Nguyên nhân của cả 3 vụ TNGT nghiêm trọng nói trên đều do ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông, đó là không làm chủ tốc độ, đi không đúng phần đường quy định, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Điều đó cho thấy, việc đào tạo, giáo dục đội ngũ lái xe vẫn đang là một vấn đề cần được quan tâm cấp bách.
Mặc dù các ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn, số người chết và bị thương. Tuy nhiên, những nỗ lực đó dường như “muối bỏ bể”, vì số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra và còn có chiều hướng gia tăng. 3 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng mới đây đều xảy ra trên các tuyến quốc lộ.
Vụ thứ nhất xảy ra ngày 20-9-2009 trên Quốc lộ 2, thuộc địa phận Đoan Hùng, Phú Thọ, làm chết 8 người, bị thương 22 người. Vụ thứ hai, xảy ra ngày 2-10-2009 trên Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, làm 10 người chết và 6 người bị thương. Vụ thứ ba, xảy ra ngày 4-10-2009 cũng trên Quốc lộ 1A thuộc huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh làm 7 người chết, 25 người bị thương.
Hậu quả của 3 vụ tai nạn giao thông đường bộ nêu trên đều rất nặng. Ngoài 26 người chết, 52 người bị thương nặng, 6 xe ô tô đều bị hư hỏng, chưa kể những người may mắn còn sống sót vẫn không hết bàng hoàng và hậu quả nặng nề còn dai dẳng về sau. Từ 3 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng này cho thấy, đều do lỗi chủ quan của tài xế, 2 vụ lái xe không làm chủ tốc độ, đi lấn đường của xe ngược chiều, 1 vụ lái xe do uống rượu không làm chủ được tay lái, đâm vào xe đi ngược chiều.
9 tháng đầu năm trên cả nước đã xảy ra 25 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe chở khách (chiếm 22,1 trong tổng số TNGT đặc biệt nghiêm trọng), làm chết 86 người (chiếm 25,6%), bị thương 238 người (chiếm 62,5%), 20/24 vụ (chiếm 80%) số vụ do xe tư nhân quản lý gây nên.
Tình trạng lỗi do chủ quan của lái xe dẫn đến vụ tai nạn đã được cảnh báo từ lâu. Tuy nhiên nhiều lái xe vẫn vì lợi nhuận, mà bỏ qua những quy định bắt buộc, chở quá tải, giành đường, tranh khách, thời gian làm việc và nghỉ ngơi chưa hợp lý dẫn đến ngủ gật, mệt mỏi, thậm chí uống rượu bia khi điều khiển phương tiện... Điều đó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, việc quản lý, giáo dục để nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe còn yếu kém. Vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe, ngăn ngừa những vi phạm nói trên. Ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, thì việc xử lý tận gốc vi phạm của lái xe vẫn đang là một đòi hỏi cấp bách. Bởi nếu người điều khiển phương tiện có ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông, coi trọng tính mạng và an toàn của hành khách và chính mình thì tai nạn sẽ không xảy ra.
Trở lại vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại xã Tiêu Sơn, Đoan Hùng, Phú Thọ, tài xế điều khiển xe ô tô BKS 21H-1946 đã uống rượu lúc ăn trưa, dẫn đến việc không làm chủ được tốc độ, đi lấn đường nên đã đâm vào xe ô tô BKS 21H- 2012. Đây là một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, mà nguyên nhân đã được các cơ quan chức năng cảnh báo.
Điều này cho thấy đạo đức nghề nghiệp của tài xế đang ở mức báo động. Hiện cơ quan điều tra đang hoàn tất hồ sơ để có thể khởi tố vụ án và bị can đối với tài xế xe 21H-1946. Trong vụ tai nạn này, tài xế 21H-1946 bị thương còn phụ xe thì chết ngay tại chỗ. Nhận định về vụ tai nạn nghiêm trọng này, Thượng tá Lưu Đức Tính, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Lái xe 21H- 1946 đã cùng 3 thầy giáo uống hết 2,5 chai vodka nhỏ rượu gạo và vài lon bia tại quán ăn khu vực ngã 3 Đền Hùng, Phú Thọ, nên tai nạn đã xảy ra cho dù đây là một cung đường đẹp, ít phương tiện. Trên chuyến xe định mệnh này, nếu các thầy cô giáo và các em học sinh cùng đồng loạt yêu cầu tài xế không điều khiển khi đã uống rượu, thì tai nạn đã không xảy ra.
Vụ tai nạn nghiêm trọng thứ hai xảy ra, trên Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn ngày 2-10-2009, tại đây chúng tôi hết sức bàng hoàng khi chứng kiến hai chiếc xe ô tô tan tành như đống sắt vụn vẫn còn nằm chềnh ềnh ngay sân trụ sở Công an huyện Chi Lăng.
Vụ tai nạn làm 10 người chết tại chỗ, 1 người chết trên đường đi cấp cứu và 5 người bị thương nặng. Nguyên nhân của vụ tai nạn này do lái xe ô tô chở khách nhãn hiệu Ford Transit BKS 30L- 5882 của Công ty cổ phần dịch vụ vận tải đường bộ Hồng Hà do Vũ Thế Vinh điều khiển theo hướng Hà Nội- Lạng Sơn đã đâm vào xe container BKS 34L-0098 do Phạm Quang Cường đi ngược chiều, hướng Lạng Sơn - Hà Nội.
Theo Trung tá Vũ Đình Dũng, Phó trưởng công an huyện Chi Lăng, đây là vụ tai nạn thảm khốc nhất xảy ra với Lạng Sơn từ trước đến nay. Nguyên nhân của vụ tai nạn này do lỗi xe Ford Transit BKS 30L-5882 đi quá tốc độ, đi lấn phần đường của xe container nên đã đâm trực diện vào bên phải của xe container với cường độ rất mạnh.
Vụ tai nạn kinh hoàng thứ ba làm 7 người chết, 25 người bị thương mới xảy ra ngày 4/10/2009, trên Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Theo Thượng tá Nguyễn Đình Lĩnh, Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, công an huyện Kỳ Anh, xe khách mang BKS 88H- 3564 chạy hướng Bắc- Nam đi quá tốc độ, lấn đường nên đâm trực diện vào xe ô tô khách mang BKS 43S- 3610 chạy hướng ngược lại. Cú va chạm cực mạnh đã khiến lái xe BKS 43S- 3610 và 5 người trên xe này chết tại chỗ, 2 người trên xe 88H- 3564 chết trên đường đi cấp cứu.
Ngoài 7 người chết, còn có 25 trường hợp bị thương rất nặng. Theo kết quả điều tra tại hiện trường, nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do lái xe BKS 88H- 3564 không làm chủ tốc độ, đi không đúng phần đường, không quan sát mặt đường để có tốc độ đi phù hợp nên khi đi vào ổ gà đã mất lái, đâm trực diện vào xe BKS 43S- 3610. Đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng thứ 3 xảy ra trên địa bàn huyện Kỳ Anh kể từ năm 2002 đến nay.
Nhìn lại cả 3 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra gần đây cho thấy, nguyên nhân đều do ý thức của người điều khiển phương tiện. Làm thế nào để người điều khiển phương tiện chấp hành Luật Giao thông đường bộ, lại là trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Thực tế việc dạy học, cấp bằng lái xe ô tô lâu nay cho thấy, cần phải có quy trình đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe ô tô một cách chuẩn mực hơn. Những chuẩn mực đạo đức của người lái xe xem ra vẫn còn quá xa vời với nhiều tài xế, đặc biệt là tài xế xe khách. Nên chăng cần có quy định sát hạch lại hàng năm với những lái xe khách. Trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chủ phương tiện thế nào, đó là những vấn đề cũng cần phải được đặt ra sau những vụ tai nạn kinh hoàng nói trên.