Điều đầu tiên cần làm khi ngồi vào ghế lái của một chiếc xe số tự động, đó là phải xác định: "không sử dụng chân trái". Không ít người do thói quen lái xe số sàn vốn dùng cả 2 chân, nên khi lên xe số tự động cũng bê nguyên thói quen đó vào. Đây là điều rất nguy hiểm và cũng hoàn toàn sai nguyên tắc, bởi lẽ đối với xe số sàn, chân trái chỉ có chức năng đạp côn, còn chân phải đảm nhiệm 2 vị trí chân phanh và chân ga; sang xe số tự động do loại bỏ chân côn đi nên như một lẽ tất yếu, chân trái sẽ không cần phải sử dụng đến.
Tại Việt Nam, 100% các trường dạy lái xe đều cho học viên lái những chiếc xe số sàn. Nhưng khi học xong, lấy bằng xong, nhiều học viên lại sử dụng xe số tự động cho công việc và đời sống thường ngày của mình. Trong khoảng thời gian đầu của sự chuyển tiếp này, khả năng gây tai nạn do lái xe số tự động không đúng cách là rất lớn, tất cả chỉ vì thói quen sử dụng cả 2 chân ở xe số sàn.
Mặc dù việc loại bỏ chân côn ở xe số tự động đúng là đem lại sự thoải mái và tiện dụng hơn cho người lái, nhưng nó cũng đi kèm với sự nguy hiểm. Trước đây, khi lái xe số sàn, người lái buộc phải tập trung cao độ cho từng thao tác phối hợp ga - côn và sang số. Nhưng khi ngồi trong xe số tự động, do không phải làm những việc trên nên sự tập trung sẽ giảm đi, dễ lơ đãng hơn, mà càng mất tập trung thì càng dễ gây tai nạn.
Có một thực tế là ở Việt Nam, các dòng xe máy underbone (chúng ta hay quen gọi là "xe số") rất phổ biến, hầu như bất cứ ai cũng từng tham gia giao thông trên những loại xe này. Mà đối với "xe số", một trong những điều cần "thuộc nằm lòng" là thao tác đạp phanh sau bằng chân phải. Đi "xe số" nhiều, ắt sẽ hình thành phản xạ "muốn dừng xe thì phải đạp chân phải", lâu dần thành quen, phản xạ đó ăn vào máu lúc nào không hay. Rồi khi kinh tế phát triển, chuyển lên các dòng xe ô tô số tự động, chắc chắn nhiều người vẫn giữ trong đầu cái phản xạ lái xe máy đó, để lúc bất chợt mất tập trung, trong đầu muốn dừng xe nhưng lại cứ nhằm chân ga mà đạp. Lúc đó, hậu quả ra sao thì chẳng ai muốn tưởng tượng...
Một điều đáng lưu ý khác ở xe số tự động là vai trò của số N (Neutral). Tác dụng của số này chỉ là để xe chạy không tải, dành cho những lúc cần kéo/đẩy xe đi sửa chữa, chứ không phải là để đỗ xe (phải dùng số P). Đừng nghĩ rằng khi để số N, thấy xe đứng yên mà tưởng là nó sẽ đứng mãi như vậy! Số N không có khả năng phanh bằng động cơ, chỉ có thể hãm xe bằng chân phanh nên nếu người lái rời khỏi xe đang để số N, rồi sau đó có gì tác động mạnh vào xe, chắc chắn chiếc xe sẽ di chuyển và lao đi đâu đó, không ai biết được.
Tổng kết lại, ta có thể rút ra một số lưu ý quan trọng trong việc vận hành xe số tự động như sau:
1. Không dùng chân trái. Leo lên xe số tự động, chân trái là thừa theo đúng nghĩa đen và tuyệt đối không nên "sáng tạo" ra vai trò gì cho chân trái trong lúc lái xe.
2. Tuân thủ đúng điều đã được học ở trường dạy lái xe: chân phải đảm nhiệm cả phanh và ga.
3. Khi lái xe phải luôn tập trung, luôn nhớ được vị trí hiện tại của chân phải là đang nằm ở vị trí phanh hay ga.
4. Hiểu thật rõ sự khác biệt giữa số N và P để tránh sử dụng số N bừa bãi không đúng cách. Tốt nhất là luôn về số P khi dừng xe, và quên hẳn số N trừ khi gặp trường hợp đặc biệt.
5. Phải ý thức rõ ràng là lái xe ô tô số tự động là việc làm mang đầy tính trách nhiệm, chứ không đơn giản như xe số sàn (lỡ đạp ga còn có thể dùng côn hãm lại) hay như... xe máy.
Nguyễn Nam