Hướng đi nào cho xe buýt TP HCM?

“Từ nay đến Tết Nguyên đán, tất cả xe buýt sẽ tiến hành nâng cấp sơn mới, làm lại nội thất như ghế, máy lạnh…”. Đó là phát biểu của ông Phùng Đăng Hải - Tổng Giám đốc Liên hiệp KTX Vận tải TPHCM.
Lý giải nguyên nhân xe buýt xuống cấp trong thời gian qua, ông Phùng Đăng Hải cho biết nguyên nhân là do doanh nghiệp (DN) không có tiền đại tu, sửa chữa định kỳ. Để xe chạy an toàn và lâu bền, khoảng 3 - 4 năm (tương đương 240.000km) phải đại tu, chi phí khoảng 380 triệu đồng/xe, trong đó không chỉ nâng cấp khung, thùng xe và nội thất mà còn sửa chữa toàn bộ động cơ, thay thế các thiết bị an toàn của xe. Tuy nhiên đa số xe buýt hiện nay đều hoạt động liên tục cho đến khi hư hỏng mới đưa đi sửa chữa tạm để chạy tiếp.
 
“Từ nay đến Tết Nguyên đán, tất cả xe buýt sẽ tiến hành nâng cấp sơn mới, làm lại nội thất như ghế, máy lạnh… nói chung đại tu lại toàn bộ những xe đã xuống cấp. TP mới vừa trả tiền thiếu nợ 50% trong năm 2009 (tiền trợ giá), các đơn vị đã lên danh sách những xe xuống cấp và nhanh chóng đưa vào nâng cấp sửa chữa. Số tiền TP chi trả bình quân khoảng 50 triệu đồng/xe, số tiền này cũng đủ để các đơn vị sơn mới, làm ghế, đèn đóm… Nói chung, trước Tết Âm lịch, đảm bảo xe buýt sẽ đẹp và đạt chất lượng” - ông Hải nói.
 
Tháng 5 vừa qua, TPHCM đã đưa vào thí điểm 2 chiếc xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch - khí nén thiên nhiên (compressed natural gas - CNG) do Liên hiệp HTX Vận tải TPHCM và Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng/xe (loại đã qua sử dụng). Việc sử dụng xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch là mục tiêu mà TP đang hướng tới. Tuy nhiên, trên thực tế sau gần 2 tháng hoạt động, 2 xe buýt CNG lại đang có nguy cơ bị ngừng hoạt động. Trong khi đó, xe buýt chạy bằng CNG chỉ bằng 60% giá thành sử dụng dầu diesel, tiết kiệm được khoảng 40% chi phí so với chạy bằng nhiên liệu dầu và ít gây ô nhiễm môi trường.
Với tính hiệu quả của xe buýt CNG, nhiều tổ chức, cá nhân cũng muốn đầu tư phương tiện này, để thay thế xe buýt chạy bằng dầu đang xuống cấp hoặc sắp hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, điều khiến các đơn vị vận tải, xã viên vẫn còn băn khoăn là đến nay TP vẫn chưa có một chính sách cụ thể hỗ trợ để khuyến khích đầu tư xe buýt CNG.
 
Xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch
 
Theo ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TPHCM, dù đã hoạt động được 2 tháng và tiết kiệm được 40% chi phí nhiên nhiệu so với trước đây, Song, đơn vị vận tải đầu tư xe buýt CNG vẫn không được hưởng mức chênh lệch giữa giá dầu diesel và CNG. Lý do được Sở Tài chính TPHCM đưa ra, nếu xe buýt chạy bằng CNG, chỉ được tính trợ giá bằng số tiền sử dụng nhiên liệu này, chứ không được tính bằng dầu diesel, để hưởng chênh lệch. Theo các đơn vị vận tải xe buýt TPHCM, đầu tư một xe buýt CNG mới tốn khoảng 2 tỷ đồng (chưa kể các khoản thuế), do đó nếu TP không có chính sách khuyến khích, ưu đãi trong thời gian đầu thì chẳng mấy ai dám mạo hiểm chịu đầu tư xe buýt sạch.
 
Để đầu tư, đổi mới hàng loạt phương tiện xe buýt mới thay thế không phải một sớm một chiều là có ngay xe, vì vậy nếu TP không sớm có kế hoạch, chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư thì vài năm tới khi ngày càng có nhiều xe buýt hư hỏng hoặc hết niên hạn sử dụng, lúc đó nước đã đến chân… TP đã có chủ trương tăng giá xe buýt. Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại việc tăng giá vé có làm giảm lượng hành khách đi lại bằng phương tiện này? Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hằng, Trường Đại học GTVT cơ sở 2, cho rằng đề xuất tăng giá vé lên 1.000 đồng/vé chưa phải là quá cao. Việc tăng giá vé sẽ ảnh hưởng đến lượng hành khách nhất định là sinh viên, học sinh, công nhân... Nhưng liệu việc tăng giá vé có đồng hành với việc tăng chất lượng phục vụ còn là điều băn khoăn của nhiều hành khách đi xe buýt?
 
Theo SGGP
lien