Phó tổng giám đốc Koichi Kondo khẳng định Honda chỉ tiếp cận với Chrysler dưới tư cách đối tác, không hề có nhu cầu mua lại cơ sở vật chất hoặc tài sản của thương hiệu này. "Đó không phải là phẩm chất Honda".
Với GM, sự quan tâm còn ít hơn với cùng lý do. Tuy nhiên, Honda không từ chối bất cứ cơ hội hợp tác nào với các đối thủ, kể cả GM, trong việc chia sẻ bí quyết công nghệ về an toàn nếu những thỏa thuận có lợi cho mình.
Koichi Kondo, Phó tổng giám đốc Honda đứng cạnh chiếc hybrid Insight. Ảnh: AP. |
Để không rơi vào tình cảnh giống như hai ông lớn Mỹ, Honda tập trung nghiên cứu những mẫu xe thân thiện môi trường, giảm chi phí, khu vực hóa sản phẩm để giảm quy mô cũng như thỏa mãn khách hàng tốt hơn.
Koichi Kondo khẳng định Honda không cố bành trướng bằng mọi cách."Quy mô chỉ đến từ kết quả kinh doanh, sản phẩm và nhu cầu khách hàng".
Cả Toyota, Honda và các hãng nước ngoài thực sự không vui gì khi Chrysler và GM phá sản nên hiển nhiên không quan tâm tới việc thôn tính. Bởi dù cạnh tranh, tất cả vẫn đang dựa vào nhau. Sự sụp đổ của GM hay Chrysler khiến hàng loạt nhà cung cấp phụ trợ rơi vào cảnh nợ nần. Trong khi đó, chính các công ty này cũng đang cung cấp hàng cho Toyota hay Honda.
Theo nhà phân tích Erich Merkle ở Crowe Horwath LLP, công nghiệp ôtô ở trạng thái đan xen và có quan hệ lớn với nhau. Các công ty liên kết theo một chuỗi phức tạp và chỉ cần một mắt xích gặp sự cố, cả hệ thống sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt khi mỗi nhà cung cấp chịu trách nhiệm sản xuất một linh kiện nhất định.
Chẳng hạn 70% nhà cung cấp cho GM cũng là đối tác của Ford. Còn các hãng xe châu á chia sẻ 58% số lượng các hãng phụ kiện với GM. Vì vậy, GM "ngã ngựa" thì Toyota và Honda cũng phải mất vài tháng mới có thể sản xuất bình thường.