California trong bối cảnh bang này đang đương đầu với một cuộc khủng hoảng ngân sách căng thẳng. Các chính trị gia hàng đầu của bang, bao gồm cả Thống đốc Arnold Schwarzenegger, đã công khai lên tiếng kêu gọi Toyota cứu lấy nhà máy này.
Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, với việc 5 nhà máy khác của Toyota tại Mỹ đang hoạt động dưới công suất, hãng sẽ không lựa chọn con đường duy trì hoạt động của Nummi. Hoạt động sản xuất một số loại xe tại nhà máy này, trong đó có chiếc sedan Corolla, có thể dễ dàng được chuyển sang các nhà máy đang dư thừa công suất khác.
Giới chuyên môn cho rằng, việc đóng cửa nhà máy Nummi là một bước ngoặt đối với Toyota. Trong thời gian khủng hoảng và suy thoái này, Toyota đã ra sức bảo vệ các nhà máy và việc làm cho công nhân, bất chấp sự chao đảo của thị trường ôtô toàn cầu.
Nhiều năm trở lại đây, lãnh đạo của Toyota đã cho phép các nhà máy của hãng hoạt động trong tình trạng dư thừa công suất, với niềm tin về nhu cầu thị trường ôtô sẽ gia tăng trong tương lai. Chiến lược này đã phát huy tác dụng trong những năm gần đây, khi mà doanh số toàn cầu của Toyota tăng mạnh. Theo “đại gia” này, từ năm 1950 tới nay, họ chưa khi nào phải sa thải công nhân làm việc thường xuyên vì những lý do tài chính.
Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi. Từ đầu năm tới nay, doanh số của Toyota tại thị trường Mỹ đã giảm 38%, sau khi đã giảm 15% trong năm 2008. Trong năm tài khóa kết thúc vào cuối tháng 3 vừa qua, Toyota đã lần đầu tiên báo lỗ trong gần 6 thập kỷ, với mức lỗ 4,6 tỷ USD. Hãng dự báo, năm nay, mức lỗ sẽ còn to hơn. Sản lượng xe toàn cầu của Toyota ở thời điểm hiện nay chỉ tương đương với 70% công suất của hãng.
“Dường như Toyota đã không còn duy trì được tôn chỉ “không đóng cửa nhà máy, không sa thải công nhân” bấy lâu nay. Nhiều người sẽ xem đây là sự bắt đầu một kỷ nguyên mới của hãng”, ông Tatsuo Yoshida, một nhà phân tích về thị trường ôtô của ngân hàng UBS tại Tokyo, nhận định.