Giải đua drag Bình Dương: lỗi do ai?

Svetlanauhn
(Autovina) - Việc giải đua đường thẳng 400m ở Bình Dương bị hủy là điều vô cùng đáng tiếc, trong đó nguyên nhân chủ yếu đến từ ý thức tồi tệ của khán giả và năng lực yếu kém của ban tổ chức.

Vào ngày 27/4/2014 vừa qua, giải đua đường thẳng 400m (drag) đầu tiên ở Việt Nam đã diễn ra tại đại lộ Hùng Vương, thuộc Thành phố mới Bình Dương). Đây là sự kiện do Công ty TNHH XNK Duy Thái phối hợp tổ chức cùng Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương và Liên đoàn xe đạp - mô tô thể thao Việt Nam.

Ngay từ trước ngày khai màn, giải đua drag Bình Dương đã thu hút rất nhiều sự chú ý của giới biker, bởi lẽ đây là lần đầu tiên một cuộc đua drag được tổ chức hợp pháp ở Việt Nam, được các cơ quan chức năng cho phép đàng hoàng. Sự hiện diện của 64 tay đua và hơn 20.000 khán giả đã nói lên sức hấp dẫn mà giải đua tạo ra. Đường đua là đại lộ Hùng Vương cũng tỏ ra lý tưởng với độ rộng tương đương 8 làn xe và chất lượng mặt đường khá tốt. Về lý thuyết, giải đua hoàn toàn có thể thành công.



Tuy nhiên, giải đua đã không thể kết thúc tốt đẹp: vào thời điểm khoảng 14h, hàng nghìn khán giả đã đạp đổ hàng rào và tràn vào đường đua chính, khiến ban tổ chức không thể kiểm soát nổi và buộc phải tuyên bố hủy giải đua. Sự việc còn khiến cộng đồng mạng "dậy sóng" thông qua hình ảnh vận động viên biểu diễn Gabit (Malaysia) quỳ gối vái lạy ngay trên đường đua, dù chưa rõ hành động này hướng đến khán giả hay có mục đích nào khác.

Theo những người có mặt tại địa điểm diễn ra giải đua, lượng khán giả đông đảo kéo đến xem với thái độ rất cuồng nhiệt, dễ dẫn đến hành động thái quá. Ai cũng muốn đứng thật gần để quan sát các tay đua, nhưng khi không gian không đủ, ắt sẽ dẫn đến việc chen lấn, xô đẩy. Sự cố đạp tung hàng rào chỉ là hệ quả tất yếu. Không ít người thậm chí còn trèo lên cây để xem, rất phản cảm.



Sự thiếu ý thức, mất trật tự của một bộ phận lớn khán giả đã trực tiếp khiến cho giải đua bị hủy, nhưng không thể đổ hết lỗi cho họ. Chính ban tổ chức, ở đây là công ty Duy Thái, sẽ phải chịu trách nhiệm do khâu tổ chức quá kém cỏi, thiếu chuyên nghiệp.

Vấn đề đầu tiên là ở hệ thống hàng rào bằng lưới B40: chúng không đủ khả năng đảm bảo an toàn cho khán giả. Việc ban tổ chức thiết lập loại hàng rào này, dựa chúng vào dải phân cách và dùng một vài bao trấu rải rác dọc đường đua đã cho thấy sự hời hợt, coi thường tính mạng người xem. Không chỉ vậy, kiểu sắp xếp này còn vi phạm quy định theo Thông tư số 13/2013 - Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch (các giải thi đấu mô tô thể thao phải có khu vực an toàn hai bên đường với chiều rộng tối thiểu 4m, khu vực an toàn phải có hàng rào cách ngăn khán giả với chiều cao 3m có màu sắc tương phản với đường đua).



Bên cạnh đó, vị trí đặt hàng rào cũng không hợp lý. Các khán giả đến xem chỉ có thể thấy khoảng 50m đường đua, còn hơn 350m còn lại bị chia cắt liên tục bởi các lùm cây, gần như không thể quan sát. Đứng ngoài hàng rào thì không xem được, lại thêm yếu tố thời tiết nắng nóng đã khiến hầu hết khán giả sốt ruột và dẫn đến việc đạp đổ hàng rào để tiếp cận đường đua.



Trả lời báo chí, đại diện công ty Duy Thái cho biết vì đây là lần đầu tổ chức và không bán vé nên không bố trí được chỗ ngồi cho khán giả. Điều này đã xác nhận sự thiếu kinh nghiệm trong cách tổ chức giải đua. Chính vì không bán vé nên lượng khán giả kéo đến trở nên quá đông, vượt quá khả năng kiểm soát của lực lượng an ninh (vốn cũng khá ít do ban tổ chức không cảm thấy cần thiết phải bố trí nhiều người). Một nhà tổ chức chuyên nghiệp hẳn sẽ lường trước được sự đam mê của người Việt đối với môn đua xe và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng ở đây thì không.



Trên thực tế, chưa cần phải đến ngày thi đấu chính thức (27/4), mà ngay từ ngày tập dợt (26/4) đã xuất hiện vô số vấn đề. Khán giả đã dễ dàng lọt vào tận trong khu vực kỹ thuật, tiếp cận được nơi các đội đua dựng xe và gây cản trở cho quá trình tập luyện chuẩn bị. Nếu ban tổ chức nhanh nhạy, họ hoàn toàn có thể giải quyết được các vấn đề này và không để lặp lại vào ngày hôm sau, nhưng rất tiếc là đâu lại vào đó.

Ngoài sự lôm côm trong cách tổ chức và đảm bảo an ninh, công ty Duy Thái còn khiến giới mê xe "ngã ngửa" khi biến tấu thể thức đua vô tội vạ. Thể lệ giải đua ở Bình Dương cho phép tới 4 xe cùng đua ở một thời điểm, trong khi chuẩn thế giới thường chỉ có 2 xe đua cùng lúc, dù ở phân hạng nào đi nữa. Theo lời một thành viên ban tổ chức thì sự thay đổi này là "để cho hấp dẫn", nhưng nó chỉ càng khiến người ta nghi ngờ về năng lực chuyên môn của Duy Thái.

Khi giải đua bị hủy, cảm giác chung của hầu hết khán giả, những đội đua trực tiếp tham gia và những người theo dõi sự kiện này là nuối tiếc. Tuy nhiên, tất cả nên cảm thấy mừng, bởi một sự kiện yếu kém ở gần như mọi khâu tổ chức như thế này mà chưa để xảy ra tai nạn nào đã là rất tốt rồi!

Không thể đổ hết lỗi cho khán giả, dù ý thức của họ thật sự rất thấp

Hàng rào và bao trấu bố trí quá hời hợt, như chỉ để cho có

An ninh lỏng lẻo, khán giả dễ dàng đến sát đường đua

Đứng ngồi la liệt

Đối với một sự kiện được tổ chức kém như thế này...

...thì hủy sẽ tốt hơn là cho diễn ra

Hình ảnh vái lạy của Gabit, dù chưa chắc chắn là để cầu xin khán giả lùi ra hay chỉ là một "chiêu trò" biểu diễn, cũng là một hình ảnh rất đáng chán

Toàn Thắng

 ảnh: Autozoom

kynam