Theo Thông tư 29/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT, từ hôm nay (1/10), Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ thực hiện việc cấp giấy lái xe quốc tế (International Driving Permit-IDP) cho công dân Việt Nam.
Mẫu giấy phép lái xe quốc tế của người Việt Nam (ảnh: Vietnamplus)
Tuy nhiên, ông Võ Minh Tuấn, Vụ phó Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN), khẳng định, việc cấp Giấy phép lái xe (GPLX) quốc tế - IDP chưa thể thực hiện được do công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu có năng lực cung ứng phôi ấn chỉ, và lệ phí cấp GPLX quốc tế thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính chưa hoàn tất. Trước mắt, khâu kỹ thuật của hệ thống cấp giấy phép lái xe quốc tế sẽ cố gắng phấn đấu hoàn thành trong tháng 10 và chờ thiết bị của nhà thầu cung cấp để tập huấn cho các Sở Giao thông Vận tải một cách nhanh nhất.
Cũng theo ông Tuấn, quy trình cấp GPLX quốc tế rất đơn giản. Với những người có nhu cầu cấp IDP để lái xe ở các quốc gia tham gia Công ước Viene 1968 về giao thông đường bộ (gồm 73 nước), chỉ cần mang hộ chiếu, GPLX quốc gia và đơn khai theo mẫu (có thể tải trên mạng, với điều kiện đã có GPLX vật liệu PET).
Sau 5 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, các sở GTVT hoặc Tổng cục Đường bộ sẽ hoàn tất, cấp IDP cho người dân. Hạng GPLX quốc tế sẽ được cấp tương đương với GPLX quốc gia, có thời hạn sử dụng 3 năm kể từ ngày cấp và phải phù hợp với thời hạn còn hiệu lực của GPLX quốc gia.
Được biết, GPLX quốc tế sử dụng công nghệ in khổ A6 và phải in nhiều trang với 5 thứ tiếng là Việt, Anh, Nga, Pháp và Tây Ban Nha cùng ký hiệu bảo mật chống làm giả. Số giấy phép lái xe quốc tế được sử dụng dãy số tự nhiên bao gồm 15 chữ số, 3 chữ số đầu là mã quốc gia (084), 12 chữ số sau là số giấy phép lái xe quốc gia.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ, nếu người sử dụng giấy phép lái xe quốc tế vi phạm Luật Giao thông tại nước ngoài, thì sẽ xử lý theo luật của nước sở tại và có quyền ghi vi phạm vào giấy phép lái xe hoặc thu hồi nhưng không được vượt quá thời gian người đó lưu trú.